Cùng tham dự hội nghị có đại diện Phòng cảnh sát Giao thông đường thủy, các đơn vị liên quan, các tổ viên trong Tổ Liên ngành và hơn 50 cá nhân là đại diện chủ thuyền du lịch phục vụ hoạt động ca Huế, đại diện chủ doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ ca Huế trên sông Hương.
Đây là hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là ca Huế trên sông Hương; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn minh... trong quá trình tham gia hoạt động nghệ thuật nói chung và tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương nói riêng đối với các cá nhân là chủ thuyền, người điều khiển thuyền du lịch phục vụ hoạt động ca Huế.
Tại Hội nghị, các chủ doanh nghiệp, chủ thuyền du lịch được nghe các báo cáo viên phổ biến những quy định liên quan đến tổ chức, biểu diễn nghệ thuật; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật; quy định xử phạt trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật; các quy định tại Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về hoạt động biểu diễn và tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên địa bàn và một số Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định số 09/2016/QĐ-UBND ngày 28 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh; một số quy định về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; các quy định về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID - 19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nguyễn Thiên Bình nhấn mạnh: Ca Huế và Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân Cố đô Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của ca Huế đã được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai và bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng. Ca Huế đang từng bước khẳng định giá trị trong đời sống văn hóa nghệ thuật và trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Tuy nhiên, để trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc của Huế, đáp ứng thị hiếu của người thưởng thức cũng như thị trường du lịch thì nghệ thuật Ca Huế và Ca Huế trên sông Hương đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức từ hình thức tổ chức, chất lượng nghệ thuật, phong cách biểu diễn, công tác quản lý dịch vụ, đảm bảo an toàn trên sông, quảng bá sản phẩm...
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang xây dựng Đề án "Phát huy giá trị và xây dựng Ca Huế trở thành sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc giai đoạn 2020-2025"; đồng thời, Tỉnh cũng đang xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật Ca Huế” để đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hoạt động này nhằm khẳng định và tôn vinh Ca Huế - một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, đặc sắc Huế nói riêng và của người Việt nói chung... Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản...