Ngành du lịch đón trước "cửa ngõ" TTP
Lượt đọc: 93280Thời gian: 10:39 - 02/12/2015

(VHH) - Trong các ngày 30/09 đến 05/10/2015, Bộ trưởng phụ trách thương mại của các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã họp tại Atlanta, Hòa Kỳ, để tìm kiếm thỏa thuận nhằm kết thúc toàn diện đàm phán Hiệp định TPP.

Sau 5 ngày đàm phán khẩn trương, các Bộ trưởng đã đạt được đồng thuận về tất cả các vấn đề tồn tại. Sáng ngày 05/10/2015 (theo giờ Atlanta), các Bộ trưởng đã ra tuyên bố chính thức về việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP. Hiệp định TTP dự kiến sẽ được phê duyệt ở 12 nước và có hiệu lực từ tháng 1-6/2018.

Tham gia TPP, lĩnh vực du lịch của Việt Nam sẽ tăng trưởng đáng kể do sự gia tăng của dòng khách nội khối tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Việc nới lỏng điều kiện di chuyển sẽ thúc đẩy nhu cầu đi lại, tạo ra xu thế chuyển dịch giữa các nước TPP, tuy nhiên, để nắm bắt được tốc độ tăng trưởng bền vững, vẫn còn nhiều việc phải làm và cần bắt đầu những thay đổi trong từng mảng nhỏ...

Công nghệ di động: tâm điểm của trải nghiệm

Ngành du lịch Việt Nam đã tăng trưởng trở lại, kết thúc chuỗi 13 tháng suy giảm liên tục từ cuối năm 2014. Ba quý đầu năm 2015, ngành du lịch Việt Nam đã đón gần 5,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 48,8 triệu lượt khách nội địa (khách lưu trú đạt 23,4 triệu lượt), tổng thu từ khách du lịch đạt 269.458 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2014.

Tuy nhiên, tại Hội thảo “Hotel 2020: Welcome tomorrow’s guests” do Grant Thornton Việt Nam tổ chức, trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo cao cấp Tổng cục Du lịch cho biết, mức tăng trưởng đã trở lại nhưng mới chỉ đạt ngưỡng trước khi suy giảm.

“Điều này có nghĩa, ngành du lịch cần phải có những động thái cụ thể để thu hút khách, đặc biệt sau khi Việt Nam đã tham gia TPP”, vị lãnh đạo này nói.

Trong cuộc nói chuyện với ĐTCK, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế chia sẻ, bạn bè và cả các đối tác người nước ngoài thường than phiền với ông về cách làm du lịch của Việt Nam. “Họ nói, chúng tôi không có hứng thú du lịch đến một đất nước mà muốn tìm hiểu rõ về một khách sạn nào đó phải qua một công ty...”., ông Hiếu kể.

Trong khi đó, tại buổi Hội thảo, các thông tin cho biết, những thiết bị di động thông minh đem đến cơ hội lớn cho các khách sạn để cá nhân hoá các trải nghiệm của khách hàng. Một nghiên cứu của InterContinental Hotels Group cho biết, 46% thế hệ trẻ đồng ý rằng việc có thể sử dụng thiết bị di động để làm thủ tục nhận/trả phòng sẽ khuyến khích họ quay trở lại.

Theo một nghiên cứu thị trường của công ty Mintel (Anh), 28% người sở hữu điện thoại thông minh hay máy tính bảng sử dụng thiết bị di động để nghiên cứu lần lưu trú tại khách sạn gần nhất của họ.

"Bạn bè và cả các đối tác người nước ngoài thường than phiền với tôi về cách làm du lịch của Việt Nam. Họ nói, chúng tôi không có hứng thú du lịch đến một đất nước mà muốn tìm hiểu rõ về một khách sạn nào đó phải qua một công ty..." - TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Bà Gillian Saunders, Giám đốc toàn cầu ngành khách sạn Grant Thornton cho biết, vài khách sạn đã đầu tư đáng kể vào kỹ thuật số. Một ví dụ là Meliá Hotels International đã cam kết đầu tư 1 triệu USD vào công nghệ kỹ thuật số và marketing kỹ thuật số trong 3 năm tới. Trong khi đó, Accor cam kết dành 225 triệu USD cho dự án đổi mới kỹ thuật số quy mô lớn. “Để cạnh tranh, những khách sạn khác cần phải hành động nhanh chóng hoặc sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu...”, bà Gillian nói.

Đồng quan điểm này, nhưng Adrian Richards, Giám đốc ngành nhà hàng du lịch khách sạn Grant Thornton Anh nhấn mạnh thêm, khi đẩy mạnh đầu tư vào di động, các khách sạn phải hiểu được những rủi ro tồn tại xung quanh việc giảm tương tác trực tiếp giữa con người trong các trải nghiệm khách sạn và rủi ro trong bảo mật dữ liệu. Để giải quyết vấn đề này, khách sạn cần phải tiếp cận gần hơn với khách hàng và người tiêu dùng trong những năm tới để xác định chỗ nào công nghệ di động mới thực sự đem lại giá trị...

“Thực tế, để vận hành ‘cỗ máy’ kỹ thuật số này lại đòi hỏi một nguồn nhân lực tương xứng”, một lãnh đạo Eastin Easy GTC Hanoi nhận định.

Và bài toán tuyển dụng nhân tài

Thực tế, ngành khách sạn đang cạnh tranh tìm kiếm chuyên viên kỹ thuật số. Đây là một cuộc chiến diễn ra trên nhiều lĩnh vực. Hầu như mọi ngành khác đều giành giật các chuyên gia kỹ thuật số. Khi các doanh nghiệp tái cơ cấu hoạt động xoay quanh kỹ thuật số, nhu cầu về kỹ năng công nghệ sẽ tăng đột biến, từ các chuyên gia lập chiến lược kỹ thuật số đến các nhà khoa học dữ liệu và lập trình viên.

Tuy nhiên, các ý kiến trong Hội thảo đều cho rằng, việc tuyển dụng nhân tài không phải là ưu tiên duy nhất của ngành khách sạn, mà ban lãnh đạo cũng nên cân nhắc lại hoạt động đào tạo nội bộ... Trong vài năm tới, ngành khách sạn cần tập trung vào phát triển kỹ năng cho những nhân viên này, về việc chuyển đổi các phân tích dữ liệu phức tạp của bộ phận hỗ trợ thành những hệ thống dễ sử dụng và thân thiện với người dùng, cho phép bộ phận tiếp tân có thể cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng.

"Cuộc cạnh tranh tìm kiếm nhân tài diễn ra rất khốc liệt và nhiều lúc đòi hỏi tư duy sáng tạo, ví dụ như hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác chiến lược bên ngoài. Nhà kinh doanh khách sạn nào có thể điều hướng hoạt động kinh doanh dựa trên phân tích và hành động theo dữ liệu sẽ là người chiến thắng vào năm 2020", Erik Janse, Giám đốc ngành dịch vụ công nghệ thông tin, ConQuaestor Grant Thornton chia sẻ.

Bà Gillian nhấn mạnh: "Nỗ lực tuyển dụng nhân tài kỹ thuật số của các khách sạn sẽ trở thành vô ích nếu họ không trang bị những thiết bị công nghệ cần thiết cho những nhân tài đó".

Theo Hà An (TTCK)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày