(VHH) - Sáng ngày 28/5, Đoàn công tác của Sở Văn hóa và Thể thao do đồng chí Phan Thanh Hải - TUV, Giám đốc Sở làm trưởng đoàn đã có chuyến kiểm tra, đánh giá hiện trạng để tiến hành triển khai thực hiện tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích lịch sử Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế. Di tích thuộc địa phận phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Đây là di tích lịch sử cấp Quốc gia được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận vào ngày 13/02/1996.
Từ thắng lợi to lớn trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 của nhân dân miền Nam đã làm nức lòng bè bạn gần xa trên thế giới, buộc địch lung lay ý chí xâm lược. Trong thắng lợi đó đã có một phần đóng góp không nhỏ của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế. Di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là một trong những di tích lịch sử gắn liền với sự kiện lịch sử, chứng minh hùng hồn, ý chí cách mạng của quân và dân Trị Thiên Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Điển hình là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Chiến dịch đã được Đảng, Chính phủ, Bác Hồ tặng cho tám chữ vàng “Tấn công - nổi dậy - anh dũng - kiên cường”. Địa đạo là một kiểu trụ sở của Bộ chỉ huy chiến dịch, một kiểu “Cơ quan” của Quân khu, của Khu ủy và Thành ủy Huế được xây dựng ở vùng rừng núi, góp phần làm phong phú và đa dạng các loại kiểu địa đạo của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thể hiện sự thông minh, sáng tạo của lãnh đạo Quân khu Trị Thiên Huế trong việc xây dựng căn cứ cách mạng, làm giàu thêm kho tàng nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của quân đội ta...
Với ý nghĩa đó, nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di tích này, mới đây ngày 21/5/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1221/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt điều chỉnh về việc tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được UBND tỉnh giao Ngành Văn hóa và Thể thao triển khai thực hiện nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, đồng thời đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra, trong đó xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế phải trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, của vùng, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông - Tây và con người Huế; xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế trong giai đoạn tới…
Việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế cũng nhằm mục đích tuyên truyền cho thế hệ trẻ về những giá trị lịch sử của di tích, về cuộc kháng chiến gian khổ, hào hùng của thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương cho ngày độc lập; đáp ứng mong mỏi của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người từng sống và chiến đấu tại địa đạo; mở hướng phát triển du lịch gắn di tích với tiềm năng sinh thái cảnh quan thân thiện với môi trường.
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho biết, việc triển khai nhiệm vụ này dựa trên cơ sở bảo tồn nguyên trạng trong lòng địa đạo của di tích sẽ kết hợp với việc xây dựng mới các công trình phụ trợ như: xây dựng phục hồi các cửa địa đạo; Phục dựng lại bếp nấu ăn, hầm cảnh vệ, xây dựng cầu tàu ở bến thuyền tại chân đồi, phát quang tuyến đường, xây dựng hệ thống biển chỉ đường đi đến di tích; biển giới thiệu di tích; nhà bia giới thiệu giá trị lịch sử và tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã chiến đấu hy sinh tại địa đạo Khu ủy, chòi nghỉ tạo điểm nhấn và nơi dừng chân của du khách khi đến tham quan địa đạo và hệ thống phòng cháy chữa cháy khu vực di tích.