Vậy điều gì đã làm cho lối sống, quan hệ ứng xử của thanh thiếu niên ở Huế giữ được những nét đẹp như thế? Có thể tìm câu trả lời cho câu hỏi này ở nhiều phương diện, nhưng có một phương diện mà ai cũng phải thừa nhận đó là nền móng giáo dục của gia đình, bởi gia đình là “cái gốc của con người”, là nơi con người được sinh ra, lớn lên; được nuôi dưỡng, chăm bẵm, dạy dỗ... Con người bắt đầu cuộc đời, bắt đầu sự nhận thức từ gia đình, và dù có đi đâu, làm gì thì cũng không thể quên, cũng phải trở về với gia đình.
Gia đình của người Huế, về cơ bản cũng giống như mọi gia đình trên đất nước ta, từ cơ cấu đến sinh hoạt, từ nếp sống đến cách ứng xử của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, đi sâu tìm hiểu trên một số phương diện thì nếp sống và cách giáo dục con cháu ở phần đông các gia đình nơi đây có nhiều cái tốt, cái hay cần được trân trọng giữ gìn, phát huy...
Vùng đất Thuận Hóa từng là thủ phủ của xứ Đàng Trong, là kinh đô của nước Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Nho giáo là cái nền tạo dựng nên nếp nhà, lệ làng, phép nước. Nho giáo tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau trong đời sống xã hội và mọi gia đình, giúp cho các bậc ông bà, cha mẹ lấy đó làm thước đo, làm phương pháp hữu hiệu để dạy dỗ, giáo dục cháu con. Từ xưa đến nay Huế là vùng đất học, các gia đình từ thành phố đến thôn quê, phú quý hay bần hàn đều rất quan tâm đến việc học hành của con cái. Theo Nho giáo, thuở xưa, các cụ thường dạy con cháu “gốc của thiên hạ ở nước”, “gốc của nước ở nhà”, “gốc của nhà ở mỗi người” . Thanh niên phải biết “tu thân, tề gia, trị quốc”, nữ giới thì sửa mình theo tứ đức: “công, dung, ngôn, hạnh”. Nho giáo đề cao Ngũ luân và Ngũ thường. Trong Ngũ luân đã có 3 mối quan hệ liên quan đến gia đình, đó là các mối quan hệ: cha-con, vợ-chồng, anh-em. Gia đình có êm ấm, có hạnh phúc thì xã hội mới an bình, mới bền vững. Để có được điều đó thì “trên phải từ (tức là thương yêu, nuôi nấng và dạy dỗ con cái), mà dưới phải hiếu” (tức là nghe lời, phụng dưỡng và biết ơn) (Trần Đình Hượu - Về gia đình truyền thống Việt Nam với ảnh hưởng của Nho giáo). Trong gia đình làm được điều đó thì ra ngoài xã hội, người ta cũng sẽ biết kính trên, nhường dưới, không ngỗ nghịch, độc ác, cướp giật, tranh giành... Truyền thống Nho giáo trong gia đình người Huế không chỉ được thể hiện ở chữ “trung”, chữ “hiếu”, chữ “đễ”, mà còn được nhấn mạnh ở chữ “lễ”, chữ “nghĩa”. Con cái phải biết kính trên, nhường dưới, đi đứng, nói năng phải lễ phép, lễ độ; ông bà, cha mẹ dạy dỗ cháu con; anh chị phải gương mẫu dạy bảo em út ngay từ những lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ, bước đi. Các gia đình ở Huế, trừ một số gia đình theo đạo Thiên Chúa, nhà nào cũng có bàn thờ Tổ tiên, Thần thánh. Ngày giỗ chạp, lễ tết được tổ chức nghiêm trang, trọng thể, có sự tham gia đông đủ của các thành viên trong gia đình (trừ những người đi làm ăn xa, hoặc bận công việc không về được). Đây chính là dịp để con cháu nhớ đến Tổ tiên, để bày tỏ lòng biết ơn và tự hứa với mình phải sống sao cho xứng đáng với bậc tiền nhân.
