10 sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật năm 2016 của tỉnh Thừa Thiên Huế
Lượt đọc: 82171Thời gian: 17:11 - 17/01/2017

(VHH) -  Năm 2016 vừa khép lại với nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự nghiệp hoạt động của ngành có những bước tiến mới, trong đó nhiều lĩnh vực ghi dấu nhiều thành tựu và kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trang Thông tin điện tử Sở Văn hóa và Thể thao xin giới thiệu với độc giả 10 sự kiện văn hóa, thể thao nổi bật năm 2016 của tỉnh Thừa Thiên Huế.

1. Festival Huế lần thứ 9 năm 2016 với chủ đề "710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, di sản văn hóa với hội nhập và phát triển" diễn ra 6 ngày đêm (từ 29/4/2016 đến 04/5/2016) với sự tham gia của gần 1.200 nghệ sĩ, diễn viên trong nước và quốc tế. Trong đó, quốc tế có 21 đoàn/17 quốc gia, bao gồm 271 nghệ sĩ, diễn viên. Có 53 chương trình nghệ thuật tiêu biểu (74 suất diễn tại 21 sân khấu và điểm diễn) với các lễ hội đầy sắc màu và trên 52 hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, các chương trình có tính nghệ thuật cao.

Đây là kỳ Festival thực hiện chủ trương xây dựng chương trình tinh gọn, phát huy nội lực, huy động lực lượng nghệ sĩ diễn viên trên địa bàn tỉnh làm nòng cốt, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa phát huy vai trò chủ thể của người dân trong các hoạt động lễ hội.

2. "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" được công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới: Vào lúc 17 giờ 15 ngày 19/5/2016, Hội nghị lần thứ 7 của Ủy ban chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) diễn ra từ ngày 18/5 đến ngày 21/5/2016 tại Thành phố Huế, Việt Nam, "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" đã được chính thức công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới. Với gần 3.000 họa tiết trang trí thơ văn được thể hiện trên nhiều chất kiệu khác nhau như gỗ, đá, đồng, pháp lam, khảm sành sứ, sơn son thếp vàng...  "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" là một di sản tư liệu quý giá, thể hiện tư tưởng của các vị vua triều Nguyễn về lịch sử, độc lập dân tộc, văn hóa, quan niệm trị quốc, dân sinh. Đây là nơi "xuất bản" và "lưu trữ" tư liệu độc đáo và riêng có tại Cố đô Huế và là di sản văn hóa thứ 5 của Cố đô Huế được UNESCO vinh danh.

3. Thể thao thành tích cao Thừa Thiên Huế gặt hái được nhiều thành công với 359 huy chương (88 Vàng, 109 Bạc, 102 Đồng) trong đó có 08 Huy chương Vàng tại các giải Vô địch quốc gia và 16 huy chương quốc tế. Đây là năm có số huy chương quốc tế nhiều nhất. Nhiều bộ môn tham gia thi đấu thành công và đạt huy chương tại các giải quốc gia và quốc tế như bộ môn Vật (05 Huy chương Vàng Vô địch quốc gia, 06 Huy chương Vàng Vô địch Đông Nam Á); Điền kinh, Taekwondo, Karatedo đạt Huy chương Vàng Vô địch quốc gia; Bơi lặn đạt 08 Huy chương Vàng Hội khẻo Phù Đổng toàn quốc... Năm 2016, bóng đá Thừa Thiên Huế cũng đã góp phần vào thành công của bóng đá Việt Nam với việc VĐV Trần Thành (đội Bóng đá Huế) ghi bàn thắng quyết định vào lưới đội chủ nhà Bahrain; góp công lớn quyết định tấm vé vào vòng bán kết giải U19 Châu Á; qua đó giúp đội tuyển U19 quốc gia Việt Nam đạt giải Ba chung cuộc và đặc biệt là giành tấm vé để lần đầu tiên tham dự Vòng Chung kết U20 thế giới vào năm 2017 tại Hàn Quốc.

4. Kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2011 - 28/6/2016): Các hoạt động hội thi về gia đình, tuyên dương các gia đình văn hóa, hội thảo, tọa đàm về gia đình được tổ chức sôi nổi ở các huyện, thị xã, thành phố Huế nhằm tuyên truyền đề cao các giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam nói chung và gia đình Thừa Thiên Huế nói riêng. Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh tổ chức Hội thi Câu lạc bộ gia đình về chủ đề "Gia đình hạnh phúc" cho các câu lạc bộ gia đình đến từ các huyện, thị xã, thành phố; tổ chức biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh. Nhân sự kiện này, tỉnh đã triển khai tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2016 với chủ đề "Gia đình - Nguồn lực và trách nhiệm trong phòng, chống bạo lực gia đình", nhằm thực hiện các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình, hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.

