Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - Di sản văn học nghệ thuật sống động
Lượt đọc: 116557Thời gian: 22:48 - 11/05/2015

(VHH) - Huế là trung tâm chính trị văn hóa quan trọng của Việt Nam trong gần 2 thế kỷ, là đô thị phản ánh quá trình phát triển của đất nước cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX. Các công trình kiến trúc được xây dựng ở Kinh đô khẳng định chủ quyền của một quốc gia, sự điều hành của nhà nước thống nhất. Trong hệ thống các công trình phục vụ hoạt động của triều đình, có rất nhiều công trình mang những giá trị kiến trúc và văn hóa độc đáo. Cố đô Huế đã từng tồn tại nhiều thư viện của hoàng gia như: Thư viện Sử Quán (1821), Tàng Thư Lâu (1825), thư viện Nội Các (1826), thư viện Tụ Khuê (1852), Tân Thư Viện (1909), thư viện Bảo Đại (1923)... Bên cạnh các thư viện dưới triều Nguyễn, ngày nay vẫn đang bảo tồn, lưu giữ một loại kho tàng tư liệu như những “thư viện” thể hiện những giá trị độc đáo và vô cùng quý giá về văn học nghệ thuật trên kiến trúc cung đình Huế.

Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là toàn bộ hệ thống văn tự chữ Hán được chạm khắc, khảm cẩn chủ yếu trên các liên ba, đố bản hoặc vách ván... thực hiện trong giai đoạn trị vì của triều Nguyễn. Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế được lưu giữ qua thời gian là những tư liệu độc đáo, tạo nên những giá trị đặc biệt, lưu giữ cho chúng ta những thông điệp văn hóa lịch sử về một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam. Giáo sư Huỳnh Minh Đức là người có nhiều nghiên cứu về thơ ca, ngôn ngữ, văn học nghệ thuật đã từng đánh giá hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là tinh hoa văn hoá Việt Nam của thế kỷ XIX mà tác giả là các vị vua, hoàng thân và Nho thần triều Nguyễn. Vì vậy, người Việt có quyền tự hào vì đã có được một di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế rất độc đáo, mà không phải dân tộc nào cũng có may mắn sở hữu.

 Chiến tranh tàn khốc, thiên nhiên khắc nghiệt đã làm cho nhiều công trình kiến trúc cung đình tiêu biểu như Thái Tổ Miếu, Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành bị sập đổ, phá hủy và đi kèm là hàng ngàn bài thơ chữ Hán cũng bị mai một, hư hỏng và thất lạc. Mặc dù vậy, những công trình và những bài thơ còn lại hiện nay là những minh chứng vô cùng thuyết phục phản ánh giá trị to lớn của những áng thơ văn được thể hiện với nhiều hình thức độc đáo này.

 Để có một cái nhìn toàn diện về những tư liệu độc đáo và góp phần hệ thống hóa một cách đầy đủ hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, đánh giá được các giá trị đặc sắc của loại hình này từ đó đề ra giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị, chúng ta cần  nghiên cứu, phân tích làm rõ giá trị tiêu biểu, quý giá của nguồn tư liệu này. Đây là cơ sở quan trọng nhằm góp phần hoàn thiện hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO công nhận hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản ký ức thế giới.

1.     Di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

1.1. Đầu thế kỷ XIX, các vua đầu triều Nguyễn cùng với việc xác lập quyền thống trị, ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm ổn định về kinh tế, văn hóa, xã hội, còn có một vấn đề vô cùng bức bách đó là phải tập trung các nguồn lực để xây dựng Kinh đô đảm bảo cho quá trình điều hành đất nước.

Dưới những bàn tay tài hoa, những khối óc đầy sáng tạo của các nghệ nhân, của các thợ lành nghề và công sức, trí tuệ, tài năng của cả dân tộc Việt Nam đã để lại một hệ thống công trình kiến trúc vô cùng phong phú, đa dạng, có giá trị, mà đỉnh cao là Quần thể di tích Cố đô Huế đã được ghi vào danh mục Di sản Văn hoá Thế giới. Tổng thể kiến trúc cung đình Huế còn lại thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và thiên nhiên, là bức tranh rõ nét về chân dung Kinh đô xưa của Việt Nam. Cố GS. Trần Văn Giàu đã từng nhận xét: “…không có thời nào, văn hóa phát triển như thời Nguyễn. Tám mươi năm của nhà Nguyễn, sách vở sáng tác gần bằng hoặc bằng, thậm chí còn nhiều hơn mấy trăm năm trước. Những nhà tư tưởng của thời Nguyễn cao hơn những nhà tư tưởng của thời trước. Có thể nói sự phát triển văn hóa dưới thời Nguyễn tương đương với sự thống nhất của quốc gia. Sự thống nhất về chính trị thúc đẩy sự phát triển văn hóa rất nhiều. Đó là thành tích của triều Nguyễn”. Qua đó có thể thấy, Huế ở thế kỷ XIX không chỉ là đỉnh cao của Kinh đô Việt Nam trong lịch sử mà còn khẳng định những giá trị văn hóa đặc biệt của nhân loại. Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là minh chứng tiêu biểu về tư duy sáng tạo của con người cùng các giá trị và những thành tựu nghệ thuật trang trí nổi bật trong mỹ thuật cung đình triều Nguyễn. Những hình ảnh chạm khắc, khảm cẩn thơ văn tinh tế về nghệ thuật đã biểu lộ và phản ánh trí tuệ kỹ năng trang trí, năng lực sáng tạo, công sức lao động của nhiều trí thức, những nghệ nhân ở Huế và khắp mọi miền đất nước. Đây là một điều rất độc đáo và đặc biệt của cố đô Huế.

1.2. Sự phát triển của các loại hình trang trí trong văn hóa Việt theo lập luận của Giáo sư Trần Lâm Biền, “về hình thức, hiện tượng chia ô - kiểu ô hộc trong trang trí cổ ở nước ta đã có từ khá sớm. Nếu trong thời đồ đồng người ta thường trang trí thành dải, thì từ thời Lý hiện tượng chia ô đã xuất hiện. Ô trang trí đóng khung các đề tài lại, nó đã phá vỡ chu trình uyển chuyển khép kín, để mở đầu cho một phong cách mới. Cho tới giữa thế kỷ 17, bên cạnh những thành công dần của nghệ thuật chia ô, thì vẫn còn nhiều ô biểu hiện sự thiếu chặt chẽ của bố cục, ảnh hưởng tới đề tài (ít nhiều điều đó còn thấy ở vạc đồng Huế). Khoảng từ giữa thế kỷ 17, lác đác các ô trang trí với các đường gờ nổi lớn dày đã đạt được hiệu quả nghệ thuật cao, tạo được độ sâu cần thiết cho mảng chạm, thêm sự đậm nhạt cho đề tài.... Nhưng phải tới thế kỷ 19, hiện tượng chia ô mới tới đỉnh của nó, về cả nghệ thuật và sự phổ biến. Đó là một điển hình về trang trí của Huế”. Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thể hiện trên nhiều loại hình và ở các vị trí khác nhau trên các công trình kiến trúc, nhiều loại vật liệu và cách thể hiện mỗi đơn vị ô hộc thơ văn lại có tiêu chí riêng, mỗi ô hộc là một đơn vị độc bản và trên tổng thể hoàn toàn không có sự trùng lắp; điều đó cho thấy sự tinh xảo, tính khoa học, cầu kỳ, có độ chính xác và tính nghệ thuật cao. Để thực hiện được công việc này, đòi hỏi các nghệ nhân xưa phải rất thành thạo quy luật viết chữ Hán, có trình độ thẩm mỹ cao, bàn tay tài hoa, đôi mắt tinh tường, bản tính kiên trì, nhẫn nại, thận trọng. Ô hộc thơ văn nào cũng rõ ràng, đăng đối, đẹp như những tác phẩm thư pháp. Sự chiếm lĩnh của trang trí thơ văn chữ Hán trên các công trình kiến trúc cung đình Huế phản ánh một yêu cầu nhất quán được nêu ra là đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ cho toàn thể các tiết diện trang trí. Nội dung thơ văn chữ Hán có chức năng chuyển tải tinh thần và tư tưởng Nho giáo xuyên suốt trong đường lối trị nước của triều Nguyễn. 

1.3. Theo số liệu thống kê bước đầu, hiện trạng thơ văn phân bố trên kiến trúc cung đình Huế hiện còn có 2956 ô khắc trên kiến trúc gỗ, 146 trên pháp lam, 88 trên gạch, đá và chất liệu khác. Điển hình nhất là ở khu vực Hoàng Thành: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa có khoảng 256 ô thơ, sơn son thếp vàng; Thế Miếu có khoảng 676 ô thơ, sơn son thếp vàng; Hưng Miếu có khoảng 83 ô thơ, sơn son thếp vàng; Triệu Miếu có khoảng 62 ô thơ, sơn son thếp vàng. Các lăng vua Nguyễn như vua Minh Mạng (Hiển Đức Môn, Điện Sùng Ân, Minh Lâu, Nghênh Lương Quán...,), vua Thiệu Trị (Điện Biểu Đức), vua Tự Đức (Điện Hòa Khiêm), vua Dục Đức (Điện Long Ân), vua Đồng Khánh (Điện Ngưng Hy); các điện trong Kinh Thành như Điện Long An, Tân Thơ Viện; chùa Thiên Mụ (Đình Hương Nguyện); chùa Thánh Duyên (Đại Hùng Bảo Điện)... cũng được trang trí các ô hộc thơ văn với số lượng rất lớn.

Đa số những áng thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế thể hiện trên chất liệu gỗ, pháp lam, đá đều được khắc chạm trong thời gian hưng thịnh nhất của các vị vua Gia Long (1802 - 1819), Minh Mạng (1820 - 1840), Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883). Đặc biệt, thơ văn trên di tích kiến trúc cung đình Huế hầu hết là thơ ngự chế của các vua Nguyễn, trong đó nổi tiếng nhất là ba nhà vua thi sĩ là vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức có số lượng tác phẩm để lại nhiều nhất trong 13 vị vua triều Nguyễn. Chính sự yêu thơ, say thơ của các vị vua thi sĩ như thế cho nên thơ văn xuất hiện mật độ cao trên các di tích cung đình Huế là một điều dễ hiểu.

Cách thể hiện trên công trình kiến trúc rất phong phú, các ô hộc thơ văn chữ Hán thường được trang trí xen kẽ với các họa tiết hoa văn kỷ hà, thảo mộc, linh vật, chim thú cách điệu với phong cách ước lệ. Phong cách trang trí ở kiến trúc cung đình Huế theo lối “nhất thi nhất họa”, rồi trở thành như một điển lệ của triều đình trong trang trí công trình kiến trúc cung đình từ đó về sau. Thơ văn chữ Hán được thể hiện trên các di tích cung đình Huế khá đa dạng và phong phú về phương thức, chất liệu, kiểu dáng và vị trí sắp đặt. Thơ văn được khắc chìm, chạm nổi trực tiếp trên các chi tiết kiến trúc cũng như hệ thống đố bản, liên ba, cổ diềm, bờ nóc, hoành phi của các công trình kiến trúc, được sơn son thếp vàng, được chạm khắc trên hệ thống bia đá, trên các vật liệu của công trình kiến trúc. Ngoài ra, hình thức cao cấp hơn là các nghệ nhân dùng xà cừ khảm trực tiếp vào công trình kiến trúc hoặc có những chi tiết trang trí bằng ngà voi rất đẹp, tinh xảo. Đặc biệt là thơ văn được viết trên các tấm pháp lam tại các vị trí bờ nóc, cổ diềm bền vững theo thời gian. Ở giai đoạn muộn của kiến trúc cung đình Huế, tiêu biểu trong thời vua Khải Định (1916-1925), nghệ nhân xưa còn dùng mảnh sành, mảnh sứ để khảm trang trí trên công trình kiến trúc nhưng lại dùng chính thơ văn chữ Hán để trang trí, đó là dòng nghệ thuật trang trí khảm sành sứ.

 1.4. Một số công trình kiến trúc cung đình Huế có trang trí thơ văn chữ Hán độc đáo phải kể đến như:

* Điện Thái Hòa là ngôi điện chính của Hoàng Thành, là nơi đặt ngai vàng của vua, là nơi thể hiện quyền uy của triều đại. Vì vậy ngoài quy mô rộng lớn, kiến trúc tráng lệ, trang trí thơ văn chữ Hán là chủ đề chính trong nghệ thuật trang trí ở ngôi điện này. Thơ văn trên Điện Thái Hoà được phân bố tại nhiều vị trí trong và ngoài điện. Ở ngoại thất điện, thơ được viết trên các tấm pháp lam tại các vị trí bờ nóc, cổ diềm thuộc phần mái; chạm khắc trên liên ba thuộc phần hiên ở cả hai phần tiền điện và hậu điện. Ở nội thất điện, thơ được chạm khắc trên liên ba bằng gỗ, trên các vách ở cả hai phần tiền điện và hậu điện. Thơ văn trên Điện Thái Hòa vừa biểu hiện đặc điểm thẩm mỹ của kiến trúc vừa tồn tại trong tư cách là một văn bản nghệ thuật.

Điển hình là bài thơ tứ tuyệt trang trí phía dưới bức hoành phi chính giữa Điện Thái Hòa được xem như: “Bản tuyên ngôn độc lập” dưới triều Nguyễn:

    Nguyên văn:

 文 獻 千  年 國

 車 書 萬 里 圖

 鴻 龐 開 闢 後

 南 服 一 唐 虞

 Phiên âm:

“Văn hiến thiên niên quốc,

 Xa thư vạn lý đồ.

Hồng Bàng khai tịch hậu,

Nam phục nhất Đường Ngu.”

Dịch nghĩa:

Văn hiến ngàn năm dựng,

 Núi sông vạn dặm xa.

 Hồng Bàng thủa lập quốc,

Nghiêu Thuấn vững sơn hà.”

              (Bản dịch của Huỳnh Minh Đức)

Đây là bài Ngự chế của vua Minh Mạng với ý nghĩa nói lên niềm tự hào to lớn về sự thống nhất đất nước và lòng tự hào của cả dân tộc. Nước Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ, hùng cường ở phương Nam, đặc biệt có nền văn hiến hàng ngàn năm lịch sử. Triều đình nhà Nguyễn đã thống nhất giang sơn thành một dải hàng vạn dặm. Từ lúc Hồng Bàng mở nước tới nay, đất nước đã xây dựng và tồn tại một triều đại thịnh vượng và tốt đẹp như triều đại Đường Ngu của vua Nghiêu, vua Thuấn.

