Liên kết để phát triển du lịch là xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, mô hình này đã tạo được điểm nhấn bằng các chương trình kết nối khu vực, đa quốc gia nhằm phát huy hết giá trị nội lực nổi bật. Việt Nam đã từng có chương trình kết nối khu vực “Ba quốc gia - một điểm đến” Việt Nam - Lào - Campuchia, trong đó tập trung kết nối giữa các địa danh, di sản biểu biểu của ba quốc gia.
Năm 2015, chương trình liên kết quy mô quốc gia do Bộ VHTTDL phát động với tên gọi “Kết nối các di sản thế giới” tiếp tục là “cú hích” cho ngành du lịch. Với chương trình này, các tỉnh/thành trong cả nước (Thanh Hóa, Phú Thọ, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh...) sẽ kết nối để quảng bá 18 di sản thế giới được công nhận (gồm: 2 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa, 8 di sản văn hóa phi vật thể và 3 di sản tư liệu). Trong đó Thanh Hóa giữ vai trò chủ trì. Sự kiện này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của nhân dân về sự phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; góp phần phát triển du lịch văn hóa di sản các tỉnh/thành phố trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của các vùng, miền; xây dựng và nâng cao hình ảnh về du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Thanh Hóa nói riêng; đồng thời đẩy mạnh sự liên kết du lịch giữa các địa phương tham gia tổ chức Năm Du lịch nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng, thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch trong vùng cũng như liên vùng.
Nhằm cụ thể hóa chương trình họat động, mới đây, UBND Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Kế hoạch tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2015. Bên cạnh những hoạt động của tỉnh, tỉnh cũng chủ động kết nối với nhiều địa phương khác xây dựng các điểm, tuyến du lịch mới đến các khu di sản thế giới. Các sản phẩm du lịch văn hóa chủ yếu gồm: di tích văn hóa lịch sử, lễ hội truyền thống, khai thác các giá trị văn hóa khác như phong tục tập quán, ẩm thực, dân ca, dân vũ...
Ngoài ra, trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2015 còn có các sự kiện do các tỉnh/thành trong nước có Di sản Thế giới tổ chức sẽ diễn ra rải rác suốt trong năm như: Lễ hội Đền Hùng năm 2015 (Phú Thọ); Kỷ niệm 5 năm Hoàng thành Thăng Long được Vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, Lễ hội Đền Cổ Loa (Hà Nội); Chương trình Caraval Hạ Long 2015, Chương trình lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh); Kỷ niệm 120 năm Thành lập tỉnh Bắc Giang, Lễ hội Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang); Về miền quan họ (Bắc Ninh); Lễ hội cố đô Hoa Lư, Lễ hội truyền thống thờ Thánh Quý Minh Đại Vương (Ninh Bình); Liên hoan Dân ca Ví Dặm Xứ Nghệ lần thứ III-2015, Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2015 (Nghệ An); Lễ kỷ niệm 250 Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội trại sáng tác (Hà Tĩnh); Festival Nghề truyền thống Huế 2015 (Thừa Thiên Huế); Cuộc thi Trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Chương trình “Điểm hẹn mùa hè” năm 2015 (Đà Nẵng); Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản (Quảng Nam); Lễ hội Cồng chiêng Tây Nguyên (Gia Lai); Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh (thành phố Hồ Chí Minh); Festival Hoa Đà Lạt 2015 (Lâm Đồng).
Để thực hiện mục tiêu vừa kích cầu du lịch, vừa bảo vệ di sản, giảm nguy cơ suy giảm giá trị do bị xâm phạm, xuống cấp, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Văn Tuấn cho rằng: công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo và giữ gìn giá trị nguyên bản phải là điều cần làm đầu tiên. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư đồng bộ để mỗi di sản trở thành một điểm đến thực sự hấp dẫn gồm hạ tầng-dịch vụ-tổ chức dịch vụ-quản lý điểm đến đảm bảo an ninh, an toàn, phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp du lịch tạo ra sức mạnh tổng hợp và sự lan tỏa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tăng sự hưởng lợi của cộng đồng, doanh nghiệp từ du lịch, từ đó mang lại sức sống cho di sản, thúc đẩy du lịch phát triển...