Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch
Lượt đọc: 5229Thời gian: 14:54 - 05/07/2021
Thăm nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh tại đường Mai Thúc Loan, TP Huế

VHH - Ngày 05 tháng 5 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định số 989/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch”. Có thể khẳng định, Hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ, đồng thời là cơ sở để khai thác và phát huy các tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.

1. Vài nét về Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế

Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế hiện nay còn khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Trong đó có 4 di tích được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt (Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở 112 Mai Thúc Loan; Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Dương Nỗ; Di tích Đình làng Dương Nỗ; Di tích trường Quốc Học) và 05 di tích, địa điểm di tích xếp hạng cấp tỉnh (Địa điểm di tích trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba; di tích Bến Đá; di tích Am Bà; địa điểm di tích Tòa Khâm sứ Trung kỳ; điểm di tích mai táng bà Hoàng Thị Loan (Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh). Một số địa điểm di tích ở Phú Lễ, Quảng Phú, Quảng Điền liên quan đến những người thân trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhà trưng bày về thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số 7, Lê Lợi, thành phố Huế.

Hệ thống di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình Người ở Huế phong phú, tập trung ở một số địa phương (thành phố Huế, huyện Phú Vang, huyện Quảng Điền), bản thân các di tích mang trong mình giá trị lịch sử sâu sắc, bảo lưu nhiều nét truyền thống về kiến trúc, không gian văn hóa. Vì vậy, du khách đến tham quan nơi đây ngoài việc tìm hiểu về khoảng thời gian Người ở Huế còn được chiêm ngưỡng những khung cảnh đẹp, thơ mộng của thiên nhiên hòa quyện với kiến trúc cổ kính, tạo một cảm giác gần gũi, thân thương và yên bình…

2. Nhiệm vụ cụ thể được đề cập trong Đề án

Nhằm phát huy hiệu quả giá trị hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với phát triển du lịch, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút đông đảo du khách tham quan nghiên cứu, học tập, các nhiệm vụ cụ thể được xác định trong đề án là:

- Bảo tồn di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với trưng bày thân thế, sự nghiệp của Người: qua đó thực hiện việc mở rộng không gian trưng bày tại cụm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, tiến hành tu bổ các di tích liên quan; tiếp tục đổi mới trưng bày Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; sưu tầm tư liệu, hiện vật phục vụ trưng bày tại bảo tàng và các di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.

- Tổ chức các hoạt động phát huy giá trị Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với phát triển du lịch: xây dựng tour du lịch "Theo chân Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế"; tổ chức các hoạt động tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm, chiếu phim tư liệu tại bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh; phối hợp với các đơn vị và địa phương tổ chức các hoạt động sự kiện, kỷ niệm, lễ hội văn hóa tại bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Tổ chức các hoạt động quảng bá Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng: xây dựng các biển bảng quảng cáo, chỉ dẫn về Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, wedsite, mạng xã hội; xuất bản các tờ rơi, tờ gấp giới thiệu; biên soạn các ấn phẩm giới thiệu về bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; xây dựng hệ thống thuyết minh tự động phục vụ du khách (thiết bị và phần mềm); đào tạo kỹ năng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, truyền thông, hướng dẫn thuyết minh...

3. Các giải pháp thực hiện của Đề án

Từ thực trạng hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các di tích của Người và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đã được đề cập tại Đề án, thiết nghĩ cần thực hiện các giải pháp cụ thể sau:

Giải pháp nâng cao nhận thức về công tác phát huy giá trị Bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế gắn với phát triển du lịch: bên cạnh khai thác những đối tượng khách truyền thống (học sinh, sinh viên, các cơ quan, đơn vị...) cần làm tốt công tác truyền thông, mở rộng đối tượng tham quan, nâng cao nhận thức của chính quyền và nhân dân địa phương về bảo tồn và giữ gìn an ninh, vệ sinh môi trường đối với các di tích.

Giải pháp về tổ chức không gian quy hoạch hệ thống dịch vụ tại các điểm tham quan: tăng cường hệ thống dịch vụ văn hóa tại các điểm tham quan nhằm phục vụ nhu cầu của khách tham quan, du lịch đảm bảo nguyên tắc quy hoạch hệ thống dịch vụ nhưng vẫn giữ gìn không gian văn hóa của di tích; tổ chức khai thác các điểm di tích không chỉ các giá trị có sẵn mà bổ sung thêm các hoạt động trải nghiệm mới để hấp dẫn du khách, đưa du khách vào không gian văn hóa, phần hồn của di tích; nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ phục vụ khách tham quan.

Giải pháp về huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa: xã hội hóa trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích; xã hội hóa đầu tư dịch vụ tại các điểm tham quan du lịch của bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực thông qua việc phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức cho các học sinh tham quan, học tập ngoại khóa tìm hiểu di tích...

Giải pháp về tuyên truyền, quảng bá bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với phát triển du lịch: tuyên truyền quảng bá bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên báo, đài phát thanh truyền hình, các trang thông tin điện tử; đẩy mạnh công tác truyền thông; đa dạng hóa các hình thức phối hợp giữa các bảo tàng, di tích để xây dựng mạng lưới quảng bá hình ảnh chung cho bảo tàng, hệ thống di tích trong từng khu vực và trên cả nước; tăng cường các sản phẩm lưu niệm giới thiệu về bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế.

Giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành về di sản văn hóa nói chung; di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và kỹ năng hướng dẫn viên du lịch cho đội ngũ thuyết minh viên tại bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng cơ chế tuyển dụng và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Giải pháp về tăng cường sự gắn kết hoạt động của Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế với các doanh nghiệp du lịch: xây dựng cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp du lịch với Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế trong các hoạt động tập huấn, khảo sát, đánh giá, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành; phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch, Hiệp hội du lịch, Trung tâm lữ hành để đưa khách đến với bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế; gắn kết các hoạt động bảo tàng và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với các doanh nghiệp du lịch trên cơ sở thực hiện minh bạch về trách nhiệm và quyền lợi của Bảo tàng và doanh nghiệp, vì sự phát triển chung của sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch.

Giải pháp về chính sách tài chính cho hoạt động của bảo tàng và tu bổ, tôn tạo di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh: để tạo lực thúc đẩy nhiệm vụ đưa bảo tàng, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm trở thành những điểm đến hấp dẫn đối với đối tượng công chúng và du khách khi đến Huế, cần ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để bố trí kinh phí phù hợp cho công tác trưng bày, sưu tầm hiện vật, công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ và tính chuyên nghiệp trong các hoạt động phục vụ của đội ngũ nhân lực tại bảo tàng, di tích; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ và trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tàng và mở rộng các loại hình dịch vụ tại các di tích và bảo tàng.

Có thể nói, việc triển khai hiệu quả Đề án “Phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế phục vụ phát triển du lịch” sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, đồng thời cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh theo nội dung của Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguyễn Thị Lợi
Các tin khác
Xem tin theo ngày