Định nghĩa về Văn hóa, trong tập cuối của tập thơ Nhật ký trong tù, mục đọc sách, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Văn hóa là tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Còn trong Đề cương văn hóa Việt Nam 1943, Đảng ta quan niệm Văn hóa bao gồm: Tư tưởng, học thuật (khoa học) và nghệ thuật (văn học nghệ thuật) với vai trò "Văn hóa soi đường quốc dân đi".
Với quan niệm ấy, ngay từ khi mới thành lập (ngày 28/8/1945) với tên gọi Bộ Thông tin Tuyên truyền - tiền thân của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày nay, Bộ đã phát huy vai trò xung kích của mình trên mặt trận văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội ngày 24/11/1946, phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ". Đây cũng chính là kim chỉ nam xuyên suốt mọi hoạt động của ngành Văn hóa. Đến Hội nghị lần 2, tổ chức vào tháng 7/1948, Người kêu gọi: "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến".
9 năm kháng chiến chống pháp, văn hóa có mặt trên mọi mặt trận, trở thành động lực tinh thần thức tỉnh, động viên các tầng lớp nhân dân đồng lòng chống thực dân Pháp, từng bước đưa cuộc kháng chiến đến thành công.
Năm 1954, sau hội nghị Giơnevơ về hòa bình lập lại ở Việt Nam, đất nước bị chia cắt làm hai miền, giai đoạn này sự nghiệp văn hóa thông tin được phát triển toàn diện với hai phong trào nổi bật: “Tiếng hát át tiếng bom” và “Đọc sách có hướng dẫn”. Sức mạnh mềm của văn hóa đã phát huy tác dụng mạnh mẽ khi hun đúc tinh thần yêu nước, căm thù quân xâm lược trong nhân dân. Đây là thời gian GS Hoàng Minh Giám làm Bộ trưởng.
Tháng 6/1976, Chính phủ tổ chức lại Bộ Văn hóa, GS Nguyễn Văn Hiếu làm Bộ trưởng. Trong bối cảnh đất nước hòa bình, ngành Văn hóa đã chủ động vượt qua những khó khăn, thách thức phát triển toàn diện với một chất lượng mới trên phạm vi cả nước.
Sau Đại hội lần 6 của Đảng, trước yêu cầu đổi mới, đồng chí Trần Văn Phác làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa. 3 năm sau, một tổ chức mới được hình thành hợp nhất 4 cơ quan: Bộ Văn hóa, Bộ Thông tin, Tổng cục Thể dục thể thao, Tổng cục Du lịch thành Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch do đồng chí Trần Hoàn làm Bộ trưởng.
Năm 1998, nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" ra đời mở ra thời kỳ mới cho sự nghiệp văn hóa. Trong Nghị quyết này, Đảng ta quan niệm: Văn hóa là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần của xã hội, thể hiện trình độ phát triển chung của một đất nước, một thời đại, là lĩnh vực sản xuất tinh thần tạo ra những giá trị văn hóa.
Bám sát 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản, 10 nhiệm vụ cụ thể và 4 giải pháp chủ yếu để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới, toàn ngành đã phấn đấu vượt nhiều khó khăn, tiếp tục khẳng định những thành tựu trong quá trình đổi mới.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết chuyên đề về Văn hóa của Đảng, nhiều thành tựu đã được xác lập trong lĩnh vực văn hóa. Cụ thể, vị trí, vai trò của văn hóa truyền thống được đề cao, tư tưởng, đạo đức, lối sống của người Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực; thể chế, thiết chế văn hóa được củng cố, tăng cường về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng; vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế ngày càng được chú trọng; công tác tu bổ, tôn tạo, bảo tồn di sản văn hoá đạt được nhiều kết quả tốt.
Mặt khác, từ việc xây dựng các văn bản pháp quy đến việc đưa các di sản đến với thế giới; đời sống văn hóa cơ sở đã có bước phát triển mới; nhận thức về giá trị di sản văn hóa và truyền thống văn hoá được nâng cao; xã hội hóa hoạt động văn hóa được đẩy mạnh, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa, hoạt động sân khấu, văn nghệ quần chúng; giao lưu, hợp tác, hội nhập văn hóa quốc tế từng bước được mở rộng.
Đội ngũ sáng tác, biểu diễn ngày càng đông, hoạt động nghệ thuật biểu diễn phong phú; đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa ngày một trưởng thành. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có tác động to lớn đối với việc xây dựng gương người tốt việc tốt, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, việc xoá đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã, phường, khu phố văn hóa..., góp phần ổn định chính trị, giữ gìn, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nếp sống văn hóa, môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở.
Đặc biệt, từ năm 2007 (ngày 31/7/2007 tái lập Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện chức năng nhiệm vụ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực), toàn ngành đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn và các hoạt động của chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; hoàn thành việc xây dựng các đề án lớn triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới"; đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2010; Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; Quy hoạch phát triển thể dục thể thao đến năm 2010, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; triển khai thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Đặc biệt, Bộ đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng Nghị quyết Trung ương 33 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Hành trình 70 năm nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, ngành Văn hóa đã và đang chứng tỏ vai trò là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Việc chấn hưng nền văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN xã hội chủ nghĩa là những minh chứng hùng hồn khẳng định sự nhất quán, sức sống bền vững của đường lối văn hóa, văn nghệ đúng đắn đã được Đảng ta vạch ra từ Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, với kim chỉ nam: "Văn hóa soi đường quốc dân đi".