Huế thơ!
Lượt đọc: 98861Thời gian: 15:21 - 29/07/2016

(VHH) - Không biết tự bao giờ, nhiều người Việt Nam mỗi khi nhắc đến Huế thường gọi một cách trìu mến: Huế thơ ! Có lẽ Huế là xứ sở duy nhất trên thế giới tên gọi lại được kèm với chữ Thơ như một biểu tượng nghệ thuật. Vâng, đã có một Huế thơ trong tâm thức người Việt bao đời. Điều gì đã tạo cho Huế có cuộc kết duyên cùng thơ kỳ diệu như thế?

Nếu có sự đo đếm, Huế hẳn không thua kém bất cứ thành phố nào trên thế giới về số lượng thơ ngợi ca vẻ đẹp huyền bí của mình hoặc nhờ vẻ đẹp đó mà có! Bởi thế mà Huế đã trở thành chiếc nôi sinh thành, mái nhà trú ngụ, lớn lên của nhiều thế hệ thi nhân Việt Nam gần 200 năm qua. Từ các vị vua thi sĩ như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... đến các ông Hoàng như Miên Thẩm, Miên Trinh, các bà chúa như Mai Am, Huệ Phố... đến các bậc quan lại nho gia như Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... Từ Phan Bội Châu đến Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư... đến Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Trọng Tạo... Dường như tất cả các thế hệ thi nhân Việt Nam không ai là không có đôi ba bài thơ tặng Huế. Người ở Huế làm thơ về Huế, người xa Huế làm thơ nhớ Huế, người chỉ lần đầu đến Huế thôi cũng tức cảnh sinh tình mà có thơ...

Trong thu khuya, lang thang cùng trăng trên những lối Huế thấp thoáng hương long não, hương lài, hương hoa bằng lăng; hay sớm xuân qua Trường Tiền sương rối, bạn sẽ cảm nhận rất rõ chất nữ tính trinh nguyên, quyến rũ của Huế! Vâng, Huế là Con gái, là Nàng Thơ! Đặc ân tuyệt vời này Huế dành cho các nhà thơ. Những sợi hương huyền bí ấy len vào cõi sâu kín nhất của tâm hồn, thức dậy, làm thăng hoa những khát vọng sáng tạo thơ ca tiềm ẩn. Mơ khách đường xa khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra /Ở đây sương khói mờ nhân ảnh... (Hàn Mặc Tử). Bao nhiêu hình ảnh  trong cuộc sống hằng ngày của cô gái Huế đã trở thành hình tượng thơ điển hình tới mức cổ điển, khảm vào lịch sử văn chương dân tộc, như tà áo tím Huế, tà áo dài trắng nữ sinh, nón bài thơ, mái tóc thề, giọng hò... Cho đến cái bao la thăm thẳm như mưa Huế, chuông chùa Thiên Mụ, vườn cây trái Kim Long, Vĩ Dạ... cũng như được sinh ra, được đắp bồi, tạo dựng riêng cho thơ! Đoàn Phú Tứ đã phát hiện ra Màu thời gian tím ngát-đó cũng là màu Huế, màu của thi ca trường cửu. Cách đây hơn  20 năm, Trần Dần vào Huế, ông kêu lên: “Ôi, nhân loại tím”. Ông tâm sự  rằng, sở dĩ  ở Huế dễ cảm xúc thơ là do có trời, có đất, đủ  âm đủ dương. Có những cái đó mới có thơ! Huế Thơ kết tinh trong con người Huế từ điệu đi, dáng đứng, kết tinh trong núi Huế, cây Huế, vườn Huế, trong từng cơn chớp biển mưa nguồn đan xen trong không gian nội tâm tình cảm, trở thành tiếng gọi từ nơi sâu kín nhất của hồn người. Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến cho rằng chính cái nết đất nết người Huế như hòa đồng với phẩm chất của thơ. Nhà thơ Lưu Trọng Lư, từng gửi cả thời trai đam mê của mình trong con đò và tiếng đàn Huế. Lúc sinh thời có lần Tạp chí Sông Hương xin ông thơ để in, ông chép gửi vào một chùm bảo in bài nào là tùy ý tòa soạn. Nhưng lại hồn nhiên năn nỉ: “...xin đừng gạt đi bài mưa của tôi. Cái trận mưa Huế ngày này qua ngày khác...đã “giam hãm" cả tuổi xuân của tôi...”. Một lần nhà văn Trần Trị Trường ở Hà Nội và nhà thơ Dư Thị Hoàn ở Hải Phòng lần đầu tiên đến Huế, sau chuyến thăm thú Di sản Thế giới, thưởng thức phong cảnh và ẩm thực Huế, đã có một nhận xét vui mà sâu sắc: “Đến Huế chúng tôi mới phát hiện ra rằng nhạc Trịnh Công Sơn  quá hay, thơ về Huế quá hay không phải do nhạc sĩ, nhà thơ quá tài mà chính Huế đã làm nên tâm hồn họ”! Vâng, chính Huế  là mạch nguồn  vô tận cho thơ!

Nhạc sĩ, nhà thơ tài danh Văn Cao lúc sinh thời đã viết nhiều tác phẩm, nhạc thơ về Huế. Trong một bức tâm thư gửi Huế ông kể rằng, “Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 1940. Thơ và nhạc tôi tìm nguồn từ đấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của Cố đô là những điều gây cảm xúc cho sáng tạo”.  Nhạc của ông mang hồn Huế. Thảo nào, biết bao đêm thuyền ngược sông Hương mờ ảo trong bóng núi mây, ta bỗng thèm được nghe “Thiên Thai”, “Suối mơ”, “Trương Chi”, thèm đọc thơ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế đến da diết.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong bút ký nổi tiếng Ai đã đặt tên cho dòng sông đã viết rất xúc động: “...hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy, sông Hương đã trở thành một người tài nữ  đánh đàn trong đêm khuya... toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya. Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên khoảng sông này, với một phiến trăng sầu. Và từ đó những bản đàn đã đi suốt đời Kiều. Tôi đã chứng kiến một người nghệ nhân già, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc Kiều “trong như tiếng hạc bay qua - đục như tiếng suối mới sa nửa vời ”... Đến câu ấy, người nghệ nhân chợt nhổm dậy vỗ đùi chỉ vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên: “Đó chính là Tứ Đại Cảnh!”.

Sương khói Huế, sông Huế, núi Huế, văn hóa Huế, thơ Huế cho đến điệu Nam Ai, Nam Bình đều nằm trong tiến trình lịch sử người Việt đi mở cõi. Gần trăm rưỡi năm kinh đô nước Việt đã đúc nên một Huế tài hoa, đài các và thâm trầm. Tâm thức nhân dân đã lọc giữ cho Huế những giá trị văn hóa vật chất mang trầm tích của triết lý nhân sinh, mang giọt nước mắt nóng hổi của lịch sử. Huế là không gian cổ điển Phương Đông thuần khiết. Huế là chốn của những mái cong đền cổ thấp thoáng dưới bóng vườn xanh. Không gian cổ tích ấy là môi trường lý tưởng của những chiêm nghiệm, những cảm thức làm nền tảng triết lý cho thơ: Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ/chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu.../ em rất thực nắng thì mờ ảo/Xin đừng lầm em với Cố Đô (Thu Bồn)... Các nhà thơ trẻ Huế hôm nay không chỉ biết hoài cổ mà đang vươn tới sự hiện đại trong các hình tượng thơ về Huế. Tôi nằm dưới bóng râm thời trang/ kinh nghiệm xanh rì rào thành phố/  Đất nước tôi / những vùng môi mặn đỏ phù sa.../  Giấc chiêm bao lịch sử nóng ran. (Văn Cầm Hải). Người lính đi qua chiến tranh, trở về với đời thường, tưởng đã bị thời gian lãng quên bỗng nhận ra mình trong dáng phong sương cổ kính của những chú ngựa đá trong lăng tẩm cũ: Biết tìm đâu người lính buổi xa xăm / Ai đang còn bạc phơ râu tóc/Nấm cỏ vô danh ai người đã khuất/ Nhớ cuồng chân ngựa hóa đá đứng chờ ... (Ngô Minh).

Cứ thế Thơ sinh sôi với Huế, Huế đẹp thêm với Thơ, với đời...

Tùy bút Ngô Minh (Báo CAND)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày