Phát triển công nghiệp văn hóa gắn với di sản kiến trúc cảnh quan, di sản văn hóa phi vật thể, ẩm thực
Lượt đọc: 2562Thời gian: 16:06 - 15/02/2024

(VHH) - Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, tạo công ăn việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy và đóng góp vào tăng trưởng của địa phương.

Nhiều dư địa phát triển

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Vì vậy, di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho du khách, tạo nền tảng cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 7 di sản đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Toàn tỉnh có gần 1.000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 88 di tích cấp quốc gia và 80 di tích cấp tỉnh; 205 công trình, địa điểm nằm trong danh mục Kiểm kê của UBND tỉnh đã phê duyệt, công bố. Hệ thống di tích này đã được UBND tỉnh phân công quản lý nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị.

Cố đô Huế được đánh giá là địa phương còn bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán... Đồng thời, biến di sản thành các lợi thế cho sự phát triển và đạt nhiều thành tựu từ bảo tồn di sản, đến nay đã sở hữu các thương hiệu: “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”...

 

Thừa Thiên Huế tổ chức kỷ niệm 30 năm ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã Nhạc được UNESCO vinh danh

Thừa Thiên Huế xác định phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là một lợi thế đặc thủ, dẫn đến sự ra đời của ngành kinh doanh mới, các cấu trúc quản lý mới gắn với thị trưởng, tạo môi trường cho sự năng động, sáng tạo, đổi mới, kích thích tài năng; giảm sự phụ thuộc vào cơ chế, đồng thời góp phần gia tăng hơi thở cuộc sống hiện đại và tính bền vững của văn hóa. Chính các giá trị văn hóa Huế, từ di sản kiến trúc cung đình, cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa phi vật thể, ẩm thực, áo dài, nghề thủ công truyền thống vốn có đã là nguyên liệu tuyệt vời để các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng vào việc thực hiện công nghiệp văn hóa tại địa phương.

Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai xây dựng chương trình 3D cho khu vực Thế Miếu - Hiển Lâm Các dưới dạng mô hình kỹ thuật số 3 chiều có độ chính xác cao, thực hiện kỹ thuật scan 3D và sử dụng dữ liệu thu được một cách triệt để trong hoạt động trùng tu di tích, phối hợp với Viện Công nghệ cao Hàn Quốc (KAIST) thực hiện quét và dựng phim quảng bá giới thiệu việc tái tạo Hoàng thành Huế và di tích Hổ Quyền bằng công nghệ 3D, triển khai chương trình thực tế ảo “Đi tìm hoàng cung đã mất”... Cùng với đó, tỉnh đang phối hợp với Công ty VietSoftPro và AGS xây dựng kế hoạch số hóa các dữ liệu văn hóa, du lịch; triển khai rộng rãi các ứng dụng App Ca Huế, Quản lý quảng cáo, du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số dạng triển khai tại Thừa Thiên Huế như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping; xe đạp chia sẻ thông minh...

 

 

Cơm hến, một trong những món ăn dân dã được người dân và du khách yêu thích

 

Ẩm thực Huế cũng thu hút du khách bởi sự đa dạng, độc đáo, tinh tế trong cách chế biến và trình bày với ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình và ẩm thực chay. Mỗi thực đơn ngự thiện của các vua triều Nguyễn có trên vài chục món thuộc loại cao lương mỹ vị, dược chuẩn bị và tổ chức rất công phu, tỉ mỉ, cầu kỳ. Các món ăn dân dã thì rất phổ biến trong quần chúng với thực đơn phong phú hàng trăm món được các nghệ nhân, nhà nội trợ Huế chế biến khéo léo, thông minh với kỹ thuật nấu nướng tài ba, hương vị quyến rũ, màu sắc hấp dẫn và nghệ thuật bảy biển rất đẹp mắt, tinh tế mà không nơi nào còn bảo lưu và gìn giữ một cách sống động như ở Huế.