Gia đình ở Huế gắn bó mật thiết với gia tộc. Con cái không chỉ am tường về cha mẹ, anh em ruột thịt của mình mà còn phải biết đến gia đình bác chú, cậu dì, người trong họ nội, họ ngoại và phải sống, phải ứng xử sao cho không làm hổ thẹn gia tộc. Một thành viên nào đó trong gia tộc có hành vi, có việc làm xấu thì gia tộc cùng nhau họp lại góp ý, phê bình, giúp cho người mắc tội lỗi có cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Ngày nay, Nho giáo ở nước ta không thịnh hành như xưa nữa. Xã hội đã đổi thay thì cách sống của con người cũng đã mang nhiều nét mới, nhất là ở tầng lớp thanh thiếu niên. Dù vậy, phần đông các gia đình ở Huế, Nho giáo đã trở thành nền nếp gia phong. Việc giỗ chạp, cưới xin, chữ “hiếu”, chữ “hỷ”, những ngày lễ, ngày tết, lời chào hỏi khi gặp người quen, khách lạ, “đi thưa, về trình, gọi dạ, bảo vâng”; rồi sinh hoạt họ hàng, làng xóm, luật lệ, hương ước v.v.. xưa sao nay vậy. Tất cả đều có ý nghĩa tích cực, không nhiều thì ít giúp cho những lớp trẻ biết cách sống, cách ứng xử sao cho tốt đẹp lúc ở nhà cũng như khi ra đường, ra phố, tới công sở, trường học...
Các gia đình ở Huế thuở xưa và cả ngày nay nữa không chỉ coi trọng, chịu sự ảnh hưởng, sự tác động của Nho giáo mà còn rất đề cao và hướng theo, làm theo những điều tốt đẹp của một số tôn giáo khác đặc biệt là Đạo Phật. Ở Huế, trong các gia đình theo Đạo Phật không phải ai cũng thông hiểu kinh kệ, nhưng 14 điều Phật dạy thì họ hiểu biết khá đầy đủ. Từ những điều hiểu biết về kinh sách, những điều Phật dạy các bậc làm cha, làm mẹ dạy con cháu của mình, rèn dũa cho chúng trở thành những con người lương thiện, những người biết sống tử tế, có lòng từ bi, bác ái. Trong việc giáo dục con cái ở các gia đình có truyền thống Nho học, các gia đình theo đạo Phậtcó điểm chungđó làluôn định hướng cho con cháu ngay từ khi còn ở tuổi thanh thiếu niên phải biết hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, phải làm điều thiện, điều tốt, tránh điều ác, điều xấu. Nhờ có sự dạy dỗ, giáo dục con cái chu đáo và sự nỗ lực tu rèn của bản thân các thành viên trong gia đình từ đời này qua đời khác mà ở Huế đã hình thành, tồn tại và phát triển nhiều dòng họ khoa bảng, dòng họ có tay nghề giỏi, làm rạng danh cho quê hương, đất nước, như các dòng họ Tôn Thất, Nguyễn Khoa, Hà Thúc, Đặng Văn, Trần Minh v.v... Nhiều con em của các dòng họ này đã trở thành những nhân tài của nước ta trên nhiều lĩnh vực như y học, khoa học tự nhiên, văn chương, nghệ thuật v.v...
Thời nào cũng vậy, con người tốt hay xấu, bên cạnh sự nỗ lực rèn luyện, phấn đấu của bản thân thì môi trường sống và sự giáo dục của gia đình, của nhà trường, của xã hội bao giờ cũng là những yếu tố có tầm quan trọng lớn. Gia đình luôn là điểm tựa, là cội nguồn tình cảm, là cái nôi của sự yên lành, êm ấm. Văn hóa gia đình và sự giáo dục của gia đình ở Huế đã góp phần to lớn trong việc hình thành nhân cách của con người, giúp cho thanh thiếu niên khi bước vào đời thành những người có ích.