Quy hoạch đã bám sát yêu cầu thực tiễn của vùng đất giàu các di tích khảo cổ học từ thời tiền sơ sử đến thời lịch sử; khái quát được thực trạng và diện mạo di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo đó, hệ thống các di tích khảo cổ học được phân thành 3 hệ thống, cụ thể:
1. Hệ thống các di tích tiền sơ sử: Đến thời điểm này, Thừa Thiên Huế vẫn chưa có những phát hiện và nghiên cứu rõ ràng về thời kỳ đồ đá - giai đoạn mở đầu của tiến trình phát triển lịch sử; mà đó chỉ là những phát hiện mang tính ngẫu nhiên tại huyện miền núi A Lưới và huyện Phú Lộc.
Thời kỳ sơ sử ở Thừa Thiên Huế được biết đến với những phát hiện và nghiên cứu về hệ thống các di tích văn hóa Sa Huỳnh. Trong đó có 2 di tích Cồn Ràng và Cồn Dài đã được các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật và xác minh được sự tồn tại của văn hóa Sa Huỳnh trên đất Huế. Cùng trong hệ thống các di tích văn hóa Sa Huỳnh, xung quanh di tích Cồn Ràng còn có một số các di tích khác như: Cửa Thiềng, Cồn Dài, Cồn Thu Lu, Bàu Đưng... Những phát hiện và nghiên cứu đó đã cho thấy vùng đất này cũng thuộc phạm vi sinh sống của cư dân Sa Huỳnh và mang những yếu tố đặc trưng văn hóa riêng.
Cũng trong thời kỳ Sơ sử, trống đồng Đông Sơn cũng đã được phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1994 tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền trên đất Thừa Thiên Huế (trống Phong Mỹ, loại C2).
2. Hệ thống các di tích Champa: Hệ thống các di tích tháp và phế tích tháp Champa ở Huế gồm có: Tháp Phú Diên (huyện Phú Vang); tháp đôi Liễu Cốc, Cồn Tháp (thị xã Hương Trà); phế tích tháp Đức Nhuận, phế tích Cổ tháp (huyện Quảng Điền); phế tích Vân Trạch Hòa, tháp Ưu Điềm, tháp Phước Tích, tháp Xuân Hòa, phế tích tháp tại làng Thế Chí Tây (huyện Phong Điền); phế tích tháp Giám Biều (thành phố Huế), phế tích tháp Linh Thái (huyện Phú Lộc); phế tích tháp Lương Hậu (thị xã Hương Thủy). Ngoài phế tích tháp Vân Trạch Hòa và tháp Phú Diên mới được phát hiện và khai quật khảo cổ học, các di tích còn lại được biết đến là những phế tích và chưa từng được khai quật khảo cổ học.
Bên cạnh hệ thống các di tích tháp và phế tích tháp Champa, tại Huế còn có 2 tòa thành Champa là thành Hóa Châu và Thành Lồi. Sự tồn tại của các tòa thành là cơ sở vô cùng quan trọng để xác định các trung tâm về chính trị, kinh tế, quân sự của một giai đoạn lịch sử.
Di tích Tháp Champa Phú Diên (Phú Vang)
Ngoài ra, tại Huế còn có các di tích và di vật Champa khác như hệ thống các giếng Champa (tại huyện Phú Lộc, thị xã Hương Thủy); các bức phù điêu, tượng Champa được lưu giữ tại các ngôi đền, miếu, chùa, văn bia...
3. Hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa thời Phong kiến: Nổi bật là hệ thống các di tích cung điện, đền đài, lăng tẩm, phủ,... thời vua chúa Nguyễn vẫn còn rất giá trị. Trong những năm qua, những cuộc khai quật khảo cổ học cũng đã cung cấp thêm những thông tin quý báu đã khẳng định thêm hệ thống các di tích lịch sử này. Đặc biệt, giá trị của hệ thống di tích lịch sử triều Nguyễn đã được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa thế giới. Với những giá trị và tầm quan trọng đó, những di tích này đã và đang được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nghiên cứu, bảo tồn thường xuyên.
Cũng trong giai đoạn lịch sử thời kỳ này, bên cạnh hệ thống các di tích khảo cổ học thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn, còn có một số địa điểm khảo cổ học khác cũng cần phải tiếp tục được nghiên cứu và đưa vào quy hoạch tổng thể. Đó là các di tích thời Quang Trung - Nguyễn Huệ như: Núi Bân (Tam Tầng), phế tích Phủ Dương Xuân, cung điện Đan Dương, đình chùa La Chữ, chùa Trúc Lâm, chùa Thiền Lâm (thành phố Huế); cảng Thanh Hà (thị xã Hương Trà), làng cổ Phước Tích, lò gốm Mỹ Xuyên (huyện Phong Điền) đã được các nhà khảo cổ học khai quật và bước đầu cung cấp một cái nhìn đầy đủ hơn về diện mạo lịch sử Thừa Thiên Huế.
Trên cơ sở hiện trạng của hộ thống di tích khảo cổ trên địa bàn, Quy hoạch đã đề xuất 4 nhóm giải pháp, gồm:
1. Đánh dấu vị trí trên bản đồ khảo cổ học cho những di tích đã bị xóa sổ trên thực địa, không còn khả năng nghiên cứu. Với những di tích này chúng ta chỉ có thể đánh dấu vị trí của di tích trên bản đồ khảo cổ để cho các nhà quản lý và nghiên cứu biết vị trí trước đây của di tích. Bên cạnh đó chúng ta cần tư liệu hoá và bảo quản tốt các tư liệu hiện vật đã có của những di tích này.
2. Khai quật phế tích để nghiên cứu và thu hồi hiện vật cho các di tích văn hóa Sa Huỳnh đã bị xâm hại nghiêm trọng, phần còn lại ít ỏi có thể xóa sổ trong tương lai gần. Bên cạnh đó là các phế tích Champa đã bị đổ nát hoàn toàn, hoặc đã mất hẳn dấu vết trên mặt đất, không thể trùng tu, tôn tạo hay phục nguyên di tích.
3. Trùng tu, bảo tồn và phục nguyên di tích cho các di tích khảo cổ học ít bị xâm hại hoặc bị xâm hại nhưng vẫn còn tương đối nguyên vẹn, độ bảo tồn tương đối tốt đảm bảo tiềm năng nghiên cứu lâu dài chúng ta cần khoanh vùng bảo vệ (Vùng 1, Vùng 2). Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cần sớm làm các thủ tục công nhận di tích cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia cho các di tích này. Những di tích tháp Champa, di tích lịch sử có thể phục nguyên được cần tính đến lộ trình để làm các công tác trùng tu trong tương lai.
4. Tôn tạo và bảo quản tại chỗ đối với nhóm di tích và di vật Champa đã được người dân địa phương biến thành những nơi thờ tự và thành các đối tượng thờ cúng của cộng đồng. Đây là những chứng tích đặc biệt chứng minh quá trình giao thoa văn hóa và quá trình Việt hóa các di sản văn hóa Champa của cư dân Việt trong hành trình Nam tiến của dân tộc. Những di tích và hiện vật này đã trở thành tài sản tinh thần của cộng đồng, không thể di dời hay quy tập đến những địa điểm khác mà nên bảo quản nguyên trạng tại chỗ. Tuy vậy cần tuyên truyền để địa phương cũng như nhân dân không tác động làm biến dạng các tượng, hiện vật này.