Khai mạc Triển lãm "Huế - Trăm năm đời sách"
Lượt đọc: 97496Thời gian: 00:52 - 22/04/2016

(VHH) - Chào mừng Festival Huế lần thứ IX - 2016 và hưởng ứng Ngày sách Việt Nam lần thứ 3, chiều ngày 21/4/2016, Văn phòng Sở VHTT&DL, Nhà Trưng bày tác phẩm nghệ thuật Điềm Phùng Thị phối hợp với nhà sưu tập Lê Duy Trường đã tổ chức Khai mạc triển lãm sách với chủ đề Huế - Trăm năm đời sách.

Đến dự Lễ Khai mạc có đ/c Nguyễn Thái Sơn - UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đ/c Ngô Hòa - Nguyên UVTV, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đ/c Phan Công Tuyên - Nguyên UVTV, Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đ/c Cao Chí Hải -Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Dự buổi lễ còn có các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa Huế, các sinh viên Trường Đại học Nghệ thuật cùng đại diện các sở, ban ngành, các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Triển lãm trưng bày hơn 300 đầu sách và bộ sách của những tác giả đã từng sống và làm việc ở Huế, những tác giả sinh ra và lớn lên ở Huế, sách của những nhà xuất bản tại Huế và những bộ sách viết về Huế giai đoạn 1932-1975; sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn; sách của những học giả trong và ngoài nước nghiên cứu về Huế xưa và nay giai đoạn 1976-2014; một số tạp chí, giấy tờ, bản hiệp ước giai đoạn 1932-1975... cùng nghệ thuật sắp đặt nhạc tờ. Triển lãm “Huế - Trăm năm đời sách” là hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, đồng thời còn là cơ hội phát triển văn hóa đọc, ý thức tích cực về việc đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối tượng học sinh - sinh viên.

Trong đó có 140 đầu sách và bộ sách của những tác giả từng sống, làm việc ở Huế; những tác giả sinh ra và lớn lên ở Huế; sách của những nhà xuất bản tại Huế và những bộ sách viết về Huế giai đoạn 1932-1975, triển lãm hội tụ tác phẩm của nhiều gương mặt học giả tên tuổi như Trần Trọng Kim, Phạm Khắc Hòe, Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Tùng Thiện Vương, Đào Duy Anh... và cả những tác giả gần đây như Nguyễn Hữu Thông, Trần Đức Anh Sơn, Huỳnh Đình Kết… Cùng với đó, người xem có thể tìm thấy không ít tư liệu có giá trị như ba cuốn từ điển bách khoa Việt Nam của Đào Đăng Vĩ (xuất bản năm 1960); An Nam chí lược của tác giả Lê Tắc do Viện Đại học Huế xuất bản năm 1961; cuốn Giản yếu Hán Việt từ điển, xuất bản năm 1932 hay cuốn Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán…

Riêng về chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, triển lãm giới thiệu trên 30 tác phẩm xuất bản chủ yếu trước 1975, bao gồm các tác phẩm thơ văn, dịch thuật của cụ Phan liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cụ cùng nhiều tác phẩm của nhiều tác giả, học giả viết về Phan Bội Châu như Chương Thâu, Nguyễn Huy Lê, Nguyễn Quang Thắng…

Triển lãm còn có 160 đầu sách và bộ sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn; của những học giả trong và ngoài nước nghiên cứu về Huế xưa và nay giai đoạn 1976-2014; một số tạp chí, giấy tờ, bản hiệp ước liên quan đến Huế giai đoạn 1932-1975. Bạn đọc cũng có thể tìm thấy ở đây những tác phẩm thú vị như cuốn “Bức thư bí mật của cụ Huỳnh Thúc Kháng trả lời cụ Kỳ ngoại hầu Cường Để”, xuất bản năm 1957. Hay cuốn Phong trào kháng thuế miền Trung năm 1908 qua các châu bản triều Duy Tân, xuất bản năm 1973, do học giả Nguyễn Thế Anh dịch thuật, biên soạn từ tư liệu châu bản triều Duy Tân để nhìn lại phong trào kháng thuế miền Trung đầu thế kỷ XX. Hay chương trình giảng dạy tại Đại học Văn khoa Huế những năm 1960...

Đặc biệt, triển lãm xuất hiện trên 30 bản nhạc tờ, với những tác phẩm bất hủ của Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Trịnh Công Sơn, Châu Kỳ, Dương Thiệu Tước, Duy Khánh…Đó là những bản nhạc in riêng lẻ, phần lớn do chính các nhạc sĩ tự xuất bản với những nét vẽ minh họa chân phương. Có những tờ nhạc được ấn hành từ những năm 1940 tại Huế…

Triển lãm sẽ mở cửa phục vụ khách tham quan từ ngày 21/4 đến hết ngày 07/5/2016.

Hữu An
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày