Theo nhiều già làng ở thôn bản Ba rít, xã A Đớt thì hàng trăm năm trước, đồng bào dân tộc Tà Ôi sinh sống giữa dãy núi Trường Sơn giáp với biên giới Việt - Lào đã hình thành nên nghề dệt zèng để tạo nên các bộ trang phục áo, váy đặc trưng của đồng bào nơi đây.
Tuy nhiên, do nguyên liệu cây bông có sẵn từ núi rừng dần cạn kiệt, nhu cầu sử dụng thổ cẩm zèng còn hạn chế nên dần dần, nghề dệt zèng bị mai một, người dân Tà Ôi chuyển sang làm những nghề khác có thu nhập kinh tế hơn.
Đứng trước nguy cơ mai một nghề dệt zèng nên từ những năm 2000, được sự giúp đỡ của UBND huyện A Lưới, xã A Đớt đã triển khai nhiều kế hoạch, từng bước khôi phục lại làng nghề truyền thống dệt zèng A Đớt.
Bà Hồ Thị Mới (60 tuổi, ở thôn Ba rít) có nhiều năm gắn bó với nghề dệt zèng cho biết, nghề này của gia đình đã tồn tại suốt 3 đời qua, dù có lúc sản phẩm dệt ra bán không ai mua nhưng đến nay, 6 người trong gia đình vẫn quyết tâm giữ lấy nghề.
"Trước đây, người con gái Tà Ôi nào cũng phải biết dệt zèng để làm cho mình những chiếc váy, áo thổ cẩm đẹp thì mới lấy được chồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên thời gian sau này, nghề dệt zèng dần rơi vào quên lãng, người dân ít mặn mà với nghề do thu nhập bấp bênh, không đủ nuôi sống gia đình, chỉ còn lại một vài hộ bám trụ với nghề", bà Mới nói.
Với những đề án cụ thể, UBND xã A Đớt đã từng bước khôi phục lại làng nghề truyền thống dệt zèng, đến nay toàn xã có 95% trong tổng số gần 600 hộ dân tham gia vào làng nghề dệt zèng. Khác với thổ cẩm của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên hay các vùng núi Tây Bắc, sản phẩm dệt zèng do người Tà Ôi ở A Đớt sản xuất được làm từ sợi có 4 màu xanh, trắng, đỏ, đen với nhiều kiểu hoa văn khác nhau, tái hiện hình ảnh núi đồi, cỏ cây, muông thú.
"Sau gần 1 năm học nghề, mỗi thợ dệt có thể dệt thành 10 loại zèng khác nhau bằng khung cửi đơn sơ với các tên gọi như pahieng, vivat, aratoang… Điều đáng vui mừng là nghề dệt zèng ở A Đớt không những được hồi sinh mà còn được quảng bá tại các lễ hội nghề truyền thống và Festival Huế trong những năm gần đây, nhiều nghệ nhân còn được mời về trình diễn dệt zèng cho du khách thưởng ngoạn, đây là điều vượt ngoài sự mong đợi của làng nghề", một nghệ nhân ở làng nghề dệt zèng truyền thống A Đớt tự hào cho biết.
Ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND xã A Đớt bày tỏ, sau một thời gian nghề thất truyền, đến nay xã đã vực dậy được làng nghề dệt zèng khi có gần 700 lao động địa phương, trong đó phần lớn là chị em phụ nữ làm nghề dệt zèng. Trong năm 2015, làng nghề sản xuất được gần 4.000 tấm zèng các loại trị giá 1,5 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2016 sản xuất được 2.100 tấm zèng, trị giá 850 triệu đồng.
"Trước sự hồi sinh của làng nghề dệt zèng A Đớt, tháng 7/2016 mới đây, xã vinh dự đón nhận 2 bằng công nhận "Nghề dệt zèng truyền thống" và "Làng nghề dệt zèng truyền thống A Đớt" do UBND tỉnh trao tặng. Đây là niềm tự hào của địa phương khi những năm qua, người dân ở các thôn bản đã rất nỗ lực để gìn giữ và phát triển nghề dệt này.
Giờ đây, ngoài thời gian lên nương rẫy thì phụ nữ ở A Đớt dành phần lớn thời gian ngồi bên khung cửi để hoàn thành các sản phẩm dệt zèng đủ sắc màu. Với mức thu nhập bình quân từ 1 đến 1,5 triệu đồng/tháng/người, nghề dệt zèng được khôi phục trở lại đã giúp không ít hộ dân ở vùng miền núi này thoát nghèo, xóa bỏ được nhà tạm để xây dựng nhà cửa kiên cố và có điều kiện cho con ăn học đến nơi đến chốn...", ông Minh vui mừng chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Cao Chí Hải, cho biết, với mục đích khôi phục những làng nghề truyền thống, đặc biệt là nghề dệt zèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi trên địa bàn huyện A Lưới, nên Sở đã tích cực phối hợp với UBND huyện A Lưới và các đơn vị tổ chức thực hiện một số dự án đào tạo, dạy nghề dệt zèng; ngoài các làng nghề còn thành lập nhiều tổ dệt zèng tại các xã như Phú Vinh, Nhâm, A Lưới để giúp phụ nữ các đồng bào dân tộc thiểu số được học nghề, góp phần đưa dệt zèng trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của miền núi A Lưới.
"Hiện Sở đã hoàn tất hồ sơ trình Bộ VHTT&DL công nhận nghề dệt zèng của người Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc làm này không những khôi phục, phát triển nghề dệt zèng mà còn góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào Tà Ôi...", ông Hải nhận định.