Giai đoạn năm 2018 - 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã chủ trì, phối hợp Phân Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới xây dựng bộ hồ sơ khoa học và phục dựng lễ hội ADa Koonh truyền thống của người Pa Cô, huyện A Lưới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Lễ hội ADa Koonh (Lễ hội mừng lúa mới) của người Pa Cô, được thực hiện thông qua rất nhiều nghi lễ: Nghi lễ a xa a rah ( Lễ tẩy rửa), Nghi lễ Cha chootq ( Lễ chuẩn bị), Nghi lễ Ka coong tro ( Lễ mời mẹ lúa), Lễ cúng A da (các vị giống cây trồng), Lễ cúng cho Giàng Xứ ( giàng sông, suối, gió, núi, mây, lửa, đất, đường xá…), Lễ cúng Giàng Ku muuiq. ( Những người đã khuất ), Lễ cúng Giàng Pa nuôn ( Vị thần chở che khi đi buôn bán), Lễ cúng Giàng A zel, Lễ cúng Giàng Cợt ( Vị thần ban tặng con người), Lễ cha đooi âr beh ( Lễ ăn cơm mới)…
Lễ hội ADa Koonh không ấn định khoảng cách thời gian tổ chức, năm nào cả làng được mùa lớn thì tổ chức lễ hội diễn ra vào khoảng tháng 12 âm lịch. Lễ hội ADa Koonh là một trong những nét tinh hoa văn hóa tốt đẹp, độc đáo luôn được gìn giữ, phát huy và duy trì tổ chức. Lễ hội nhằm thể hiện lòng thành kính biết ơn đến các vị thần linh đã che chở phong ba bão táp, điều hòa khí hậu để mùa màng tươi tốt bội thu, tạ ơn đến các mẹ giống cây trồng, đặc biệt là mẹ lúa đã nuôi dưỡng các lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác lớn lên và trưởng thành. ADa cũng là lễ hội khẳng định tình cảm gắn bó thiêng liêng, sống chết có nhau, no đói cùng nhau của con cháu bản làng.
Sau khi được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban nhân dân huyện A Lưới thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội này.