Thơ văn trên Lăng Minh Mạng

* Lăng vua Minh Mạng chứa đựng một kho tàng thư viện thơ văn chữ Hán quý giá. Thơ văn được khắc chạm rất công phu, tỉ mỉ thành từng ô hộc trên từng dải liên ba, cổ diềm tại các công trình kiến trúc của lăng. Tại vị trí nội thất và ngoại thất Hiển Đức Môn, Sùng Ân Điện, Minh Lâu, Nghênh Lương Quán, các mảng ô hộc tạo nên cảm giác hài hòa giữa trang trí và hình khối thẩm mỹ của kiến trúc một cách rõ nét trong một tổng thể thống nhất với những ý niệm tạo hình đầy ý nghĩa. Theo các nhà nghiên cứu, số lượng thơ ở lăng vua Minh Mạng thống kê hơn 120 bài tứ tuyệt được khắc từng câu thành 500 ô chữ riêng biệt chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Trải qua thời gian dài, các nhà nghiên cứu đã dần dần tìm ra được mối liên hệ và cách xếp các ô chữ chữ Hán thành những bài thơ tứ tuyệt theo đúng niêm luật của Đường thi và cấu trúc ngôn ngữ thơ. Chủ đề thơ hầu hết ca ngợi giang sơn gấm vóc, cảnh đẹp núi sông, đất nước thái bình thịnh trị, triều đình bền vững, trăm họ yên vui. Điểm nổi bật là thơ chạm khắc ở lăng Minh Mạng có nhiều thơ về đề tài nông nghiệp, nông dân, về đời sống kinh tế của nước Đại Nam xưa. Một bài thơ khắc ở Điện Sùng Ân, nhà vua viết:

Nguyên văn:

 倉 以 盈 秋 穀

 野 將 茂 夏 禾

 鳴 庶 無 戎 嘆

 擊 壤 有 農 歌

Phiên âm:

“Thương dĩ doanh thu cốc,

Dã tương mậu hạ hòa.

Minh thứ vô nhung thán,

Kích nhưỡng hữu nông ca.”

Dịch nghĩa:

Kho còn đầy thóc mùa thu,

 Đồng đà mơn mỡn lúa ngô mùa hè.

 Khóc than giờ chẳng còn nghe,

 Nghe người đập đất hát về nhà nông.

                   (Bản dịch của Nguyễn Trọng Tạo và Mai Khắc Ứng)

* Điện Long An là một công trình nguy nga, tráng lệ và thanh nhã bởi những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân được xem là một cung điện đẹp nhất ở Huế và Việt Nam. Tại Điện Long An được trang trí hình ảnh và thơ văn chữ Hán nhiều nhất theo lối “nhất thi nhất hoạ”. Điều khác biệt với các ngôi điện thường thấy khác là những chi tiết gỗ không sơn son thếp vàng, chỉ để mộc trơn và được tô điểm bằng các kỹ thuật khảm trực tiếp bằng xương, ngà voi, xà cừ… Các liên ba, đố bản chạm khắc nhiều bài thơ và tác giả là vua Thiệu Trị, được bố trí sắp xếp hầu hết ở các khu vực bên trong ngôi điện một cách hài hòa. Một số chi tiết khảm xà cừ ở đây cho thấy, trình độ khảm xà cừ đã đạt đến bậc thầy, những nghệ nhân trang trí thể hiện nội thất Điện Long An là những nghệ nhân rất giỏi về kỹ thuật khảm xà cừ trên trang trí kiến trúc, họ đã tạo ra được những điểm nhấn sinh động, đa hướng nhiều góc nhìn trên mỗi chi tiết và hình ảnh. Ví dụ như hai bài thơ “雨 中山 水 Vũ trung sơn thủy” (Cảnh trong mưa) và “福 園 文 會 良 夜 漫 吟 Phước Viên văn hội lương dạ mạn ngâm” (Đêm thơ ở Phước Viên) hết sức đặc biệt được làm theo kiểu “hồi văn kiêm liên hoàn” gồm 56 chữ Hán, nhưng đã được sắp xếp theo kiểu hình bát quái, và dùng thể hồi văn kiêm liên hoàn, có thể đọc xuôi ngược nhiều chiều thành 64 bài thơ thất ngôn và ngũ ngôn khác nhau. Dưới đây xin trích dẫn một bài thơ tiêu biểu:

Nguyên văn:

灣 環 雨 下 江 潮 汛

漲 溢 風 前 岸 忭 清

閒 釣 一 舟 漁 逸 迅

向 林 雙 剪 燕 飛 輕

Phiên âm:

“Loan hoàn vũ hạ giang triều tấn

Trướng dật phong tiền ngạn biện thanh

Nhàn điếu nhất chu ngư dật tấn

Hướng lâm song tiễn yến phi khinh”.

Dịch nghĩa:

“Nước chảy quanh, dưới mưa, thủy triều sông dâng lên;

Nước lớn mênh mông, trước gió, bờ mép nước trong veo.

Thong thả buông câu một thuyền chài ung dung chèo tới;

Nhắm rừng bày chim én bay nhẹ nhàng thành hai dãi.”

                         (Bản dịch của Nguyễn Tân Phong)

* Trong thời kỳ triều Nguyễn, nhiều ngôi chùa nổi tiếng được trùng kiến và phát triển cực thịnh, trở thành những danh lam bậc nhất của Kinh đô như chùa Thiên Mụ, Thánh Duyên, Giác Hoàng, Diệu Đế. Các ngôi chùa này đã đóng vai trò quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp trên mảnh đất Kinh đô. Không gian cảnh quan và bố cục tổng thể kiến trúc chùa mang một nét rất riêng, đặc biệt có trang trí các ô thơ hình vuông và chữ nhật chạm trổ sơn thiếp trình bày lối “nhất thi nhất họa” độc đáo. Tại kiến trúc điện Di Lặc (tiền thân là đình Hương Nguyện) thuộc chùa Thiên Mụ có trang trí 32 ô thơ chữ Hán được chạm khắc tinh tế, độc đáo ở cả mặt trong lẫn ngoài. Trong đó, 8 ô thơ nằm tách biệt ở khung liên ba trên là hai bài thơ “雲 山 勝 蹟 Vân Sơn thắng tích” và “靈 觀 磬 韻 Linh Quán khánh vận”, nằm trong 20 bài thơ mang tên là “Thần Kinh nhị thập cảnh” của vua Thiệu Trị, đã được sắp xếp rất mạch lạc và thứ tự từ phải sang trái. Trong đó, bài thơ “Vân Sơn thắng tích” ca ngợi cảnh đẹp thơ mộng, hữu tình của chùa Thánh Duyên tọa lạc tại núi Thuý Vân. Có thể nói, núi Thuý Vân và chùa Thánh Duyên là thắng cảnh nổi tiếng của đất Thần Kinh:

積 翠贊 屼 不 計 春

虯 龍 隱 伏 列 嶙 峋

惠 風 鐘 度 幽 林 響

空 宇 香 羅 法 海 津

樹 戀 慈 曇 浮 碧 落

經 穿 僧 屐 雜 紅 塵

聖 緣 普 濟 咸 歸 善

佛 蹟 增 光 自 有 因

Phiên âm:

“Tích thúy toàn ngoan bất kế xuân,

Cầu long ẩn phục liệt lân tuần.

Huệ phong chung độ u lâm hưởng,

Không vũ hương la pháp hải tân.

Thụ luyến từ đàm phù bích lạc,

Kính xuyên tăng kịch tạp hồng trần.

Thánh duyên phổ tế hàm quy thiện,

Phật tích tăng huy tự hữu nhân.”

Dịch nghĩa:

“Núi non phủ đầy cây xanh đã quá lâu đời,

Trập trùng lớp lớp như con rồng nằm nép.

Theo gió lành tiếng chuông truyền đến chốn rừng thanh tĩnh,

Hương thơm trên không đã bao trùm khắp bến pháp.

Mây lành quấn quýt trong cây và nổi giữa trời cao,

Guốc của tăng nhân xuyên qua những lối đi lạc vào cõi hồng trần.

Duyên của Thánh ban khắp cho người quy về nẻo thiện,

Nhờ nhân lành mà cảnh chùa xưa càng thêm rực rỡ.”

                              ( Bản dịch của Phạm Đức Thành Dũng)

 2. Giá trị văn hóa ký ức của thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế

Kinh đô Huế, nơi định đô của triều đại, do vậy đây là nơi tập trung hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng các điều kiện để điều hành quốc gia, là biểu tượng ý thức độc lập tự chủ, sự vững mạnh của nền chính trị. Kinh đô cũng là nơi thể hiện văn minh của đất nước, nơi tụ hội và sinh thành các tài năng. Ghi nhận về điều này, ngày nay vẫn còn thể hiện trên hai câu đối được khảm sành sứ ở trụ biểu Thương Bạc, một vị trí trung tâm của Kinh đô Huế, với nội dung như sau:

Nguyên văn:

宇 宙 泰 和 天 玊 帛 衣 裳 此 會

京 師 首 善 地 聲 名 文 物 所 都

Phiên âm:

Vũ trụ thái hòa thiên, ngọc bạch y thường thử hội,

Kinh sư thủ thiện địa, thanh danh văn vật sở đô.

Dịch nghĩa:

Trời vũ trụ thái hòa, ấy lúc phồn hoa áo xiêm ngọc lụa,

Đất kinh sư tốt đẹp, này nơi đô hội văn vật tài danh.

Kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế đã đạt được những giá trị nghệ thuật trang trí ở nhiều phương diện. Đó cũng là hiệu quả một chặng đường phát triển nghệ thuật có kế thừa và chuyển dịch tích cực về mặt nghệ thuật trang trí kiến trúc và phản ánh tâm hồn, chiều sâu thẩm mỹ của người Huế xưa. Có thể khẳng định, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế mang nhiều giá trị đặc sắc gồm:

2.1. Về giá trị độc bản: Hệ thống ô hộc thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những bản gốc độc bản quý hiếm mang đậm nét dấu ấn văn hóa, lịch sử của một triều đại. Những áng thơ văn ở đây đều là các trước tác được tuyển chọn trong vô số các tác phẩm đặc sắc của vua và hoàng thân quốc thích thông kinh bác sử; là văn nhân thi sĩ, quan lại lưu kinh phụng mệnh triều đình. Hầu hết các bài thơ được các nghệ nhân tài hoa chạm khảm trên các loại gỗ quý để trang hoàng làm tôn vinh giá trị của các công trình kiến trúc cung đình Huế. Ở các nước Á Đông như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… có mối tương quan về văn hóa, kiến trúc như Việt Nam nhưng không phổ biến nghệ thuật trang trí thơ văn trên kiến trúc cung đình như ở Cố đô Huế.

Những người thợ tạo ra những sản phẩm ô hộc thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình được tuyển chọn từ các địa phương trong cả nước đều có nghề chạm khắc gỗ, khảm xà cừ, vẽ pháp lam nổi tiếng. Các tác phẩm thơ văn được chạm khảm bằng thủ công đạt đến độ tinh xảo. Những chữ Hán được diễn tả trên các ô hộc trên di tích chứa đựng tất cả tâm huyết, công sức và trí tuệ của mỗi người thợ. Mỗi ô hộc không những là một trang tư liệu quý giá, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật độc bản có một không hai.

2.2. Về giá trị nội dung tư tưởng: Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một di sản tư liệu chân xác hàm chứa những nội dung giá trị tư tưởng Nho giáo rõ nét được lưu giữ bằng những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Nội dung chủ yếu là những thông tin về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc trong những giai đoạn nhất định của lịch sử Việt Nam. Đây là những thông tin, là nguồn tư liệu quan trọng có giá trị đối với các nhà nghiên cứu để từ đây làm rõ hơn về văn hóa, lịch sử trong các giai đoạn lịch sử Việt Nam.

Người xưa đã sử dụng thơ văn chữ Hán ngoài để biểu đạt ngôn ngữ, truyền đạt thông tin, còn là công cụ để trang trí kiến trúc, đồng thời là biểu tượng để chuyển tải các thông điệp phong phú. Về tư tưởng, giáo lý của vương triều Nguyễn và những giá trị nhân văn sâu sắc thông qua những bản chạm khắc độc đáo trên di tích kiến trúc cung đình Huế. Điển hình như: Tôn vinh công lao mở mang và thống nhất lãnh thổ của bậc vua chúa Việt Nam; Thể hiện tư tưởng Nho giáo như là nền tảng để cai trị đất nước; Khẳng định một triều đại mới tiến bộ về chính trị, văn hóa và xã hội; Ước nguyện về sự bền vững nền thái bình thịnh trị của đất nước để nhân dân muôn nơi được sống trong hạnh phúc, yên vui; Ca ngợi phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của Sông Hương, Núi Ngự, của đất nước Việt Nam thống nhất.

2.3. Về giá trị thi ca: Với hàng trăm bài thơ ẩn chứa nhiều giá trị nội dung sâu sắc tạo thành một thư viện thơ văn đồ sộ trên kiến trúc cung đình Huế là một minh chứng cho giai đoạn phát triển rực rỡ của văn học trung đại Việt Nam dưới triều Nguyễn. Chỉ trong một giai đoạn ngắn so với toàn bộ chiều dài lịch sử dân tộc, triều Nguyễn đã để lại khối lượng tác phẩm văn chương nhiều hơn so với các thế kỷ trước đó cộng lại, trong đó chủ yếu là văn thơ chữ Hán và chữ Nôm. Sự phát triển rực rỡ của văn học triều Nguyễn khẳng định một giai đoạn hưng thịnh của văn hóa Việt Nam.

Các bài thơ văn là nguồn tư liệu quý giá, góp phần khẳng định diện mạo thơ văn Việt Nam vào thế kỷ XIX gắn với tên tuổi của nhiều vị vua như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; với tên tuổi của các ông hoàng bà chúa như Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Tuy Lý Vương Miên Trinh, Tương An Quận Vương Miên Bửu, Mai Am, Huệ Phố, Trọng Khanh, Trúc Khanh, Quý Khanh, danh thần nổi tiếng như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Công Trứ... Rõ ràng sự thịnh trị văn học dưới triều Nguyễn đã có những tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ để hình thành nên một phong cách trình diễn thơ văn trên các công trình kiến trúc hoàng gia. Hàng trăm năm qua, các nhà nghiên cứu đã rất băn khoăn mỗi khi đọc những câu thơ chữ Hán riêng biệt vì nó vẫn hàm chứa nhiều điều bí ẩn, khó có thể hiểu hết ý nghĩa cùng một lúc.

2.4. Về giá trị ngôn ngữ: Ngôn ngữ thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là ngôn ngữ tượng hình - chữ Hán, do vậy sự diễn đạt trình bày và ý nghĩa mà chúng mang lại rất phong phú, độc đáo mà không loại ngôn ngữ nào có được. Các áng thơ văn phần lớn sử dụng phương pháp ẩn dụ, qua việc vay mượn điển tích cổ, các thành ngữ, tục ngữ, các câu thơ, ý văn có giá trị tiêu biểu Nho giáo để làm cho nội dung diễn đạt thêm phần sinh động, biểu cảm sâu sắc, hàm ngôn, thể hiện năng lực diễn đạt của chủ thể sáng tạo. Từ những đặc điểm ngôn ngữ thơ văn và hiệu quả nghệ thuật trong trang trí kiến trúc đã góp phần làm nổi bật các giá trị của mỗi công trình. Với nhiều chủ đề, chất liệu và cách thể hiện trang trí khác nhau, thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế đã tạo được sự tinh tế, độc đáo, thẩm mỹ cao trong kiến trúc làm nâng cao giá trị đối với di sản văn hóa độc đáo của Quần thể di tích Cố đô Huế.

Qua các hình thức trình bày thể hiện tính dân tộc độc đáo này đã tạo thành khả năng biểu đạt cao, truyền tải giá trị nội dung, tư tưởng, nghệ thuật phong phú, đặc sắc của các tác phẩm văn chương, vừa tạo được sự hấp dẫn đối với những người thưởng lãm.

2.5. Về giá trị nghệ thuật thư pháp: Hầu hết thơ văn được thể hiện trên kiến trúc cung đình Huế là những bức thư pháp có giá trị. Thể chữ được sử dụng thể hiện thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế phổ biến là chữ chân (khải thư), ngoài ra còn các thể chữ khác như chữ triện (triện thư), chữ lệ (lệ thư), chữ hành (hành thư) và chữ thảo (thảo thư). Đường nét chữ Hán thể hiện tài năng, trí tuệ và tính cách của người viết, mà trên hết là khả năng sáng tạo và tư duy sâu sắc. Chữ Hán đã không còn đơn thuần chỉ là công cụ của ngôn ngữ nữa mà còn tô điểm làm tăng giá trị, phản ánh thẩm mỹ; tri thức về hội họa, điêu khắc. Nghệ thuật thư pháp chữ Hán đã nâng cái đẹp của thơ, làm cho thơ thêm có hình, có thanh. Có thể nói, thơ văn chữ Hán đóng vai trò quan trọng trong các loại hình di tích cung đình, phù hợp với đặc trưng kiến trúc cổ phương Đông, vừa có giá trị thẩm mỹ cao vừa chuyển tải những nội dung sâu sắc, phong phú qua những đường nét chạm, khắc trên nhiều chất liệu khác nhau.

3. Bảo tồn và phát huy giá trị thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, nhìn từ góc độ quản lý văn hóa

Kinh đô Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc và sáng tạo nên các giá trị mà đỉnh cao là Quần thể di tích kiến trúc cung đình được công nhận Di sản thế giới (1993) với hệ thống kiến trúc, với những sưu tập cổ vật quý giá, hệ sinh thái phong phú... Điều cần quan tâm hơn là giá trị các mảng ô hộc thơ văn chữ Hán đã gắn kết và làm đẹp cho tổng thể kiến trúc, các bài thơ đã tạo ra sự hài hòa giữa chức năng thông tin với chức năng trang trí, kiến trúc, thẩm mỹ tạo nên nhiều lớp không gian tinh tế, có tính dẫn dắt từng bước vào chiều sâu công trình. Qua thời gian, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đã dần dần được các nhà nghiên cứu giải mã, dịch thuật để xác định được những giá trị về tư tưởng, văn hóa lịch sử đặc sắc mà vương triều Nguyễn để lại cho hậu thế. Trong ý nghĩa này, việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối trong đời sống đương đại. Do vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế theo chúng tôi cần tập trung vào những vấn đề cụ thể sau:

3.1. Trong quá trình công tác trùng tu, tôn tạo phục hồi hệ thống di tích thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, đặc biệt là các công trình xuống cấp nghiêm trọng và các công trình phục hồi cần có giải pháp sưu tầm bảo quản và tu bổ các chi tiết trang trí liên quan đến thơ văn trên di tích, phần kiến trúc liên quan đến ngôn ngữ, chữ viết, văn chương trên các ô hộc, hoành phi, câu đối và các văn bản chạm khắc khác trên di tích. Tập trung khảo sát đánh giá hiện trạng hệ thống thơ văn chạm khắc trên cấu kiện gỗ. Tiếp tục nghiên cứu phục hồi kỹ thuật pháp lam truyền thống, kỹ thuật chạm, khảm nhằm phục hồi các bài thơ, các chữ đã mất trên các ô cổ diềm, bờ nóc di tích.

Tiếp tục ghi chép và sưu tầm hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế hoặc ở một số thư viện liên quan để nhận diện, xác định giá trị, từ đó đề xuất khả năng bảo tồn và phát huy. Cần tổ chức các hội thảo, đề tài nghiên cứu khoa học đánh giá giá trị các loại hình di sản thơ văn làm cơ sở để xác định loại hình nào cần được ưu tiên bảo vệ hàng đầu.

Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học nghiên cứu về giá trị di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. Các đề tài này nên tập trung đi vào hướng chuyên luận sưu tầm, khảo cứu từng lĩnh vực, thể loại như di sản chữ Hán về thơ văn, liễn đối, hoành phi, văn bia… Có như vậy, công tác bảo tồn, sưu tập di sản Hán Nôm ở Huế được tiến hành đồng bộ và có cơ sở vững chắc, bền vững.

Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học nhằm tập hợp các ý kiến của các nhà quản lý văn hoá, các nhà nghiên cứu văn hoá Hán Nôm liên quan đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị của hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

3.2. Có chiến lược lâu dài về công tác bảo tồn và phát huy giá trị, trong đó tập trung áp dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật mới nhất vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy hệ thống kiến trúc triều cung đình Huế, chú trọng ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin phục vụ cho việc xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về di tích, thư viện và bảo tàng, ứng dụng các giải pháp tối ưu vào việc bảo quản di tích, sử dụng các vật liệu được chọn lựa cho việc tu bổ di tích; ứng dụng công nghệ 3D trong việc phục dựng không gian di tích.      Đẩy mạnh công tác triển khai áp dụng công nghệ số để bảo tồn di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế. Theo đó sẽ sưu tầm, sao chụp, dập, số hóa, phiên âm dịch nghĩa các bài thơ để hình thành ngân hàng dữ liệu thơ văn chữ Hán phục vụ bạn đọc và công tác nghiên cứu lâu dài. Đây là giải pháp khoa học tối ưu để bảo tồn di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế trước nguy cơ hư hại bởi thời tiết và thời gian.

3.3. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến di sản thi ca trên kiến trúc cung đình Huế một cách thường xuyên và rộng rãi thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm và trên các phương tiện thông tin như tổ chức các hoạt động, trưng bày, triển lãm các di sản Hán Nôm tại các kỳ lễ hội, mở các cuộc thi viết thư pháp Hán Nôm, lập trang web, thư mục giới thiệu, quảng bá di sản chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế. Phối hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, nhà nghiên cứu Hán Nôm, nhà thư pháp trong lĩnh vực bảo tồn hệ thống thơ văn trên di tích thông qua việc trùng tu, bảo quản và nghiên cứu. Tập trung công tác nghiên cứu khoa học, chọn lọc và xuất bản các ấn phẩm liên quan đến di sản thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Tuyển chọn đưa vào trường học những tác phẩm tiêu biểu trong hệ thống thơ văn chữ Hán trên di tích kiến trúc cung đình Huế, qua đó giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ về giá trị và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

3.4. Cần có cơ chế và chính sách đào tạo, tăng cường và khuyến khích những người làm công tác quản lý, bảo tồn, bảo tàng, nhà trưng bày, nghiên cứu văn hóa học chữ Hán Nôm, đặc biệt là đội ngũ cán bộ ở các phòng chuyên môn, các Bảo tàng, tập huấn cho các nhà điêu khắc, nghệ nhân để khi tiếp cận loại hình di sản này ít ra phải đọc được nội dung cơ bản, biết được giá trị của từng tư liệu. Phối hợp với các cơ sở đào tạo đại học ở Huế như Khoa Ngữ văn của trường Đại học Khoa học Huế, Khoa Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Huế để mở các lớp phổ cập và nâng cao kiến thức về Hán Nôm cho cán bộ nghiệp vụ.

3.5. Mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản để tranh thủ sự hỗ trợ về vật chất và kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các quốc gia. Tiếp tục kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thành lập quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đặc biệt là di sản Hán Nôm.

Có thể nói, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một thư viện tư liệu đặc biệt, một di sản văn học nghệ thuật sống động mang tầm quốc gia và quốc tế. Qua việc tìm hiểu sâu về hệ thống thư viện thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, một lần nữa khẳng định tài năng sáng tác và những đóng góp to lớn của triều Nguyễn đối với văn hóa dân tộc, đồng thời nâng cao ý thức giữ gìn, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa Huế trong đời sống đương đại.

 

                                          Tài liệu tham khảo

1. Trần Lâm Biền (1987), “Vài nét quanh các bức phù điêu ở Huế”, Tạp chí Sông Hương, Số 25/6, Huế.

2. Vĩnh Cao, Phạm Đức Thành Dũng (Chủ biên) (2000), Khoa bảng và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, Nxb Thuận Hóa, Huế.

3. Phạm Đức Thành Dũng (2003), “Thử ghép những ô thơ chữ Hán trên đình Hương Nguyện - chùa Thiên Mụ”, Thông báo Hán Nôm năm 2003, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

4. Huỳnh Minh Đức (1994), Từ Ngọ Môn đến Thái Hòa Điện, Nxb Trẻ.

5. Trần Văn Giàu (1992), “Vài nhận xét về nhà Nguyễn” in trong Những vấn đề văn hóa -  xã hội thời Nguyễn, Nxb Khoa học xã hội, Tp. Hồ Chí Minh.

6. Nguyễn Tân Phong (1994), Về hai bài thơ hồi văn kiêm liên hoàn của vua Thiệu Trị, Nxb Thuận Hóa, Huế.

7. Nguyễn Phước Hải Trung (2012), “Thơ chữ Hán trên di tích Huế, một vài suy nghĩ”, in trong tập Huế xưa tìm lại, Nxb Hội Nhà văn.

8. Mai Khắc Ứng (1993), Lăng của Hoàng đế Minh Mạng, Nxb Hội Sử học Thừa Thiên Huế.

TS. Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở VHTTDL
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày