Phát huy các giá trị hiện vật, bảo vật sau khi di dời về vị trí mới.
Lượt đọc: 27332Thời gian: 16:26 - 10/05/2020

(VHH) - Sáng ngày 10/5, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã có buổi kiểm tra, chỉ đạo công tác di dời các hiện vật, bảo vật trong nhà tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế về vị trí mới 268 Điện Biên Phủ, thành phố Huế.

 

Từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế đã là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược nên luôn được lựa chọn để xây dựng thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... Chính điều này đã làm cho Huế có mật độ di tích lịch sử văn hóa dày đặc, nhiều loại hình phong phú. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu...; cùng hàng vạn hiện vật quý hiếm, hàng ngàn bài thơ chữ Hán được chạm khắc trên các công trình kiến trúc, trên hệ thống bia ký và văn bản Hán Nôm đã thể hiện tính sáng tạo cùng những nội dung mang triết lý nhân văn sâu sắc. Di sản văn hoá Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa thế giới vào ngày 11/12/1993, và Âm nhạc Việt Nam - Nhã nhạc Cung đình Huế được công nhận (7/11/2003) là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại… Huế cũng là nơi có hệ thống di tích lịch sử cách mạng rất quy mô, có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng quý báu và có nhiều hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Huế cũng là nơi tập trung nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều đình chùa, đền miếu và niệm phật đường, hầu hết những công trình này đều mang giá trị kiến trúc độc đáo luôn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Các di sản này luôn được du khách quan tâm, mọi người muốn tìm hiểu các giá trị kiến trúc độc đáo và cảm nhận về các giá trị tinh thần.

Sự hội tụ, kết tinh của di sản Huế còn được thể hiện qua nhiều loại hình độc đáo như: Di sản văn hóa Chăm pa, di sản văn hóa phi vật thể Ca Huế (được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015, đang xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hoá truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại), Ca kịch Huế, cùng các loại hình nghệ thuật như: Tuồng, lễ hội cung đình Huế, mỹ thuật Huế, nghề thủ công truyền thống như đúc đồng, chạm khảm, đan lát, nghề gốm... đã thể hiện tính chất lao động, đời sống tinh thần của cư dân xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế hiện nay đang lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật, bảo vật lạ, quý hiếm, đáng chú ý mới đây, đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 88/QĐ-TTg về việc công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ chóp tháp Champa Linh Thái (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế), nâng tổng số bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế lên 35 bảo vật.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, Thừa Thiên Huế được khẳng định là một trung tâm văn hóa - du lịch, thành phố di sản, thành phố Festival, thành phố ASEAN của Việt Nam, là nơi tập trung một số lượng đồ sộ các di chỉ và di vật về nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của kho báu này tại Bảo tàng Lịch sử vẫn đang còn rất nhiều bất cập. Để phát huy giá trị này trong giai đoạn nâng cấp Bảo tàng tại vị trí mới, nhất là phát huy các giá trị về văn hóa Chămpa là hết sức cần thiết. Điều này sẽ góp phần làm tăng thêm sự hấp dẫn của Cố đô Huế đối với các nhà nghiên cứu, các nhà tài trợ và du khách thập phương; đồng thời, đây cũng là mục tiêu để phục vụ phát triển du lịch, góp phần vào xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ yêu cầu: Sau khi di dời về vị trí mới, Bảo tàng cần tiếp tục thực hiện tốt các chức năng bảo tồn, đổi mới phương pháp trưng bày để phát huy tài sản vô giá hiện vật, bảo vật của các thế hệ tiền nhân để lại, đặc biệt là các bảo vật quốc gia, các hiện vật lạ, hiếm; làm tốt công tác quảng bá các hiện vật, bảo vật này trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt cần ứng dụng các công nghệ hiện đại để số hóa, lưu trữ, trưng bày các hiện vật, bảo vật tạo ra nhiều trải nghiệm mới cho du khách tham quan.

svhtt.thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày