KHAI MẠC CHƯƠNG TRÌNH “HÀNH TRÌNH KÝ HOẠ NÉT ĐẸP VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG A LƯỚI, 2023” VÀ TRIỂN LÃM “SẮC XUÂN” TẠI HUYỆN A LƯỚI
Lượt đọc: 4883Thời gian: 16:30 - 24/03/2023

Sáng ngày 24/3/2023, tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới đã diễn ra Lễ Khai mạc Chương trình “Hành trình ký hoạ Nét đẹp văn hoá truyền thống A Lưới, 2023” và Triển lãm “Sắc Xuân” do Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện A Lưới tổ chức thực hiện nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2023);

Đến dự Lễ khai mạc có đồng chí Nguyễn Thiên Bình - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế; đồng chí Nguyễn Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới; Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao; Lãnh đạo Phòng Văn hoá và Thông tin; Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo; đại diện Ban Giám hiệu các trường tiểu học và THCS; quý thầy cô giáo, các em học sinh trên địa bàn huyện.

Nhằm thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao cũng như góp phần triển khai thực hiện các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của ngành Văn hóa tỉnh nhà về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; về “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh...”; trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã triển khai nhiều hoạt động chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng của đơn vị theo hướng đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, trong đó có các hoạt động sáng tác về di sản văn hóa Huế, tiêu biểu là chương trình sáng tác “Hành trình ký họa di sản văn hóa Cố đô Huế” với mục đích và ý nghĩa: bảo tồn, lưu giữ, quảng bá và tôn vinh giá trị di sản văn hóa Huế đến du khách trong nước và quốc tế qua góc nhìn của mỹ thuật tạo hình.

 Tiếp nối thành công và ý nghĩa của Chương trình “Hành trình ký hoạ di sản Cố đô Huế 2020, 2021, 2022”; Bảo tàng Mỹ thuật Huế phối hợp với UBND huyện A Lưới tổ chức chương trình “Hành trình ký họa Nét đẹp văn hóa truyền thống A Lưới, 2023”  với sự tham gia của các thành viên đến từ Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội và các họa sĩ, nghệ sĩ Huế, những người yêu thích ký họa và văn hóa Huế yêu Huế không giới hạn tuổi tác, nghề nghiệp đến từ Hà Nội, Huế thông qua các hoạt động sáng tác hội họa, ký hoạ trực tiếp các khía cạnh di sản vật thể và phi vật thể như di tích lịch sử văn hóa hào hùng, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú; kiến trúc dân gian. Đây là vùng đất hội tụ những sắc màu văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc anh em Pa Cô, Tà Ôi, Pa Hy, Cơ Tu… đã tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc, là bảo tàng sống về kiến trúc, về phong tục tập quán, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào qua nhiều thế hệ. Trong xu hướng đô thị hóa hiện nay, những di sản văn hóa này có thể đang dần bị mai một, lãng quên hoặc có thể bị phá bỏ, vì vậy cần phải được bảo tồn và gìn giữ. Do đó, “Hành trình ký hoạ Nét đẹp văn hóa truyền thống A Lưới, 2023” được tổ chức để góp phần bảo tồn và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống này. Trong dịp này, Bảo tàng Mỹ thuật Huế tổ chức trưng bày Triển lãm “Sắc Xuân” nhằm giới thiệu đến công chúng hơn 100 tác phẩm tranh dân gian thuộc 4 dòng tranh trong số những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hành Trống, Kim Hoàng (Hà Nội) và Làng Sình (Huế) thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Huế. Tranh dân gian được sáng tác để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhân dân, qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân những bức tranh trở nên vô cùng độc đáo, mỗi tác phẩm là một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc. Các dòng tranh dân gian là sự kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng, mang đậm yếu tố văn hóa của con người Việt Nam qua các thời đại. Tranh dân gian không chỉ đáp ứng các nhu cầu thẩm mỹ và tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn ẩn chứa, đề cao đạo lý làm người, giáo dục những phẩm chất tốt đẹp và cầu mong những điều tốt đẹp.

Bên cạnh trưng bày giới thiệu tranh dân gian, các hoạt động giáo dục mỹ thuật có tính thực nghiệm cho đối tượng chính là các em học sinh và những người yêu thích nghệ thuật dân gian, người tham dự sẽ được tìm hiểu về các dòng tranh dân gian: ý nghĩa của các bức tranh, sự khác và giống nhau giữa các dòng tranh; trực tiếp được hướng dẫn tham gia in tranh dân gian Đông Hồ, làng Sình, vẽ tranh dân gian; viết thư pháp; tham gia tìm hiểu về các dòng tranh dân gian Việt Nam bằng hình thức hỏi đáp. Hoạt động sẽ tạo nên sân chơi lý thú, bổ ích giúp các em học sinh có cơ hội được trải nghiệm, tương tác; tạo nên không khí sôi nổi, hứng khởi đối với các em. Đồng thời, thông qua hoạt động trưng bày triển lãm và tìm hiểu, trải nghiệm giúp cho công chúng, các em học sinh, thế hệ trẻ trên địa bàn huyện A Lưới hiểu được giá trị và ý nghĩa các dòng tranh dân gian Việt Nam; hiểu thêm nét đặc trưng của văn hóa truyền thống qua các dòng tranh dân gian, góp phần tôn vinh và khơi gợi niềm yêu thích đối với văn hóa truyền thống; từ đó chung sức góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy những tinh hoa văn hóa do ông cha để lại.

Hy vọng rằng Chương trình sáng tác “Hành trình ký hoạ Nét đẹp văn hóa truyền thống A Lưới, 2023” sẽ tạo nên một không gian “Gặp gỡ” thú vị và đầy ý nghĩa của những người cùng chung niềm đam mê nghệ thuật, trân trọng, bảo vệ và góp phần quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế nói chung, văn hóa truyền thống A Lưới nói riêng; tiếp tục kết nối cộng đồng để từ đó nâng cao ý thức gìn giữ và bồi đắp các giá trị tốt đẹp của di sản; góp phần thúc đẩy phát triển văn hoá, du lịch và kinh tế địa phương, nâng cao vị thế hình ảnh mảnh đất và con người Huế.

Chương trình sáng tác “Hành trình ký hoạ nét đẹp văn hoá truyền thống A Lưới, 2023” sẽ được diễn ra từ ngày 24/3 đến 27/3/2023 trên địa bàn huyện A Lưới.

Triển lãm và các hoạt động tìm hiểu, trải nghiệm sẽ diễn ra đến ngày 27/3/2023 tại Trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng các dân tộc huyện A Lưới.

 

BTMT
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày