Tiễn ông Công công Táo lên trời
Tương truyền ở mỗi gia đình kể từ khi loài người biết dùng lửa để ăn chín đến nay trong nhà luôn có ông Công ông Táo. Ông Công được xem là thần đất giữ nhà và biểu tượng của ông là cây nêu ngày Tết. Còn ông Táo được dân gian gọi là "ông vua bếp". Vua bếp là vị thần cai quản việc nấu ăn trong mỗi gia đình. Một cỗ bếp có ba ông vua bếp được nắn bằng đất sét có hình chóp cụt uốn cong cúi đầu vào nhau tạo thành thế “kiềng ba chân".
Việc tiễn đưa ông Công ông Táo về trời là một phong tục có ý nghĩa tâm linh. Lễ tiễn ông Công ông Táo về trời bao giờ cũng gắn với việc phóng sanh cá chép để làm phương tiện cho ông di chuyển.
Tết ông Công ông Táo thường được tổ chức vào rạng sáng ngày 23 tháng Chạp hằng năm. Bởi thế nên, trong ngày này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm đạm bạc tiễn đưa ông Công ông Táo về trời.
Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và cá chép được mang ra thả ở ao, hồ, sông, suối... Ngày ông Công ông Táo về trời được xem như Tết Nguyên đán đã bắt đầu. Sau đó người ta bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên, treo tranh, câu đối, và cắm hoa để chuẩn bị đón tết.
Xin chữ đầu Xuân
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bầy mực tầu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
(Vũ Đình Liên)
Đầu năm thường gắn với việc cầu xin những điềm lành, việc lành trong ước nguyện của con người qua những cuộc hành hương về nơi linh thiêng nhất. Xin chữ là một trong những hoạt động tâm linh ấy.
Việc mang ý nghĩa này có ở nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước. Từ Bắc chí Nam, từ xuôi lên ngược, chẳng phân biệt giàu nghèo, sang hèn... ta thường bắt gặp những gương mặt giống nhau ở sự thành tâm của người xin chữ trước người cho chữ. Ngày xưa dũng chữ Hán Nôm, ngày nay vừa dùng chữ Hán Nôm, vừa dùng tiếng Việt.
Các thầy đồ được dịp thả hồn theo nét bút mà tặng lại cho người xin cái tâm, cái tài của mình được gửi qua nét chữ và nội dung của chữ theo ước nguyện của người xin. Chưa có ai bán chữ, chỉ có người mua giấy để xin chữ. Người cho chữ vẫn có lộc nhưng tinh tế hơn. Việc tưởng như bình thường nhưng lại thể hiện được nét thanh tao, nét văn hóa trong cuộc sống. Các thầy đồ không phải bận bịu và hệ lụy vào chuyện giá cả, tiền nong để đủ thanh thản và toàn tâm trong công việc cho chữ, tặng chữ.
Việc xin chữ đầu năm lâu nay đã có và ngày một thịnh hành, nó đang trở thành phong tục đẹp của người Việt Nam mỗi độ Xuân về Tết đến.
Tục dựng cây nêu ngày Tết
Tục dựng nêu ngày nay không còn gặp nhiều do tốc độ đô thị hóa. Tuy nhiên, nếu có dịp về các miền làng quê thì vẫn còn chứng kiến những tập tục này. Cây nêu ở đây là cây tre dài khoảng 2,5 - 3 mét, được dựng trước sân nhà bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Trên ngọn nêu có buộc nhiều thứ (tùy từng địa phương) như cái túi nhỏ đựng trầu cau và ống sáo, những miếng kim loại lớn nhỏ. Khi có gió thổi chúng chạm vào nhau và phát ra tiếng leng keng như tiếng phong linh, rất vui tai. Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu... Vào buổi tối, người ta treo một chiếc đèn lồng ở cây nêu để tổ tiên biết đường về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may.
Tục chơi hoa Tết
Hoa là linh hồn, hoa là cảnh sắc thiên nhiên trang điểm cho đời, nếu thiếu hoa thì còn gì là ngày Tết nữa. Vì vậy chưng hoa kiểng ngày Tết là một nhu cầu làm đẹp của dân tộc ta có truyền thống từ ngàn xưa, hơn nữa nó còn mang đậm nhiều ý nghĩa.
Trên bàn thờ gia tiên cắm những bông vạn thọ, trường xanh... với sắc hoa vàng rực, đã nói lên được điều ước mong của mọi người là năm mới khỏe mạnh và trường thọ. Chưng cây hoa đào, hoa mai, với sắc đỏ thắm của đào và những cánh mai vàng rực là những ước mơ hy vọng về sự đổi mới của mọi người, của gia đình, của Tổ quốc - thể hiện phong cách lạc quan, tự tin.
Miền Bắc thường chọn cành đào đỏ để cắm trên bàn thờ hoặc cây đào trang trí trong nhà, theo quan niệm người Trung Quốc, đào có quyền lực trừ ma và mọi xấu xa, màu đỏ chứa đựng sinh khí mạnh, màu đào đỏ thắm là lời cầu nguyện và chúc phúc đầu xuân.