Huế cũng đã và đang rất thành công trong việc phát triển công nghiệp văn hóa thông qua điện ảnh. Nhiều nhà làm phim đã lựa chọn Huế là điểm đến để thực hiện các cảnh quay tạo được sức lan tỏa, quảng bá lớn, tiêu biểu như, Truyền hình Studio Lambert Associates (Anh), Đài truyền hình NHK (Nhật Bản), Công ty CyArk (Mỹ); Công ty sản xuất chương trình truyền hình FASAD (Thụy Điển); Kênh truyền hình Intrepido Films (Tây Ban Nha). Trong số đó, có nhiều tác phẩm điện ảnh đạt giải cao trong các Liên hoan phim danh tiếng trong nước và quốc tế, như: “Đông Dương” đã đoạt giải Oscar, “Cô gái trên sông” đã đoạt giải Bông Sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam 1987; “Ngọn nến hoàng cung” đoạt giải Cánh Diều Vàng 2004; “Trăng nơi đáy giếng" đoạt giải Cánh diều Bạc 2008 - đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Madrid - Tây Ban Nha lần thứ 8. Gần đây là các Phim “Nàng thơ xứ Huế” hay “Gái giả lắm chiêu 3”, “Gái già lắm chiêu 4”, “Kiều” và đặc lớn bối cảnh từ những miền quê xứ Huế, đã mang đến biệt phim “Mắt biếc” dược đạo diễn Victor Vũ lấy phần những khung cảnh trữ tình và lãng mạn, những khoảnh khắc đẹp - chân thực, những cảm xúc bất ngờ và thi vị cho người xem, thu hút đông đảo công chúng, thu về hơn 170 tỷ đồng...

Mắt biếc của đạo diễn Victor Vũ - tác phẩm nhận được giải thưởng do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng là phim được
thực hiện nhiều cảnh quay tại Huế và đã tạo hiệu ứng tích cực sau khi phim khởi chiếu.

Xu thế phát triển

Gần đây, Thừa Thiên Huế đã được rất nhiều các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá, xếp hạng, đó là Thành phố Văn hóa ASEAN, Top 10 thành phố điểm đến hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương, Vịnh Lăng Cô tham gia Top 30 Vịnh đẹp thế giới, ẩm thực Huế vừa được vinh danh xếp thứ 28/100 Thành phố có nền ẩm thực ngon nhất thế giới...

Việc xây dựng và phát triển văn hóa - nghệ thuật Thừa Thiên Huế được đặt trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, giúp các ngành công nghiệp văn hóa hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của Nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về văn hóa theo hướng hiện đại hóa dựa trên cơ sở xây dựng nền hành chính điện tử và đô thị thông minh. Tận dụng sự phát triển mạnh mẽ của Internet để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Thừa Thiên Huế một cách mạnh mẽ, rộng rãi, nhanh chóng hơn nữa đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về phát triển công nghiệp văn hóa gắn với quảng bá tuyên truyền lợi thế, tiềm năng về phát triển công nghiệp văn hóa để thu hút nguồn lực đầu tư. Đồng thời, đầu tư mạnh mẽ cho các thiết chế cộng đồng, như cảnh quan, hạ tầng dịch vụ của các làng cổ, khu phố cổ; xây dựng mới các không gian nền tảng cho văn hóa, du lịch.

Tổ chức thường xuyên các hoạt động hội nghị, hội thảo, tổ chức chương trình sự kiện, hội chợ, cuộc thi... nhằm gặp gỡ, trao đổi giữa các chuyên gia với giới trẻ, doanh nghiệp trong lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để các bạn trẻ, cơ sở kinh doanh có điều kiện khởi nghiệp từ các giá trị văn hóa truyền thống, ẩm thực, các ngành nghề thủ công truyền thống. Duy trì Festival Huế theo hướng tổ chức quanh năm, bốn mùa lễ hội với nhiều chủ đề sáng tạo. Tăng cường công tác giao lưu, trao đổi văn hóa sẽ được mở rộng, các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa được kết nối, triển khai đồng bộ, thuận lợi.... thúc đẩy sự phát triển hoạt động ngoại giao văn hóa.

Đồng thời có cơ chế chính sách để thu hút nguồn đầu tư, xã hội hóa hoạt động văn hóa phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nâng cấp, khai thác phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, hình thành các bảo tàng mỹ thuật tư nhân, các gallery, các không gian sáng tạo nghệ thuật - khởi nghiệp, các trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa, nghệ thuật, các trung tâm thiết kế thời trang, trưng bày, thao diễn nghề truyền thống và mạng lưới liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp.

Các tin khác
Xem tin theo ngày