Kiêng quét nhà
Một trong những điều kiêng kị ngày Tết mà người Việt Nam nào cũng biết là kiêng quét nhà, đổ rác trong 3 ngày đầu năm. Tục lệ này bắt nguồn từ quan niệm thần Tài ngự trị trong gia đình những ngày này. Nếu quét nhà, đổ rác nghĩa là hất đi hết tài lộc, thần Tài sẽ đi mất và cả năm đó gia đình sẽ gặp cảnh nghèo túng, khánh kiệt.
Bởi thế, các gia đình Việt thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ trước Tết, đặc biệt vào ngày 30. Từ thời khắc giao thừa trở đi, mọi người đều không đổ rác, nếu có bụi thì quét và để gọn trong góc nhà.
Kị xin lửa
Trong ngày Tết, người Việt tuyệt đối không muốn cho lửa và xin lửa. Bởi ngọn lửa có màu đỏ, tượng trưng cho điều may mắn, cho lửa nghĩa là cho đi may mắn của gia đình mình.
Nhà nào dùng bếp than thì phải để ý không được để bếp tắt vào dịp đầu năm. Theo duy tâm thì bếp tắt đồng nghĩa với việc gia chủ sẽ mất đi may mắn, gặp túng bấn, làm ăn thua lỗ, hay gặp tai bay vạ gió trong năm tới.
Kiêng vay mượn, đòi tiền dịp đầu năm
Nếu lửa là biểu tượng của sự may mắn thì tiền lại tượng trưng cho tài lộc. Và năm mới, người ta thường mở cửa đón tài lộc vào nhà. Bởi vậy, từ xưa ông cha ta đã quan niệm không nên vay tiền, mượn đồ đạc người khác vì đó là dấu hiệu cho thấy một năm túng bấn và nghèo khó.
Bên cạnh đó, những ai có nợ nần đều cố gắng thu xếp để trả trước Tết vì không muốn “dông” cả năm, không muốn bị đòi tiền và trả nợ vào đầu năm. Vì việc trả nợ giống như đưa tài lộc của mình cho người khác.
Kiêng chúc Tết người đang ngủ
Năm mới đến chúc Tết bạn bè, họ hàng, người thân, bạn nên tay bắt mặt mừng chúc tụng. Nhưng nếu thấy có người đang nằm ngủ trên giường thì tốt nhất nên “lờ” đi và không chúc Tết người đó. Bởi những lời chúc tốt đẹp của bạn với người đang ngủ khi đó có thể được coi như lời trù ẻo muốn người đó nằm trên giường bệnh. Do đó, nếu thực tâm muốn chúc Tết, khách sẽ đợi người đó ngủ dậy.
Những gia đình có tang kiêng đi chúc Tết
Nhà nào có đại tang thì tuyệt đối kị việc đi chúc Tết và mừng tuổi làng xóm, bạn bè, vì hành động này bị coi là mang đến điều buồn đau, không may mắn cho gia đình người khác.
Nhà nào không may có người mất trong dịp Tết cũng không được phát tang vội để không ảnh hưởng đến niềm vui chung của hàng xóm, láng giềng trong dịp Tết đến xuân về khi vạn vật đang khởi bừng sức sống.
Nếu gia đình có người mất vào ngày 30 Tết, tốt nhất nên chôn cất trong ngày đó, tránh để sang mùng 1. Còn nếu người mất vào mùng 1 Tết thì phải chờ sang mùng 2 mới được phát tang.
Không cho nước vào đầu năm
Nước là 1 trong số 5 yếu tố tạo nên vũ trụ và được xem như nguồn tài lộc, sự sinh sôi, dồi dào. Thế nên trong ngày Tết, người Việt thường chúc nhau "Tiền vào như nước". Ngày nay, một số vùng nông thôn Việt Nam vẫn có tục lệ đổ đầy nước vào bể, vại hoặc chum vì tin rằng nếu làm thế, tiền bạc, của cải sẽ tới "nhiều như nước". Đó cũng là lý do khiến cho nước trở thành điều kiêng kị ngày Tết nếu không muốn tiền tài, danh lợi sẽ bị mất.
Kiêng giặt quần áo
Theo tục lệ cổ, mùng 1 và mùng 2 Tết là ngày sinh của Thủy thần. Do đó con người không được giặt quần áo vì dễ mạo phạm tới thần linh và gặp xui xẻo.
Không mở tủ vào mùng 1
Một trong những điều kiêng kị ngày Tết mà ông bà hay nhắc con cháy là không mở các loại tủ vào ngày đầu tiên của năm mới. Bởi theo tín ngưỡng dân gian, mở bất kỳ loại tủ nào trong ngày đầu năm mới sẽ khiến vận khí, tiền tài thất thoát. Đó cũng là lý do giải thích vì sao người xưa thường treo sẵn quần áo mặc đón Tết ra ngoài trước thời khắc giao thừa.
Kị to tiếng, nói điều gở
Người Việt quan niệm mọi hành động, sự việc xảy ra ngày Tết – những ngày đầu năm mới sẽ ảnh hưởng lớn tới cả năm đó. Nên để tránh những cãi vã, xung đột thì việc nói to tiếng, nói điều gở (hỏng bét, chết rồi, chán thật…) với nhau trong ngày Tết là kiêng kị. Những ngày này, dù con cái có mắc lỗi thì bố mẹ cũng chỉ nhẹ nhàng khuyên bảo chứ không to tiếng quát mắng như thường ngày.
Kiêng xuất hành vào ngày xấu
Ngày xấu nhất trong quan niệm của người Việt là mùng 5 Tết, vì đây là ngày nguyệt kị. Bởi thế mới có câu ca dao: “Mồng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi cũng lỗ nữa là đi buôn” và người Việt cũng kiêng kỵ ra ngoài đường vào ngày mùng 5 Tết.
Món ăn kiêng kị
Một số món ăn trở thành điều “kiêng kị ngày Tết” cũng như những ngày đầu tháng âm lịch là thịt chó, mực, thịt vịt, cá mè, tôm... Người Việt quan niệm nếu ăn những món này vào ngày đầu năm, đầu tháng thì sẽ gặp điều xúi vì “đen như mực”, “bơi như vịt”, đi giật lùi như tôm...
Không làm rơi, vỡ đồ
Đánh rơi, vỡ đồ được xem là điều kiêng kị ngày Tết bởi người Việt cổ quan niệm “rơi”, “vỡ”, “bể” là những từ để chị sự chia cắt, đứt lìa, khổ đau, buồn tủi nếu ứng vào trong mối quan hệ gia đình và xã hội sẽ mang lại điều không may mắn. Do đó, trong ngày Tết mọi người đều rất cẩn trọng không làm rơi vỡ bát đĩa, ấm chén.
Kị mặc đồ màu đen, trắng
Nếu là người duy tâm, bạn sẽ biết màu đen, trắng là hiện thân của sự tang tóc, chết chóc. Vậy nên trong ngày đầu năm mới, người Việt không mặc những “màu đau buồn, tiếc thương” này mà chọn quần áo màu sắc sặc sỡ, vui vẻ, phấn chấn với mong muốn có một năm mới vui vẻ là luôn tràn ngập hạnh phúc.
Không mua dao, thớt, chày, cối...
Dao, thớt, chày, cối... trong quan niệm của người Việt là những đồ vật có tính sát khí cao. Do đó, mua dao, thớt, chày, cối là điều kiêng kị ngày Tết ai cũng phải nhớ trong những gnày đầu năm.
Kị đứng, ngồi trước cửa
Đứng, ngồi trước cửa vào ngày đầu năm sẽ bị coi là án ngữ trước cửa chính, chắn luồng khí tốt lành của năm mới vào nhà. Người Việt cổ tin rằng đứng, ngồi trước cửa sẽ làm vượng khí, tài lộc của gia đình bị hao tán và sẽ không mang lại hạnh phúc, may mắn.