Mộc bản Phật giáo Huế là di sản tư liệu quý giá không chỉ riêng đối với Phật giáo mà còn là một phần không thể tách rời trong dòng chảy văn hoá dân tộc, cung cấp nhiều thông tin bổ ích, có giá trị cho việc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến văn hoá học, sử học, ngôn ngữ học..., về tình hình sinh hoạt và đời sống tinh thần của xã hội Đàng Trong, của xứ Huế qua các thời kỳ lịch sử, kể từ thời các chúa Nguyễn cho đến những thập niên cuối của thế kỷ XX.
Theo khảo sát bước đầu của trung tâm Văn hóa Liễu Quán Huế mới đây, tại 13 chùa và họ tộc còn đang lưu giữ mộc bản Phật giáo Huế, hiện có 2933 ván khắc các loại đang được lưu giữ; trong đó số lượng lớn nhất là ở chùa Từ Đàm với trên 1300 mặt khắc. Khảo sát cũng cho thấy ván khắc có niên đại sớm nhất là kinh Kim Cang, năm 1698, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, và bản khắc có niên đại muộn nhất là vào năm 1980. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu tại tọa đàm, mộc bản Phật giáo Huế là di sản tư liệu hết sức có giá trị không chỉ riêng đối với Phật giáo mà còn là một phần không thể tách rời trong dòng chảy văn hoá dân tộc, cung cấp nhiều thông tin giá trị, bổ ích cho công tác nghiên cứu liên quan đến văn hoá, ngôn ngữ học, thư pháp, mỹ thuật, về tình hình sinh hoạt và đời sống tinh thần - xã hội xứ Đàng Trong, của xứ Huế qua các thời kỳ lịch sử kể từ thời các chúa Nguyễn cho đến những thập niên cuối của thế kỷ XX.
Do thời gian, chiến tranh, thời tiết khí hậu và những hạn chế về kỹ thuật, ngân sách cùng phương tiện bảo quản, những mộc bản Phật giáo Huế đang ngày càng mai một và đứng trước mối đe dọa sinh tồn. Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà chuyên môn, quản lý đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về giá trị nổi bật của vốn văn khắc Phật giáo Huế và những giải pháp cấp bách nhằm lưu trữ, gìn giữ và phát huy các giá trị tiềm tàng của di sản mộc bản quý giá này.