Chiều 25/11, với 84,14% số phiếu tán thành, các đại biểu Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tiếp công dân, pháp điển hóa một công tác quan trọng của các cơ quan Đảng và Nhà nước là việc lắng nghe tiếng nói, tiếp nhận các khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của nhân dân.
Các đại biểu Quốc hội đã thông qua 3 quy định quan trọng trong dự thảo trước khi thông qua toàn văn, đó là các điều khoản về Trụ sở tiếp công dân, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tiếp công dân và tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội
Với 9 Chương 36 Điều, Luật quy định đầy đủ những nguyên tắc tiếp công dân gồm công khai, dân chủ, kịp thời, giữ bí mật và bảo đảm an toàn cho người tố cáo, tôn trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện khiếu nại, tố cáo, phản ánh theo quy định của pháp luật.
Đạo luật nghiêm cấm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở người khiếu nại, tố cáo, phản ánh hoặc thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân. Đồng thời, cũng nghiêm cấm việc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự, xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, kích động, lôi kéo người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.
Với các quy định đầy đủ, thống nhất, đạo luật mới khắc phục tình trạng tản mát của hệ thống các văn bản quy phạm về vấn đề tiếp dân, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân còn chưa thống nhất ở các hệ thống cơ quan khác nhau. Đồng thời, tạo nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, đề cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, gắn kết công tác tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo…
(thanhtra.gov.vn)