Sau nhiều vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng gần đây xảy ra trên toàn quốc như: Tàu Thành Luân 28 số hiệu HP-3016 đâm hỏng cầu An Thái ở Hải Dương; cầu Cơn Độ (Hà Tĩnh) bị xà lan đâm sập; tàu kéo xà lan đâm sập cầu Ghềnh (Đồng Nai)... Đặc biệt, hôm 4/6 vừa qua, vụ tai nạn nghiêm trọng lật tàu chở khách Thảo Vân 2 trên sông Hàn làm 3 người chết một lần nữa cảnh báo về tai nạn giao thông đường thủy. Mặc dù vụ tai nạn xảy ra gần 1 tuần nhưng dư luận vẫn còn bàng hoàng và lo lắng, nhất là khách du lịch đi các tuyến đường thủy nội địa.
Nguyên nhân chính các vụ tai nạn là do chủ phương tiện, người điều khiển của phương tiện không tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động của phương tiện; người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp; phương tiện chở quá số người được cho phép, các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực hiện nghiêm chỉnh quy định của nhà nước về việc cho phương tiện thủy nội địa ra vào bến.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra kiểm soát các phương tiện tàu vận chuyển, đảm bảo chở đúng số lượng người, có trang bị áo phao, phao cứu sinh để hạn chế thấp nhất tai nạn xảy ra; thành lập đoàn kiểm tra đi kiểm tra tại các địa phương có hoạt động giao thông đường thủy phức tạp.
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, từ nhiều năm qua, thuyền rồng chạy trên sông Hương đã trở thành một hình ảnh quen thuộc đối với du khách đến Huế. Mỗi ngày, có hàng chục chiếc thuyền rồng neo đậu san sát tại 03 bến thuyền lớn đó là bến thuyền Thiên Mụ, bến thuyền Lê Lợi và bến thuyền Tòa Khâm, TP Huế, để chờ đón khách du lịch.
Theo Quyết định số 31 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy nội địa, các doanh nghiệp hoặc chủ tàu thuyền muốn hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; bảo hiểm nhân sự; thuyền trưởng phải có bằng lái... Theo quy định, thuyền rồng trước khi xuất bến phải được kiểm tra giấy chứng nhận đăng kiểm và các giấy tờ liên quan.
Trên tinh thần đó, Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn số 806/SGTVT-VT về việc tăng cường công tác quản lý trật tự, ATGT đường thủy nội địa cho các đơn vị kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; UBND các phường, xã, thị trấn có bến thủy nội địa; Các đơn vị quản lý bến thủy nội địa; Đoạn Quản lý Đường thủy nội địa; Thanh tra Sở... chấp hành và thực hiện đúng những điều đã quy định tại công văn đã ban hành để đảm bảo phòng ngừa tai nạn đường thủy xảy ra. Những trường hợp cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, chủ tàu không thực hiện đúng sẽ có hình thức xử lý “mạnh tay” các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện - Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện có tổng số 128 thuyền rồng đang hoạt động trên sông Hương, trong đó có 50 chiếc thuyền đôi và 78 thuyền đơn. Công tác quản lý hoạt động các thuyền rồng rất chặt chẽ, qua kiểm tra các thuyền rồng đều đã đăng ký đăng kiểm. Đồng thời, theo quy định 03 năm thì các thuyền sẽ cho lên đà (cho thuyền lên khỏi mặt nước) để kiểm tra phần bên dưới đáy thuyền. Công tác này, phía Sở và các phòng ban liên quan thực hiện rất kỹ lưỡng.
Bà Dương Thị Ánh, Trưởng Ban Quản lý bến xe, thuyền TP. Huế cho biết: "Các thuyền hoạt động trên sông Hương hằng ngày đều được quản lý rất chặt chẽ. Từ khâu đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên có bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định, phải có đủ tiêu chuẩn sức khỏe; có giấy xuất nhập bến mới được cho thuyền rời bến"...
Đặc biệt, trong giờ cao điểm từ 15 giờ đến 21 giờ hàng ngày hay các dịp lễ lớn Ban còn cử cán bộ xuống trực tiếp thuyền để kiểm tra xem chủ thuyền có bố trí áo phao, phao cứu sinh, phương tiện PCCC và có lập danh sách du khách đi thuyền hay không đảm bảo an toàn du khách đi thuyền rồng.
Ban còn cử tổ kiểm tra xem các thuyền du lịch trước khi xuất bến có tình trạng dồn ép khách hay không. Nếu thuyền nào chở quá 35 người/thuyền đôi và 15 người/thuyền đơn thì chắc chắn không cho xuất bến để bảo đảm an toàn".
Từ thực tế cho thấy, vấn đề an toàn cho hoạt động vận tải khách, đặc biệt là khách du lịch, trên tuyến đường thủy ở một số tỉnh, thành phố ở miền Trung đang có nhiều "lỗ hổng" đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để đảm bảo tuyệt đối ATGT, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông đường thủy; giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ xử lý "mạnh tay" các hành vi chở quá số người quy định, chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, phương tiện không đảm bảo an toàn, không có dụng cụ cứu sinh.