Lễ tế Xã Tắc truyền thống của người dân Huế
Lượt đọc: 5056Thời gian: 12:59 - 01/04/2021

(VTH) - Sáng 31/3 (nhằm ngày 19 tháng 2 năm Tân Sửu), như thường lệ, tại đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa, TP Huế) nhiều người dân đã đến dâng hương cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Được ấn định tổ chức hàng năm, Lễ tế Xã Tắc diễn ra trang trọng, thành kính với đầy đủ các nghi lễ: Lễ Quán tẩy (rửa tay tẩy trần), lễ Thượng hương (dâng hương), lễ Nghinh thần (rước thần đến dự), lễ Điện Ngọc bạch (dâng ngọc trắng), lễ Truyền chúc (đọc chúc văn), lễ Hiến tước (dâng rượu)... Vật phẩm dâng tế có đủ tam sinh, ngọc lụa, gạo, hoa quả…

Vào thời nhà Nguyễn, Lễ tế Xã Tắc là một trong những nghi lễ cung đình quan trọng xếp vào hàng “đại tự”, thể hiện khát vọng hòa hợp, chung sống với thiên nhiên. Lễ tế đề cao những giá trị nhân văn, phù hợp với đạo lý của dân tộc Việt Nam.

Được tổ chức tái hiện lần đầu tiên vào năm 2008, từ đó đến nay, Lễ tế Xã Tắc được tổ chức hàng năm, trở thành một nét văn hóa mang đậm bản sắc nhân văn, một nghi lễ đang được gìn giữ và duy trì, trở thành một nét đẹp truyền thống của Thừa Thiên Huế.

Đàn Xã Tắc được xây dựng năm 1806, là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của Cố đô Huế. Dưới thời nhà Nguyễn, đàn Xã Tắc được xếp cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành, một trong những “Miếu Đàn” trọng yếu của triều đình và hoàng gia.

TP (Nguồn: Minh Hiền - Báo TTHuế)
Các tin khác
Xem tin theo ngày