Miền Trung và miền Nam lại hay dùng cành mai vàng hoặc cây mai vàng hơn, màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang, màu vàng còn tượng trưng cho vua (thời phong kiến). Màu vàng thuộc hành Thổ trong Ngũ hành, theo quan điểm người Việt, Thổ nằm ở vị trí trung tâm và màu vàng được tượng trưng cho sự phát triển nòi giống.
Ngoài hai loại hoa đặc trưng cho Tết là đào và mai, hầu như nhà nào cũng có thêm những loại hoa để thờ cúng và hoa trang trí. Hoa thờ cúng có thể như hoa vạn thọ, cúc, lay ơn, hoa huệ...; hoa để trang trí thì muôn màu sắc như hoa hồng, hoa thủy tiên, hoa lan, hoa thược dược, hoa violet... Còn cây quất thường được trang trí tại phòng khách, cây quất với lộc xanh mơn mởn, hoa trắng lốm đốm, quả chín vàng ươm, tròn trịa, sum suê tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy, viên mãn kết quả.
Tục xông đất ngày Tết
Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm mười phút. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới. Thời xưa chỉ có 2 cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm.
Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuồi hợp tuổi với chủ nhà. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều. Người được chọn xông đất phải khỏe mạnh, tốt tính, và gia cảnh khấm khá, hòa thuận...
Tục chưng mâm ngũ quả
Ngày Tết, ngoài các loại thức ăn cúng ông bà tổ tiên trên bàn thờ nhất thiết phải chưng mâm ngũ quả. Ðã gọi là ngũ quả thì nhất thiết phải là 5 loại quả. Nhưng các vùng, các miền do mùa xuân hoa trái khác nhau, nên mâm ngũ quả cũng khác nhau như: Chuối, bưởi, phật thủ, dưa hấu, cam, quýt, dừa, na, hồng xiêm, táo... Trong đó chuối là loại trái cây không thể thiếu trên bàn thờ.
Mâm ngũ quả trong Nam cũng khác so với ngoài Bắc. Trên mâm ngũ quả ở ngoài Bắc thường có: Bưởi, đào, quýt, chuối, hồng. Có khi người ta thay bưởi bằng phật thủ hoặc lựu Mâm ngũ quả trong Nam vẫn cứ giữ nguyên truyền thống là mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài là âm trại của các từ “cầu - sung - vừa - đủ - xài” như mong muốn của người dân miền Nam.
Tục gói bánh chưng, bánh tét
Trước đây, cứ mỗi dịp Tết đến, nhà nào cũng gói bánh chưng bánh tét. Để có được những cái bánh chưng, bánh tét cúng ông bà tổ tiên, cả gia đình phải bận bịu trước đó vài ngày, nào kiếm lá, chẻ lạt, vo nếp, xay đậu, chuẩn bị thịt heo... Cứ 28-29 Tết là cả nhà cùng quây quần gói bánh, nấu bánh và chuyện trò rôm rả.
Bánh chưng hình vuông, màu xanh, tượng trưng cho trái Đất, âm. Bánh tét hình tròn, màu trắng, tượng trưng cho Trời, dương, thể hiện triết lý Âm Dương, của Đông Phương nói chung và của Việt Nam nói riêng.
Ngày nay, thói quen gói và nấu bánh chưng bánh tét không còn xuất hiện phổ biến trong nhiều gia đình Việt Nam nữa, mà thay vào đó trước Tết, mọi người ra chợ để mua hoặc đặt những cặp bánh chưng, đòn bánh tét đem về cúng ông bà tổ tiên. Thế hệ sau này không còn cái cảm giác xao xuyến, nao nao mỗi dịp Xuân về với cái khung cảnh cả gia đình cùng quây quần gói bánh, nấu bánh và làm các loại mứt bánh.
Tục chúc Tết
Tết Nguyên Đán là một dịp để cho mọi thành viên trong gia đình vui vầy sum họp. Đó là thời gian bày tỏ sự thương yêu thắm thiết và mong muốn cho mọi người được như ý. Và trong ba ngày Tết thì mọi người cùng đi thăm viếng, chúc Tết lẫn nhau. Dân gian truyền tụng câu ca dao: “Mùng một Tết cha/ Mùng 2 Tết mẹ/ Mùng 3 Tết thầy”.
"Mùng một Tết cha": Sáng mùng một sau khi lễ gia tiên thì cha mẹ được mời ngồi vào ghế để cho con cháu lần lượt mừng tuổi chúc Tết. Còn ông bà, cha mẹ lại mừng tuổi con cháu những bao lì xì đỏ tươi làm rạng ngời ánh mắt con trẻ.
"Mùng hai Tết mẹ": Cha mẹ và con cháu phải sang nhà ngoại để mừng tuổi chúc Tết. Cũng tuần tự những nghi thức như bên nội vậy. Sau đó thì nán lại để ăn cỗ đầu xuân nhằm thắt chặt tình cảm giữa hai gia đình.
"Mùng ba Tết thầy": Sau công ơn đấng sinh thành dưỡng dục là ơn dạy dỗ của thầy cô. Đến mừng tuổi chúc Tết thầy cô là một phong tục nói lên tư cách đạo đức của một con người. Tóm lại, tục chúc Tết là một nét văn hoá thể hiện tình cảm sâu sắc và sự quan tâm, lòng hiếu thảo trong một thứ tự phải có của sự tồn tại và phát triển của một dân tộc.