Để góp phần xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc và văn minh”
Lượt đọc: 7711Thời gian: 16:38 - 07/06/2017

(VHH) - Công tác gia đình ở Việt Nam đã được các cấp, các ngành, toàn xã hội từ Trung ương đến địa phương quan tâm, hưởng ứng; là nội dung quan trọng trong kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương…

Quản lý nhà nước về gia đình là một trong 4 lĩnh vực quan trọng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được quy định tại Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16/7/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể  thao và Du lịch. Từ nhiều năm nay, nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của gia đình và sự phối hợp liên ngành trong công tác gia đình giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và xã hội trong cả nước đã có bước chuyển biến quan trọng, đem lại hiệu quả tốt đẹp.

Tại Thông báo số 26-TB/TW ngày 09/5/2011 kết luận của Ban Bí thư về việc sơ kết Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 21/2/2005 của Ban Bí thư (khóa IX) về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã khẳng định “xây dựng gia đình là vấn đề lớn, hết sức hệ trọng của dân tộc và của cả thời đại”. Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (khóa XI) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã nhấn mạnh “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Đặc biệt ngày 8/3/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 363/QĐ-TTg về việc Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (theo đó lấy tháng 6 hằng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam). Nghị quyết 33-NQ/TW tại Hội nghị BCH Trung ương lần thứ IX, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định một trong những mục tiêu cụ thể “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách”. Rõ ràng, công tác gia đình ở Việt Nam đã được các cấp, các ngành, toàn xã hội từ Trung ương đến địa phương quan tâm, hưởng ứng, là nội dung quan trọng trong kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; coi việc xây dựng phát triển gia đình là một trong các chỉ tiêu quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) đến nay đã triển khai được 16 năm, với sức lan tỏa mạnh mẽ với các hoạt động ở cả Trung ương và địa phương, mục đích huy động sự quan tâm của toàn xã hội tới gia đình. Cùng với ngày 28/6 với chủ đề Bữa cơm gia đình và ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25/11, từ năm 2014 đến 2016, Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 với chủ đề Yêu thương và chia sẻ; Bữa cơm gia đình Việt Nam... đã trở thành một trong những sự kiện truyền thông lớn với ý nghĩa hành động thiết thực vì hạnh phúc gia đình, hạnh phúc cộng đồng ở nước ta.

Đến nay, công tác truyền thông về gia đình được các Bộ, Ban ngành, đoàn thể, các tổ chức, cá nhân trong cả nước quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo người dân; tập trung vào các hoạt động lớn như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực với phụ nữ 25/11. Lần đầu tiên, Chính phủ cho phép lĩnh vực gia đình công bố Sách Xanh hằng năm về gia đình. Đẩy mạnh phối hợp truyền thông về gia đình tạo được hiệu ứng xã hội tốt, thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Năm 2016, Bộ VHTTDL lần đầu tiên tổ chức Hội thi Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc (tại tỉnh Quảng Nam) thu hút hơn 40 tỉnh/thành phố cả nước tham gia (với hàng trăm thí sinh về dự, nhiều tiểu phẩm, tác phẩm hay và hấp dẫn đã được thể hiện tại Hội thi). Công đoàn Bộ VHTTDL trong 2 năm 2015-2016 đã phối hợp tổ chức nói chuyện chuyên đề về công tác gia đình và PCBLGĐ và đặc biệt ngày 30/5/2017; Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ phát động chiến dịch truyền thông tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình và Lễ Ký cam kết phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam... đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.  

Để công tác gia đình ở nước ta đạt được hiệu quả như mong muốn, gia đình thực sự là một “tế bào” của xã hội, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam “No ấm, tiến bộ, hành phúc, văn minh”, Bộ VHTTDL đã xác định rõ Phương hướng, nhiệm vụ về công tác gia đình trong những năm tới gồm các nội dung trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội”. Đồng thời; thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW gắn với chủ đề công tác gia đình “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”; đồng thời thực hiện hiệu quả Quyết định 363/QĐ-TTg ngày 8/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình ở nước ta.

Hai là, tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình, thực hiện Nghị quyết 113/2015/QH13 “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Ba là, kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác gia đình; đầu tư hơn nữa công tác đào tạo, tập huấn; tăng cường kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Công tác gia đình các cấp.

Bốn là, tập trung hoàn thiện các chỉ số, chỉ báo thu thập số liệu về gia đình, bạo lực gia đình kịp thời, chính xác phục vụ cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách về gia đình.

Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên, liên tục, đa dạng hình thức truyền thông; chú trọng tuyên truyền gương điển hình, phê phán hành vi vi phạm pháp luật về gia đình, ngăn ngừa các thông tin, sản phẩm văn hóa độc hại xâm nhập vào gia đình. Gắn tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình với tuyên truyền thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”.

Sáu là, nhân rộng các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến về công tác gia đình và PCBLGĐ; tiếp tục xây dựng các mô hình mới về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình sao cho hiệu quả. Tăng cường chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm, sáng kiến hay, mô hình có hiệu quả về gia đình & PCBLGĐ. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác gia đình, kêu gọi các nguồn lực đầu tư cho công tác gia đình ở Việt Nam./.

TP (Nguồn: cinet.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày