Ngày 19/7/2010, Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 1347/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00020 cho sản phẩm nón lá “Huế”. Trên cơ sở đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp các cơ quan, địa phương xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ, văn bản quản lý và hệ thống phương tiện nhận diện, quảng bá chỉ dẫn địa lý; thiết kế, in ấn hệ thống tem nhãn để sử dụng cho sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; tổ chức hai điểm giới thiệu sản phẩm nón lá mang chỉ dẫn địa lý Huế; xây dựng phương án tổ chức các tour du lịch kết hợp trình diễn kỹ thuật chằm nón tại các vùng sản xuất nón lá.
Chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa: từ ngữ; dấu hiệu; biểu tượng; hình ảnh để chỉ: một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một địa phương mà hàng hóa được sản xuất ra từ đó. Chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hóa là do nguồn gốc địa lý tạo nên. Ví dụ "Vạn Phúc" (lụa tơ tằm); "Bát Tràng" (gốm, sứ); "Phú Quốc" (nước mắm); "Nga Sơn" (cói); "Huế" (nón lá); "Ninh Thuận" (nho); "Phúc Trạch" (bưởi)...
Trước đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thành lập Hội Nón lá Huế để bảo vệ quyền và lợi ích của những người chằm nón ở Huế.
Hội Nón lá Huế là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tập hợp những người trực tiếp khai thác, sản xuất, gia công, trao đổi, mua bán nón lá và những người yêu nón lá Huế tự nguyện, với mong muốn cùng nhau gìn giữ, tôn vinh và phát huy giá trị, hình ảnh của chiếc nón lá Huế, trở thành món quà cho du khách khi đến tham quan Huế.
Nón lá Huế là nghề thủ công truyền thống, hiện tập trung ở các phường Phước Vĩnh, Phú Hiệp, Xuân Phú, Hương Sơ... và nhiều vùng chằm nón nổi tiếng như Hương Cần, Triều Sơn, Thủ Lễ, Dạ Lê, Phú Hồ, Nam Phổ, Dương Nổ, Tân Mỹ, Mỹ Lam.
Nón lá Huế có nhiều nét riêng khác biệt so với nón của một số địa phương vùng miền khác trong cả nước như nguyên vật liệu, bí quyết gia truyền, tính độc đáo của nón Huế gắn với tính cách con người Huế, những đặc điểm riêng của làng nghề truyền thống nón lá Thừa Thiên Huế.