Cần có những giải pháp thiết thực để bảo tồn di sản văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế
Lượt đọc: 6871Thời gian: 09:16 - 30/03/2021
Bệ thờ Vân Trạch Hòa

VHH - Thừa Thiên Huế là một trong những địa bàn quan trọng ở vùng cực Bắc của vương quốc Champa cổ xưa. Đây là nơi ghi dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn hóa Champa, từ thời kỳ tiền Indrapura đến thời kỳ Indrapura (khoảng thế kỷ IV đến thế kỷ IX). Với 16 di tích/phế tích gồm: thành trì, đền tháp, lăng mộ, bia ký và nhiều hiện vật Champa có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, trong đó có 2 bảo vật quốc gia và hơn 250 di vật, hiện vật, phù điêu... có giá trị góp phần làm nên sự đa dạng của di sản văn hóa Huế. Tuy nhiên, di sản văn hóa Champa chưa được quan tâm đúng mức, chưa có giải pháp thiết thực để bảo tồn loại hình di sản này để góp phần vào công cuộc bảo tồn di sản văn hóa theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

1. Hệ thống di tích, di vật phong phú

Thừa Thiên Huế là một trong những địa bàn có di tích văn hóa Champa phong phú với hơn 16 di tích, phế tích, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia (tháp đôi Liễu Cốc, tháp Mỹ Khánh, thành Lồi), 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh (địa điểm chùa Thành Trung) và 12 di tích (phế tích): Phế tích Ưu Điềm còn gọi là chùa Phật Lồi (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền); phế tích tháp Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền); phế tích Vân Trạch Hòa (xã Phong Thu, huyện Phong Điền); phế tích tháp Đức Nhuận (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền); phế tích Cổ Tháp (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền); phế tích Cồn Tháp (phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà); phế tích tháp Giam Biều/Nham Biều (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà); phế tích tháp Lương Hậu (phường Thủy Lương, thị xã Hương Thủy); phế tích tháp Linh Thái (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc); phế tích Xuân Hóa (phường Thủy Xuân, thành phố Huế).

Bên cạnh đó, các hiện vật văn hóa Champa đồ sộ (trên 250 hiện vật), có giá trị lịch sử, khoa học và văn hóa cao, bao gồm Tượng tròn, vật trang trí trong kiến trúc Champa, vật thờ tự trong các đền tháp, chi tiết kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, bi kí... Đặc biệt, ngoài hai bảo vật quốc gia, những phù điêu văn hóa Champa, là những di sản văn hóa Champa đặc trưng, là kiệt tác của nền điêu khắc Champa. Mỗi phù điêu là một câu chuyện hoặc một huyền thoại có tính nhân văn sâu sắc về cuộc sống, về đấng thần linh. Tiêu biểu là các bức phù điêu:

- Bức phù điêu Siva - Parvati (làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền): Đây là một tác phẩm nghệ thuật và là tác phẩm duy nhất được biết trong nền điêu khắc Champa thể hiện đề tài lễ rước cưới Siva - Parvati về ngọn núi thiêng Kailasa, nơi an trú của gia đình thần Siva. Những đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm như y phục với kiểu thức sampot có vạt hình tam giác của đạo sư Bhrngin; Garuda mặt người; các kiểu đồ trang sức; thủ pháp tạo hình nhân vật thon thả, gọn gàng; v.v.. là những đặc trưng của giai đoạn muộn hay giai đoạn kéo dài trong phong cách Mỹ Sơn E1, khoảng đầu thế kỷ 9.

- Phù điêu Ravana - Kailaisa (làng Thanh Phước, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) là một trong những tác phẩm hiện còn đến ngày nay, góp phần tạo nên giá trị độc đáo của nền nghệ thuật này. Trong phù điêu, Ravana được thể hiện có 10 cái đầu, 20 cái tay và 2 đôi chân. 10 cái đầu xếp lớp từ trước ra sau, mặt ngẩng nhìn lên. Những đôi tay xòe ra xếp thành vòng tròn 7 cặp đối nhau, 2 tay giữa chắp lại trên đầu, hai tay khác lay chuyển ngọn núi Kailaisa, một tay chống ngang hông, một tay chống đùi, đôi vai vạm vỡ. Bên phải thần Siva là bò thần Nandin hoảng sợ, nhảy lồng lên. Phía sau Siva là hai thiên thần hầu cận, một cầm búp sen và một chắp tay trước ngực. Về phía bên trái, đứng bên cạnh thần Parvadi là thần bảo tồn Visnu, có 4 tay, hai tay trên cầm vòng mặt trời cakva và con ốc, hai tay dưới cầm vòng ngọc và cái chùy. Phía dưới Visnu là thần Indra, vợ thần cai quản thiên giới, đứng chắp tay về phía Panchasikha là vị thần trông coi âm nhạc thiên đình, có mái tóc bối thành 5 lọn, hai tay ôm chiếc thụ cầm, chư vị đang tán dương chiến công của thần Siva. Dưới cùng là con voi Airavata của thần Indra.

- Phù điêu Siva múa ở miếu Bà Giàng (làng Lương Văn, xã Thủy Lương, thị xã Hương Thủy): là bức phù điêu đẹp, làm phong phú thêm đề tài điêu khắc phù điêu văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế. Bức phù điêu này cùng với các vết tích xây dựng ở Lương Văn khẳng định trước đây ở vị trí này đã có một tháp Chăm. Phù điêu được tạc trên phiến đá hình vòng cung. Chính giữa tạc thần Siva múa với tư thế hai chân khuỳnh, người uốn sang bên trái. Đầu đội mũ nhiều tầng, chóp nhọn. Gương mặt trái xoan, trán phẳng, cung mày cao, sống mũi cao, thẳng, cánh mũi hẹp, môi dày, miệng rộng. Tai đeo trang sức chảy dài xuống vai. Từ vai, mỗi bên tỏa ra hai cánh tay, mỗi cánh tay có tư thế khác nhau (cánh tay đầu trên cùng cầm roi da), các cổ tay đeo vòng trang sức. Bốn cánh tay chính giữa: 2 tay bên phải, 1 tay đặt xuống đùi, 1 tay bẻ gập lên. 2 tay bên trái, 1 tay đặt lên đùi trái, 1 tay vắt qua phía trước đặt lên bàn tay phải, cổ tay và cánh tay đeo nhiều chuỗi hạt trang sức. Thân thần Siva tròn, thon, gọn uốn về bên trái, mông uốn về bên phải. Bên trái tạc một tín đồ quỳ nghiêng người, hai tay chắp trước ngực, mặt hướng lên thần Shiva, bụng quấn tà khố, hai chân quỳ.

2. Cần có những giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát guy giá trị...

Trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa Champa trên địa bàn như tổ chức kiểm kê di tích và di vật văn hóa Champa; xây dựng hồ sơ khoa học cho một số di tích và hiện vật đề nghị xếp hạng di tích quốc gia và bảo vật quốc gia; tổ chức di dời một số di vật có nguy cơ hủy hoại mất cắp về bảo tàng; hợp tác với các bảo tàng trong nước và các tổ chức quốc tế trong việc đào tạo, nghiên cứu, trưng bày di sản văn hóa Champa...

Tuy nhiên, các hoạt động trên còn khá khiêm tốn so với hệ thống di tích và di vật thuộc nền văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế. Hiện nay, hệ thống di tích được phân công cho nhiều đơn vị quản lý, các di vật, hiện vật văn hóa Champa phân bố rải rác trên địa bàn các huyện Phong Điền, huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà, thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang, huyện Phú Lộc và tập trung tại 02 bảo tàng (Cổ vật Cung đình Huế, Lịch sử tỉnh), Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Huế, Phòng trưng bày Dân tộc - Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Huế chưa phát huy hết tiềm năng, giá trị vốn có. Do đó, cần có những giải pháp thiết thực để giữ gìn và phát huy hơn nữa giá trị các di tích, hiện vật đặc biệt là những di sản văn hóa đặc trưng của nền văn hóa Champa ở Thừa Thiên Huế, một bộ phận cấu thành và gắn kết chặt chẽ tạo nên di sản văn hóa Huế độc đáo này. Trong đó:

Trước mắt là bảo tồn hệ thống di tích đã được xếp hạng (tháp Champa Mỹ Khánh, xã Phú Diên; tháp Đôi Liễu Cốc; mở rộng khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích thành Lồi - hệ thống thành lũy đang có nguy cơ bị lấn chiếm, phá hoại). Tiếp tục lập hồ sơ cho các di tích, phế tích và khai quật khảo cổ học di tích văn hóa Champa có giá trị .

Hai là quy hoạch, di chuyển các hiện vật tại một số di tích khó phát huy giá trị về một khu vực để thuận lợi cho việc quản lý, gìn giữ và xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quảng bá.

Ba là chuyển giao các hiện vật văn hóa Champa tại các đơn vị không có chức năng gìn giữ hiện vật (Trung tâm văn hóa và thể thao thành phố Huế, Thư viện Nguyễn Chí Thanh huyện Quảng Điền) về Bảo tàng Lịch sử tỉnh tạo sự thống nhất trong việc quản lý theo quy định của Luật Di sản Văn hóa.

Bốn là nghiên cứu, có phương thức trao đổi các hiện vật văn hóa Champa đang lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, Phòng trưng bảy Dân tộc - Khảo cổ học thuộc Khoa Lịch sử với các hiện vật thuộc Triều Nguyễn, hiện vật dân tộc học đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tỉnh.

Năm là tổ chức nghiên cứu, biên soạn phát hành các ấn phẩm, tuyên truyền quảng bá, định vị các di sản văn hóa Champa trên bản đồ du lịch trong nước, nước ngoài và tổ chức khai thác có hiệu quả loại hình di sản văn hóa Champa phục vụ công tác nghiên cứu, hợp tác quốc tế, ngoại giao.

Hy vọng rằng, trong thời gian không xa, hệ thống di sản văn hóa Champa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục được quản lý một cách khoa học, hợp lý và phát huy giá trị đúng với những tiềm năng và giá trị loại hình di sản văn hóa này phục vụ du lịch đồng thời, nâng cao đời sống văn hóa, tạo địa chỉ hấp dẫn thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế.

Trần Vũ
Các tin khác
Xem tin theo ngày