Những năm đầu thập niên 70 thế kỷ XX, phong trào đô thị ở Huế diễn ra công khai, vô cùng sôi động, với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, tập hợp nhiều tầng lớp nhân dân: học sinh, sinh viên, tiểu thương, lao động, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ... và thực hiện liên kết phối hợp với phong trào các đô thị lớn của miền Nam như: Sài Gòn, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đà Lạt thành một mặt trận thống nhất hành động. Phong trào đô thị Huế mạnh nhất là phong trào của học sinh, sinh viên với các cuộc bãi khóa, xuống đường, hội thảo, đại hội, mít tinh, tuyệt thực, phát thanh, báo chí, biểu diễn văn nghệ, truyền đơn áp phích và những đêm không ngủ đấu tranh cho hòa bình. Tổng hội sinh viên Huế trở thành đầu não của phong trào. Từ đây những kế hoạch, chương trình được xây dựng, các tài liệu tuyên truyền được in ấn và phát hành. Hoạt động mạnh mẽ nhất là Khối báo chí của Hội Liên hiệp sinh viên Huế (Hội LHSV) nơi cho ra đời nhiều tài liệu quan trọng như: Sổ tay “Tại sao tôi muốn hòa bình”, Bản tin của Tổng hội, Tờ tin Lực lượng và đặc biệt có tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lựa chọn tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để ấn hành trong giai đoạn này đã nói lên được tình cảm, niềm tin mãnh liệt vào Bác trong con tim và khối óc của những học sinh, sinh viên tranh đấu, như một bài dân ca Huế đã viết “Trăng trên trời có khi tròn khi khuyết; Nước dưới sông có khúc cạn, khúc sâu; Ai ra miền Bắc thưa với Cụ Hồ; Lòng miền Nam tròn vành vạnh như chiếc nón bài thơ đội đầu” mà nhà thơ Võ Quê - người gắn bó với phong trào học sinh, sinh viên Huế đã thuộc nằm lòng trong những ngày đấu tranh sôi động.
Bìa "Nhật ký trong tù" của Hồ Chí Minh do Hội LHSV Huế ấn hành
Ngay trong trang đầu của tác phẩm đã ghi rõ "Khối báo chí Hội LHSV Huế thực hiện theo yêu cầu học tập của anh chị em sinh viên, học sinh Huế". Giá trị tinh thần mà tác phẩm mang lại là "một phong thái ung dung, khí phách hào hùng, một ý chí sắt đá, một tinh thần lạc quan cách mạng không gì lay chuyển nổi" (1), là nguồn cổ vũ tinh thần của phong trào đấu tranh cách mạng đòi tự do, dân chủ.
Tác phẩm "Nhật ký trong tù" do Khối Báo chí Hội LHSV Huế thực hiện là bản sao của cuốn "Nhật ký trong tù" do Nhà xuất bản phổ thông phát hành tại Hà Nội năm 1960. Trang bìa, bìa lót được các học sinh, sinh viên Huế vẽ và kẻ chữ bằng tay, nội dung tác phẩm đã được đánh máy lại và quay ronéo tại Huế vào năm 1971, dày 41 trang, khổ 10x20cm, in trên giấy thường màu nâu nhạt. Với khổ sách nhỏ, các bài thơ được chọn lọc, một trang in 3-4 bài để hạn chế số trang tạo thành một tác phẩm nhỏ, gọn, thuận lợi cho công tác tuyên truyền phục vụ phong trào.
(1) Lời đầu, tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh