Phong tục đón Tết trong các gia đình người Huế xưa và nay
Lượt đọc: 107256Thời gian: 16:27 - 03/02/2015

(VHH) - Một năm cũ lại sắp sửa qua đi, cũng như nhiều gia đình trên mọi miền đất nước các gia đình người Huế đang rộn ràng chuẩn bị đón một mùa xuân mới - Xuân Ất Mùi 2015.

Phong tục đón Tết là một nét đẹp văn hóa được lưu truyền từ xa xưa trong mọi gia đình người Việt nói chung và các gia đình người Huế nói riêng. Trong đó có nhiều hoạt động, nhiều phong tục truyền thống tốt đẹp được các thế hệ gìn giữ, bảo tồn cho đến ngày nay.

Ở Huế, những ngày chuẩn bị đón năm mới, dù bận rộn đến mấy, gia đình nào cũng lo sửa sang, quét dọn sạch sẽ từ trong nhà cho đến ngoài ngõ, nơi thờ cúng tổ tiên được chú trọng hơn cả. Trên bàn thờ, những gì đã cũ được thay mới. Các bộ lư, bát hương, chân đèn bằng đồng được đánh bóng, cát ở các bát nhang được thay mới. Trước Tết, các gia đình người Huế thường tổ chức cho con cháu đi thăm các phần mộ tổ tiên, những phần mộ người thân đã quá vãng, cả nhà cùng dọn dẹp vệ sinh, nhổ cỏ, chăm hoa cho các phần mộ, thắp hương mời ông bà, tổ tiên cùng về ăn Tết với con cháu.

Là vùng đất từng được mệnh danh là quê hương của Phật giáo, có lẽ chính vì vậy mà các gia đình người Huế rất ưa chuộng hoa màu vàng trong ngày Tết. Nhà nào cũng sắm vài ba chậu hoa cúc, thược dược vàng để trước hiên, ngoài sân; một cành hoặc đôi chậu mai vàng mà phải là mai Huế với sắc màu vàng tươi để trong nhà; trên các bàn thờ, trang thờ cũng được trang trí bởi hoa cúc vàng, tạo cảm giác ấm cúng, thơm nồng.

Ngày Tết là ngày để người phụ nữ trong gia đình Huế trổ tài nữ công gia chánh. Ngày trước, các món ăn truyền thống trong ngày Tết như bánh tét, bánh chưng, nem tré, dưa món, chuối chát, vả chua ngọt... và đủ các loại mứt, bánh ngọt như bánh thuẩn, bánh in, mứt gừng, mứt dừa, mứt me, mứt hạt sen, chè khoai môn, chè xanh đánh... đều được các mẹ, các chị tự làm. Trong mỗi gia đình từ thành thị đến nông thôn, không khí chuẩn bị Tết thật tất bật, ấm cùng, hào hứng. Những bếp lửa nấu bánh tét, bánh chưng bập bùng trong tiết trời se lạnh của những ngày giáp Tết, cả nhà quây quần bên nồi bánh đang sôi trào, tận dụng than củi đỏ hồng để ngào mứt, đổ bánh. Cái không khí ấm cúng, đoàn viên, ngập tràn hạnh phúc gia đình ấy dễ gì mà quên được.

Là vùng đất Kinh đô xưa, các gia đình người Huế rất coi trọng việc cúng  kiếng trong ba ngày Tết. Trước Tết có cúng Ông Táo, cúng Tất niên, cúng cổ lên nêu, rước ông bà về ăn Tết, cúng Giao thừa. Từ mùng Một Tết trở đi, mỗi ngày đều phải có mâm cơm cúng ông bà, nhà nào có điều kiện thì cúng cả ba bữa. Đến chiều mùng Ba Tết lại có mâm cỗ cúng đưa để tiễn ông bà. Mặc dù là một cổ tục, rất phức tạp và cầu kỳ, nhưng việc cúng kiếng trong ngày Tết ở Huế có một ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với các thành viên trong gia đình. Giáo dục cho con cháu biết ơn đến tổ tiên và các bậc sinh thành, các thành viên gần gũi nhau hơn, yêu trẻ, kính già, vui vầy, xum họp.