5. Liên hoan Xiếc Quốc tế do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Huế từ ngày 28/5/2016 đến ngày 04/6/2016. Liên hoan quy tụ sự tham gia của 5 đoàn nghệ thuật xiếc trong nước và 06 đoàn nghệ thuật xiếc nước ngoài gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Ucraina, Thái Lan và Trung Hoa. Với gần 70 diễn viên, trong 07 ngày liên hoan đã trình diễn hơn 30 tiết mục đặc sắc thuộc các thể loại: Nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, hề xiếc, ảo thuật và xiếc thể thao. Liên hoan thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với các nghệ sĩ xiếc trong nước và quốc tế về thành phố Huế - một thành phố di sản thơ mộng và mến khách.

6. Chương trình nghệ thuật "Mùa đông xứ Huế" với nhiều ca khúc đặc sắc nhất về Huế của các tác giả Dương Thiệu Tước, Minh Kỳ, Châu Kỳ, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Công Sơn, Trần Hoàn, Hoàng Vân, An Thuyên, Đức Trịnh, Tuấn Phương, Nguyễn Tiến... lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội đã thu hút đông đảo công chúng yêu âm nhạc Thủ đô đến dự trong ba đêm từ 14 đến 16/12/2016 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Chương trình được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện, với sự tham gia của Học viện Âm nhạc Huế, Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, một số đơn vị nghệ thuật của Bộ và nhiều gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu trong nước.

7. Ngày 21/11/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL công bố danh mục 17 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó có nghề dệt Dèng của người Tà Ôi, huyện A Lưới.

Dệt Dèng là nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới. Loại sản phẩm thổ cẩm được làm ra bởi các nguyên liệu từ bản địa cộng với bàn tay khéo léo của bà con đồng bào dân tộc Tà Ôi. Nét độc đáo và riêng biệt của dệt Dèng là người dệt đưa hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm thông qua công đoạn dệt thay vì đính kết sau. Đây là cách tạo hoa văn bằng hạt cườm độc đáo so với các nơi khác. Sản phẩm Dèng được thể hiện bằng các họa tiết hoa văn, trang trí mang tính nghệ thuật ca, khái quát những hình ảnh về thiên nhiên, cuộc sống của đồng bào vùng cao A Lưới.

8. Khai quật khảo cổ học tại khu vực gò Dương Xuân: Cuộc thăm dò, khai quật khảo cổ học do Viện Khảo cổ phối hợp với các đại diện của Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tiến hành từ ngày 06/10/2016. Sau gần 10 ngày khai quật, thăm dò 05 hố tại chùa Thuyền Lâm, Vạn Phước và 02 nhà dân tại khu vực gò Dương Xuân, các nhà khảo cổ đã phát hiện một phần nền móng công trình xưa và nhiều di vật sành sứ... Đây là tư liệu quan trọng để các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu các dấu hiệu về các công trình liên quan đến Triều đại Tây Sơn - Nguyễn Huệ.

9. Liên hoan Nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ X năm 2016 với chủ đề "Đất nước anh hùng ca" diễn ra trong 04 ngày từ 28/8/2016 đến 01/9/2016 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh. 23 đơn vị nghệ thuật quần chúng với gần 600 diễn viên đã mang đến Liên hoan 109 tiết mục gồm nhiều thể loại. Giải nhất Bảng A thuộc về đội nghệ thuật quần chúng Công an tỉnh, Giải nhất Bảng B thuộc về đội nghệ thuật quần chúng huyện A Lưới. Liên hoan là dịp để đánh giá và động viên, đẩy mạnh phong trào văn nghệ quần chúng, góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa trên phạm vi toàn tỉnh.

10. Chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan: Ngày 17/11/2016, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đã ký biên bản ghi nhớ về việc cùng các cơ quan liên quan phối hợp lập hồ sơ khoa học báo cáo UBND hai địa phương đề nghị Bộ VHTTDL xếp hạng Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia; đồng thời cùng triển khai các giải pháp nhằm bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan.

VHH
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày