Theo đó, dự án sẽ thực hiện tu bổ, tôn tạo 3 cửa hầm và gia cố mái taluy cửa hầm. Phục dựng lại 2 bếp Hoàng Cầm, 3 hầm cảnh vệ và khoảng 100m giao thông hào. Đào đất sụt lấp các cửa miệng hầm, khu vực các bếp Hoàng Cầm, hầm cảnh vệ, giao thông hào đến cốt nguyên trạng của di tích. Phục chế các miệng hầm, đường hầm theo kích thước nguyên trạng bằng kết cấu bê tông cốt thép giả đất. Gia cố mái taluy trên các miệng hầm bằng kết cấu dầm, giằng bê tông cốt thép giả đất, đổ tại chỗ và trồng các cây xanh bản địa trên các mái taluy. Phục dựng lại 2 bếp Hoàng Cầm, diện tích mỗi bếp khoảng 22m2; kết cấu khung, cột, dầm, giằng bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, trát vữa xi măng giả thân cây, sơn màu giả gỗ; sàn mái đỗ bê tông cốt thép, phía trên lợp phủ lá cọ, nền đổ bê tông giả đất. Phục dựng lại 3 chòi canh của 3 hầm cảnh vệ, diện tích mỗi chòi 3m2; kết cấu khung, cột, dầm, giằng bằng bê tông cốt thép đổ tại chỗ, trát vữa xi măng giả thân cây, sơn màu giả gỗ; sàn mái đỗ bê tông cốt thép, phía trên lợp phủ lá cọ, nền đổ bê tông giả đất. Đào phục dựng lại hệ thống giao thông hào, xây đá hộc, trát vữa xi măng giả đất. Xây mới nhà bia di tích và biển giới thiệu di tích; xây dựng mới cầu tàu, đường giao thông, lan can và chòi nghỉ.
Việc tu bổ, tôn tạo và phục dựng lại các hạng mục của di tích nhằm bảo tồn các giá trị lịch sử cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, là địa chỉ đỏ nhằm tuyên truyền cho các thế hệ trẻ, phục vụ du lịch.
Tháng 8 năm 1967, địa đạo khởi công xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tư Minh - Phó Bí thư Khu ủy, Bí thư Thành ủy Huế chỉ huy mặt trận và đồng chí Đặng Kinh - Phó Tư lệnh quân khu, Ủy viên thường vụ Khu ủy. Lực lượng chủ yếu là đội công an bảo vệ. Địa đạo là cơ quan đầu não của Khu ủy Trị Thiên, Thành ủy Huế chỉ đạo mọi hoạt động của lực lượng quân giải phóng trước và sau cuốc tấn công mùa xuân năm 1968. Ngoài trọng trách là cơ quan chỉ huy tối cao trên chiến trường Trị Thiên Huế, còn là chiếc cầu nối ý đồ chiến lược của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng. Tại địa đạo đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng đi đến những quyết định đúng đắn, góp phần to lớn vào sự thành công của chiến dịch Xuân 68 tại địa bàn Thừa Thiên Huế, cùng với những thắng lợi trên chiến trường giáng những đòn chí mạng buộc đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phải ngồi vào bàn đàm phán tại Paris.
Di tích địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia năm 1996.