Ở Huế trong ngày Tết có một phong tục thật đẹp và đầy tính nhân văn, đó là đi viếng mộ tổ tiên, người thân đầu năm. Sáng mùng Một Tết các gia đình tập trung con cháu đông đủ rồi cùng nhau đi viếng mộ. Ai cũng muốn tranh thủ dành tình cảm, sự quý trọng, lòng biết ơn đối với người đã khuất trong thời khắc linh thiêng nhất của ngày đầu năm mới. Các nghĩa trang đông nghịt người đi viếng, hoa vạn thọ, hoa cúc rực vàng, mùi nhang trầm quyện thơm tạo một không gian ấm cúng, thiêng liêng trong ngày đầu năm. Các gia đình đến đây không chỉ thắp hương cho những phần mộ người thân, mà những ngôi mộ vô danh, vắng chủ cũng ấm lên trong tình cảm chia sẻ của mọi người.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nền kinh tế thị trường đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là đời sống gia đình. Thời kỳ hội nhập đã làm thay đổi cơ bản cấu trúc và chức năng của gia đình. Mặc dù còn nhiều ảnh hưởng về văn hoá truyền thống của vùng đất Kinh đô xưa, những gia đình người Huế cũng không khỏi nằm ngoài sự tác động của sự phát triển chung đó.

Sự hối hả của cuộc sống thời hiện đại với biết bao lo toan, tất bật cũng như đời sống vật chất ngày càng đầy đủ hơn, sung túc hơn, chính vì vậy, việc chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền cũng có phần đơn giản hơn nhiều. Trong các gia đình người Huế, đặc biệt là vùng đô thị còn rất ít cảnh cả nhà thức thâu đêm canh nồi bánh tét, làm mứt, bánh với không khí ấm cúng gia đình. Đã thấy vắng đi cảnh tất bật chuẩn bị những món ăn truyền thống ngày Tết mà người ta chỉ cần tranh thủ 1, 2 tiếng vào siêu thị hay các chợ là đầy đủ các loại mứt, bánh và các món ăn trưng bày Tết. Mỗi nhà cũng chỉ cần năm, ba đôi bánh chưng được đặt mua tại đường Nhật Lệ hay được gánh từ làng Chuồn, làng An Truyền lên bán. Vẫn biết, cuộc sống thời hiện đại đã đem đến cho con người rất nhiều tiện ích, thế nhưng việc vắng dần những cảnh chuẩn bị Tết truyền thống đã làm nuối tiếc, xao xuyến không ít lòng người. Trẻ em là những người thiệt thòi nhất, chúng chỉ được biết các công đoạn gói bánh, nấu bánh, sao mứt, dầm me qua lời kể của cha mẹ, ông bà.

 Trước đây các gia đình người Huế rất hiếm khi để con em mình ra ngoài vào đêm 30 Tết. Khoảng 21, 22 giờ các con đường phố Huế đã vắng hoe. Thế nhưng những năm gần đây, việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đêm Giao thừa, đón chào năm mới như Chợ hoa đêm 30, Cầu Truyền hình, pháo hoa, hội chợ... do các cấp chính quyền, đoàn thể tổ chức đã đưa người dân Huế, đặc biệt là lớp trẻ ra khỏi nhà đón Tết cùng bạn bè, người thân. Người Huế cũng cởi mở, hòa nhập hơn trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.

Có những gia đình Huế cũng đã tổ chức đi chơi Tết xa nhà ở các thành phố khác như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang... để vừa thăm người thân nhưng cũng để được thưởng thức Tết ở những địa phương khác. Nhưng cho dù có đi đâu thì họ cũng phải thực hiện xong các lễ nghi ngày Tết riêng có của Huế như các lễ cúng ông bà, tổ tiên, chạp mộ, tảo mộ ngày Xuân. Đó cũng là điều đáng trân trọng, bởi truyền thống gia đình Huế nói riêng, rộng hơn là các gia đình người Việt Nam sống có ân nghĩa, thủy chung, tôn trọng những truyền thống dân tộc. Điều đó sẽ không bao giờ mất đi mà sẽ tồn tại mãi mãi và ngày càng được vun đắp trong thời kỳ hội nhập, phát triển.

Thùy Chi
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày