Xây dựng lễ hội văn hóa ở Thừa Thiên Huế trở thành thương hiệu du lịch đặc trưng của Việt Nam (*)
Lượt đọc: 142505Thời gian: 09:14 - 02/03/2011
Chọn cho mình một thương hiệu mang tính đặc trưng là rất khó, nhất là tìm thương hiệu du lịch cho tỉnh Thừa Thiên Huế. Khó là xem xét Thừa Thiên Huế có hay không có thương hiệu về du lịch và nếu có quá nhiều thì chọn cái gì? Người nghiên cứu phải tìm được câu trả lời - Huế hấp dẫn du khách là nhờ yếu tố gì, có cơ sở khoa học để xây dựng thương hiệu không? Có trở thành chiến lược phát triển lâu dài không những cho Huế mà là cả nước, của nhiều nước?
Nếu thành phố Hồ Chí Minh là thành phố kinh tế mang tính động lực của cả nước thì Huế, theo nhiều người nghĩ phải là thành phố du lịch mang tính đặc trưng kết nối cho cả nước và là điểm đến tập trung cho du khách của nhiều nước mới đúng vị thế của nó. Như vậy, xây dựng thương hiệu du lịch ở Thừa Thiên Huế phải là thương hiệu mạnh có giá trị đặc trưng dựa trên cơ sở nội tại và ưu thế của ngoại lực, về lợi thế so sánh với cả nước. Có nhìn nhận đúng, mới có chính sách và đầu tư đúng thì du lịch ở Thừa Thiên Huế mới phát triển đúng.
Theo tôi, vấn đề cần nhìn nhận là gắn kết văn hoá và du lịch, hay nói một cách khác là du lịch thông qua di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) thì mới xây dựng Huế thành một đô thị đặc trưng. Văn hóa vật thể như cung điện, lăng tẩm, chùa chiền… cần được bảo tồn tốt để phát huy giá trị, chỉ có di sản văn hóa phi vật thể mới nghiên cứu, xây dựng, phát triển để vừa giữ được tinh tuý, cốt cách nhưng cũng phù hợp với sở thích của số đông, nhắm đến thị trường hoá thì mới có thương hiệu. Vì thương hiệu là ngôn ngữ của thương mại, là thuộc tính của thị trường. Do đó, tìm thương hiệu mạnh phải là văn hoá phi vật thể, nhưng tạo ra sản phẩm du lịch, để sản phẩm trở thành thương hiệu hấp dẫn là rất khó. Trong hội nghị quan trọng này, đề xuất một thương hiệu du lịch là phải hết sức thận trọng. Với tinh thần đó, tôi đề nghị nên "Xây dựng lễ hội văn hóa ở Thừa Thiên Huế thành thương hiệu du lịch đặc trưng của Việt Nam".
Bởi vì văn hóa và du lịch là hai người bạn đồng hành, nó sẽ mạnh lên nhờ các yếu tố nội sinh bổ sung cho nhau, nhưng cũng là hai đối thủ sẵn sàng loại bỏ nhau trong cuộc đua vì cách nhìn nhận khác nhau hoặc do lợi ích của người sử dụng không giống nhau.
1. Cơ sở khoa học
- Yếu tố lịch sử
Thừa Thiên Huế có bề dày lịch sử, nhiều thời kỳ Huế là kinh đô hoặc giữ vị trí quan trọng của cả nước, từng có quan hệ với nhiều nước như thời chúa Nguyễn, Tây Sơn và triều Nguyễn. Yếu tố lịch sử này là mang tính đặc trưng cần được chú ý khai thác về khía cạnh quảng bá du lịch văn hóa.
- Yếu tố văn hóa
Sau khi Huế không là kinh đô thì thành phố Huế trở thành thành phố di sản, mang trong mình hai giá trị di sản của thế giới (xuất hiện từ sau năm 1945, và khẳng định qua hai thời điểm 1993 và 2003, UNESCO công nhận hai di sản vật thể và phi vật thể của Huế là di sản mang giá trị toàn cầu).
2. Quá trình thể nghiệm và khẳng định vị thế
Từ năm 2000, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng gói sản phẩm văn hoá du lịch Festival Huế (lễ hội văn hóa quốc tế Huế đầu tiên) và đã tổ chức thành công; được tiếp tục triển khai và bổ sung nhiều yếu tố mới, hai năm tổ chức một lần (năm chẵn). Đến nay đã qua 5 lần tổ chức Festival Huế, dần dần trở thành lễ hội văn hóa mang tính đặc trưng, là mùa vụ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Thương hiệu về du lịch lễ hội văn hóa trên cơ sở đó cũng được hình thành và nay đã khẳng định được vị thế về quy mô của tổ chức, phong phú nội dung lễ hội, mở rộng địa bàn lễ hội (thành phố Huế và nhiều huyện), lượng khách tham quan tập trung càng đông; nhân dân quan tâm nhiều hơn, hưởng thụ văn hoá và đời sống người dân cũng được nâng cao. Từ năm 2005 (năm lẻ), thành phố Huế tổ chức Festival nghề thành công, cũng góp phần tôn vinh nghề truyền thống và khẳng định sự gắn kết giữa lễ hội văn hóa với du lịch Thừa Thiên Huế như một tất yếu của sự phát triển.
3. Những giá trị đặc trưng và lợi thế so sánh
Trong các lễ hội thành công của Festival Huế thì lễ hội lịch sử - văn hóa là tiêu biểu mang tính đặc trưng, có ấn tượng nhất, có lễ hội được lặp lại nhưng vẫn hấp dẫn như Lễ hội tái hiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, Lễ hội tế đàn Nam Giao, Lễ hội tế đàn Xã tắc, Lễ hội Truyền lô, võ cử… Có lễ hội lịch sử được tạo sản phẩm đầu tiên (2010) nhưng gây được ấn tượng sâu sắc như Lễ hội thao diễn thủy binh thời chúa Nguyễn, Lễ hội Hành trình mở cõi.
Về giá trị sản phẩm so sánh, với các lễ hội lịch sử- văn hoá nói trên ở Huế đã được xác lập, là ưu thế nổi bật trở thành lễ hội văn hoá đặc trưng của cả nước.
 Có được kinh đô Huế là thành quả của các triều đại phong kiến sau 9 lần dời đô và dựng đô (Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát, Phước Yên, Kim Long, Phú Xuân, Bác Vọng, trở lại Phú xuân thời chúa Nguyễn, kinh đô Phú Xuân thời Tây Sơn và kinh đô Huế thời Nguyễn). Nhưng Huế chưa tạo ra một lễ hội dời đô và dựng đô đặc sắc, trong khi đó Hà Nội với Lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thông qua Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ trở thành một sản phẩm có giá trị đặc trưng. Điều đó rất đúng với yếu tố lịch sử, quy mô của nhà tổ chức và đầu tư.
Lễ hội Bắn súng thần công (của triều Nguyễn), Huế hoặc Đà Nẵng tổ chức là đúng nhất, nhưng Vũng Tàu đã đi trước (2008) và tạo được ấn tượng sâu sắc, lễ hội này nghiễm nhiên trở thành thương hiệu của Vũng Tàu. Vì đó là nơi đã tạo ra sản phẩm văn hóa - du lịch đầu tiên và giữ được giá trị của sản phẩm trong nhiều năm.
Lễ hội Tịch điền, được tổ chức ở Đọi Sơn (Nam Hà) từ 2009, vì đó là nơi đầu tiên vua Lê Đại Hành cày ruộng tịch điền vào năm 987. Huế là nơi tổ chức nghi lễ cày tịch điền hoành tráng nhất, các tỉnh dưới thời Nguyễn đều có ruộng tịch điền và quan đầu tỉnh hàng năm đều tổ chức nghi lễ tịch điền rất trang trọng, lễ Tịch điền triều Nguyễn có nhiều tài liệu nhất so với các triều đại trước đó. Triều Nguyễn là triều đại cuối cùng tổ chức nghi lễ Tịch điền đạt đến đỉnh cao cũng như Nhã nhạc cung đình có từ thời Hồ (1402), đến thời Nguyễn ở Huế là đỉnh cao. Nếu biết khai thác yếu tố này thì tổ chức tái hiện nghi lễ Tịch điền cũng cho một sản phẩm có giá trị.
Cùng với lễ hội lịch sử - văn hóa ở Huế khai thác lễ hội về văn hóa tâm linh cũng sẽ có kết quả khả quan. Vì Huế là đất "Thần kinh", "kinh đô" của Phật Giáo; không phải nơi nào cũng có nhiều đền miếu, am thờ, lăng mộ, chùa chiền… như Thừa Thiên Huế. Trong nhiều năm qua, tại Thừa Thiên Huế đã tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị về loại hình này, có sản phẩm từ lâu đời như Lễ hội Điện Hòn Chén, có lễ hội mới ra đời như lễ hội Đền Huyền Trân… đều thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách và người mến mộ. Các lễ hội này cũng mang yếu tố lịch sử và nữ giới, có lẽ vì thế mà phù hợp với văn hóa Huế chăng?
4. Giải pháp đề xuất
a.  Tạo ra nhiều sản phẩm mới mang tính đặc trưng
Huế một thời là kinh đô nên tập trung nhiều nghệ nhân cả nước, tập trung nhiều ngành nghề để xây dựng và phục vụ đời sống cung đình nên cần đầu tư để tạo ra những sản phẩm thủ công phục vụ khách du lịch cũng như lễ hội làng nghề cũng cần được chú trọng hơn.
- Huế một thời là biên địa của đất nước (Việt - Chăm) nên để lại nhiều giá trị về văn hoá. Vì thế nên tìm loại hình lễ hội dân gian chứa đựng yếu tố lịch sử-văn hoá mang tính đặc trưng của vùng đất này. Chẳng hạn lễ hội về "Đảo Huyền Trân" tổ chức ở núi Linh Thái - đầm Cầu Hai, nơi Công chúa Huyền Trân nghỉ lại trong cuộc hành trình dài ngày từ kinh đô Thăng Long - Đồ Bàn và ngược lại. Lễ hội đền thờ Phi vận tướng quân ở cửa Tư Hiền - đầm Cầu Hai thờ một nhân vật có tên Nguyễn Phục, đỗ Tiến sĩ năm 1453, từng dạy học cho vua Lê Thánh Tông. Trong cuộc nam chinh đánh Chămpa vào năm 1471, ông được phong chức Phi vận tướng quân. Khi đoàn thuyền lương đến cửa biển Tư Hiền thì sóng gió nổi lên, thuyền không thể đi được. Ông nói với binh sĩ: "Thà để một thân chịu tội chặt đầu, há để cho thóc này vùi xuống biển và cho binh lính vô tội làm mồi cho cá sao". Ông quyết định cho thuyền neo lại tại đầm Cầu Hai nên cuộc hành trình bị chậm trễ, quân lương bị thiếu. Ông bị vua ra lệnh chém. Trân trọng và cảm phục ông, dân địa phương lập đền để thờ ông, đền rất linh ứng.
Nguyễn Phục có con trai tên Nguyễn Đạm làm Thừa Tuyên sứ Thuận Hoá ra công tìm kiếm hài cốt của ông, lúc hài cốt được đưa về  "có đàn voi rừng trăm con, đi hộ tống trước sau. Mọi người nhìn nhau thất sắc. Nhưng voi không hề có ý hại ai"[1].
Những mẫu chuyện này rất có ý nghĩa về lịch sử và giá trị về đạo lý, tạo được hình ảnh đặc trưng của lễ hội, cần được nghiên cứu, tái hiện, phục dựng.
-"Lễ hội phá Tam Giang" qua các câu chuyện "chém sóng" của Nội tán Nguyễn Khoa Đăng (1691-1725)[2] để vận dụng trong cuộc sống hiện nay, lễ hội "lấp cửa Eo" thời nhà Hồ (1404), xây dựng lễ hội qua các mẫu chuyện hy sinh của tướng sĩ chiến đấu giữ trấn Hải Thành, cửa Thuận An vào năm 1883…
- "Lễ hội biển" bao gồm lễ hội lịch sử, tái hiện các trận hải chiến lớn như chiến thắng chiến hạm Hà Lan năm 1644, đánh Pháp năm 1883, thuyền đi thuyền về từ Hoàng Sa thời chúa Nguyễn, Tây Sơn và triều Nguyễn…
- Nếu Huế xây dựng được lễ hội "Đám cưới Hoàng cung" cũng rất đặc sắc, tái hiện từ thời Trần (công chúa Huyền Trân; thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên với các công nương Ngọc Vạn gả cho vua Chân Lạp- Chetta II, công nương Ngọc Khoa gả cho vua Chămpa- Po Romé, công nương Ngọc Hoa (Anio) gả cho đại thương gia Nhật Bản- Araki Sutaro[3].
- "Lễ hội chùa Thiên Mụ", gắn ngôi Quốc tự nổi tiếng, biểu tượng của văn hoá Huế với câu chuyện Bà áo đỏ thời chúa Nguyễn Hoàng tìm đất đóng đô[4].
- Lễ hội dân gian: "lễ hội Khai canh", tiêu biểu là lễ hội khai canh làng Thanh Phước do một nhân vật vào thời Lê Thành Tông tên Phan Niêm đến lập làng thế kỷ XV(1472)[5]. Lễ tế Khai canh vào ngày 21 tháng 6 Âm Lịch hàng năm  được dân khắp vùng và khách quốc tế đến dự lễ. "Lễ hội cầu ngư" của làng Thai Dương nên gắn với câu chuyện Đền Thai Dương được ghi trong sách Ô châu cận lục mới xác thực và sinh động hơn: Tại làng Thai Dương, huyện Kim Trà (nay là thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang). Tục truyền Nữ thần là người Chăm, gia đình côi cút chỉ có hai anh em, anh trai vô tình chém vào đầu em gái gây thương tích. Hai anh em chia tay, người anh xuất ngoại trở thành nhà buôn giàu có, người em ở lại quê nhà hoá thành Nữ thần. Một hôm người anh vượt biển về thăm quê, tình cờ hai người gặp nhau kết nghĩa thành vợ chồng, rồi người em có thai. Khi người anh nhận ra vết sẹo ở đầu vợ mình mới biết đó là em gái. Sợ hãi, sau khi để lại một nửa vàng ngọc, của cải cho vợ rồi cỡi thuyền trốn đi.  Nữ Thần buồn rầu rồi chết, cái thai hoá thành khối đá.
"Có người đánh cá biển ở đây, gối đầu vào khối đá này ngủ say, mộng thấy một người đàn bà có thai lấy tay chỉ vào đầu anh ta mà nói rằng: Chớ phạm vào cái thai nhi của ta. Người đánh cá tỉnh dậy, cho là kinh dị, khấn rằng: 'Nếu thiêng liêng xin cho đêm nay bắt được nhiều cá'. Quả thật như lời, bèn lập miếu thờ. Ai tới cầu đảo cũng rất linh ứng"6]
b. Có giá trị về học thuật
- Xây dựng lễ hội văn hóa dựa trên nền tảng của lịch sử sẽ mang lại những giá trị vĩnh cửu mà không phải địa phương nào cũng có và thời điểm nào cũng xuất hiện. Đó là giá trị đích thực của lễ hội mang tính lịch sử. Ví dụ: Tái hiện Lễ Tịch điền ở Huế không giống Đọi Sơn, vì triều đại đã khác nhau, trang phục cũng khác nhau và nội dung, nghi thức cũng khác nhau. Trang phục của chúa không giống với vua, thủy quân chúa Nguyễn không giống thủy quân của Tây Sơn… Xây dựng kịch bản và đạo diễn muốn sân khấu hoá là đúng nhưng không thể đối lập với lịch sử, vi phạm đến các nguyên tắc cơ bản của lịch sử. Nếu như vậy, lễ hội sẽ không có giá trị. Nếu bỏ qua nguyên tắc này thì lễ hội có thể vay mượn được để chuyển từ chỗ này qua chỗ khác, không phân biệt được đặc trưng của các giai đoạn lịch sử.
c. Có cơ chế thích hợp
Giải pháp này chung cho các loại hình du lịch như điều kiện về pháp lý, an toàn và an ninh, môi trường, thông tin, sức khoẻ, cơ sở vật chất, giải trí…
  Riêng về lễ hội văn hóa, chính quyền địa phương phải tạo ra tính tương thích giữa văn hóa và du lịch, được đảm bảo bằng cơ sở pháp lý để đứa con sinh đôi này ngày càng khỏe mạnh, thông minh để giúp ích cho đời.
Trên đây là ý tưởng để xây dựng Huế có thương hiệu đặc trưng của du lịch Việt Nam, dữ liệu của báo cáo này có thể chưa đầy đủ nhưng dự báo về một nền du lịch phát triển của Thừa Thiên Huế là lạc quan. 
 
(*) Tham luận tại Hội thảo khoa học Quốc tế "Xây dựng thương hiệu du lịch Thừa Thiên Huế"
[1] . Dương Văn An, Ô châu cận lục, Tân dịch hiệu chú, Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc, NXB Thuận Hóa, 2001, tr. 97.
[2] . Đỗ Bang (chủ biên),Từ điển lịch sử Thừa Thiên Huế, NXB Thuận Hoá, 2000, tr. 1001.
[3] . Đỗ Quỳnh Nga, Một số gương mặt phụ nữ Việt Nam dưới thời các chúa Nguyễn, Hội thảo khoa học Phụ nữ Việt Nam trong di sản văn hóa dân tộc, Hội KHLS tỉnh Thừa Thien Huế, Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, Trung tâm văn hoá Huyền Trân, Huế, tháng 2/2010, Kỷ yếu, tr.48- 55.
[4] . Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, NXB Sử học, Hà Nội, 1962, tr. 42.
[5] . Đỗ Bang, Lịch sử làng Thanh Phước, 1990, bản in của GS Michio Suenari, tr. 13/84.
[6] . Dương Văn An, Sđd, tr. 98-99.
PGS.TS Đỗ Bang (Chủ tịch Hội KHLS TT-Huế)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày