Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Khoa Điềm, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Văn hóa Trung ương; ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cùng các nhà khoa học đến từ Trung ương, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các nhà nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vào tối ngày 8/10/1960, lễ kết nghĩa giữa ba thành phố lớn Hà Nội - Huế - Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) được tổ chức trọng thể đúng vào dịp Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 950 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Việc kết nghĩa này có ý nghĩa chính trị sâu sắc, mở ra phong trào kết nghĩa giữa các địa phương hai miền Nam - Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng chính vì vậy, Huế và cá miền Nam luôn gắn liền với sự chi viện của Hà Nội và miền Bắc ruột thịt. Kết tinh cao đẹp của sự đoàn kết Hà Nội - Huế - Sài Gòn là thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta với chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong suốt 60 năm qua, Hà Nội - Huế - Sài Gòn càng gắn bó keo sơn, tình nghĩa. Mối quan hệ giữa Thăng Long với Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế đã hơn 700 năm và giữa Phú Xuân - Huế với Sài Gòn - Gia Định cũng hơn 320 năm. Với bề dày lịch sử của 3 trung tâm chính trị, văn hóa từng giữ vị trí hàng đầu của đất nước gắn bó trong một chính thể thống nhất là “cây một cội là con một nhà” có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận và thực thực tiễn, không những là xu thế khách quan của lịch sử mà còn là tình cảm chính đáng của Nhân dân 3 miền, là sức sống mãnh liệt của dân tộc, trở thành động lực phát triển đất nước. Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội, Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh đã đoàn kết gắn bó, son sắt một lòng, cùng cả nước vượt qua bao khó khăn thử thách, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cùng với cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta lãnh đạo, giữa Đảng bộ, nhân dân ba thành phố kết nghĩa đã không ngừng nảy nở những tình cảm tốt đẹp, quan hệ gắn bó keo sơn và luôn được các thế hệ trân trọng gìn giữ và phát huy.
Trong dòng chảy lịch sử, các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa, phát triển đô thị của 3 địa phương mang tính quốc gia và quốc tế; mỗi một di sản, một sự kiện lịch sử của mỗi địa phương đều mang ý nghĩa đặc biệt trong sự giao thoa, tương hỗ, kế thừa của hành trình mở cõi và giữ nước của dân tộc ta. Tất cả những vấn đề đó đã và đang được tiếp tục nghiên cứu làm rõ, trở thành chủ đề quan trọng của những người nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tôn giáo, kiến trúc đô thị và cả những nhà quản lý. Mà biểu hiện sinh động là sự có mặt của tất cả chúng ta tại hội thảo khoa học tầm vóc hôm nay.
Với chủ đề này, Hội thảo đã nhận được 29 bài viết, tập trung vào 3 nội dung chính: Hà Nội - Huế - Sài Gòn với sứ mệnh dân tộc trong quá trình lịch sử; Mối quan hệ Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong quá trình lịch sử; Những giá trị đặc trưng của ba Đô thị Văn hiến Hà Nội - Huế - Sài Gòn.
Hội thảo lần này, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, khoa học đã được nghe các tác giả đã trình bày 7 tham luận xoay quanh 3 chủ đề chính nêu trên nhằm nghiên cứu về ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa cùng mối quan hệ mang tính đặc trưng của ba đô thị văn hiến Hà Nội - Huế - Sài Gòn. BTC Hội thảo cho biết, tất cả những bài viết đăng trong tập Kỷ yếu hội thảo lần này được các tác giả công phu tim tòi, khám phá, nghiên cứu cẩn thận. Đây là tài liệu khoa học nhằm đánh giá một cách khách quan lịch sử vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế vùng đất mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần đặc trưng của Việt Nam và mối quan hệ lịch sử của Hà Nội - Huế - Sài Gòn, để từ đó có cách nhìn đúng đắn trong việc hoạch định chính sách bảo tồn, phát triển cho hiện tại và tương lai của tỉnh Thừa Thiên Huế mà trước mặt là tập trung xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Trình bày tham luận về mối quan hệ Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong lịch sử, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Chủ tịch Hội KHLS Thừa Thiên Huế, trong bài Huế trong dòng chảy lịch sử dân tộc và mối tương quan: Huế - Hà Nội - Sài Gòn đã có ý kiến: “Từ cái nôi đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Nghệ, trong suốt 1.000 năm qua, văn minh Việt đã không ngừng được chuyển tải mạnh mẽ về phương Nam thông qua trung tâm Phú Xuân - Huế để rồi sau đó hình thành một trung tâm khác ở Nam Bộ, đó là Sài Gòn - Gia Định. Bởi vậy, trong nghìn năm phát triển của Thăng Long - Hà Nội và của đất nước, Huế đã đóng góp một phần rất quan trọng.
Lễ kết nghĩa giữa ba thành phố “Hà Nội - Huế - Sài Gòn, là cây một cội là con một nhà”, thể hiện tư tưởng sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý ấy không bao giờ thay đổi". Sự kiện mang biểu tượng khẳng định cho ý chí sắt đá thống nhất tổ quốc của dân tộc Việt Nam. Mối tình thắm thiết keo sơn ấy đã ghi vào những trang sử vẻ vang của 3 tỉnh, thành và mãi khắc sâu trong lòng Nhân dân cả nước. Đó không chỉ là một khẩu hiệu chính trị, mà là một thực tế lịch sử.