Bài Chòi dân gian xứ Huế
Lượt đọc: 7831Thời gian: 09:48 - 10/08/2021
Hội chơi Bài Chòi tại Cầu ngói Thanh Toàn

VHH - Bài Chòi dân gian xứ Huế dựa trên một bộ bài gồm 30 cặp quân bài mà người Huế quen gọi là Bài Tới. “Bộ bài Tới ở Thừa Thiên Huế là căn cứ để làm các bộ thẻ tre Bài Chòi ở các tỉnh Trung Bộ. Trong quá trình sử dụng các con bài Tới các nghệ nhân ở mỗi vùng đã biến đổi một phần tên gọi và hình họa của nó cho phù hợp với tâm lý văn hóa, nghệ thuật của địa phương mình”.

Cũng như những nơi khác trên dải đất miền Trung, bộ Bài tới ở Huế có ba pho: văn, vạn, sách và ba cặp bài yêu. Pho văn gồm các con bài: gối trường hai, trường ba, voi, rún, sáu tiền, liễu, tám tiền, xe. Pho vạn gồm có các con bài: học trò, tám cẳng, ba đấu, xơ, quăn, nhọn, bồng, thầy. Pho sách có các con bài: nọc đượng, nghèo, gà, gióng, dày, sáu họt, sưa, tám giây, đỏ mỏ. Ba cặp bài yêu là: ông ầm, thái tử, bạch tuyết. Các con bài được in trên giấy bản dài 12cm, rộng 3cm, rồi phết lên giấy cứng một mặt nhuộm xanh vàng hoặc đỏ. Mặt còn lại vẽ nhiều hình tượng khác nhau kiểu siêu thực, bằng mực đen làm ký hiệu riêng cho mỗi con bài. Trước đây, mỗi con bài Tới được in trên mộc bản gỗ theo lối thủ công rất công phu. Giấy dùng để in tranh phải là loại giấy dó mà người dân ở làng Sình (thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) dùng để in tranh thờ cúng vào các dịp lễ Tết. Hiện nay, nghệ nhân Ngô Thị Bê (có tên gọi khác là Ngô Thị Tuyết) ở làng Địa Linh (thuộc xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà) vẫn còn nắm giữ kỹ thuật in bài Tới bằng mộc bản gỗ, sử dụng giấy dó, tuy nhiên để tiện lợi và đỡ tốn kém, bà đã chuyển sang sử dụng giấy công nghiệp, kỹ thuật in lụa để sản xuất bài Tới bán cho các tiểu thương ở chợ Đông Ba.

Bài Chòi là hình thái nghệ thuật dân gian bình dân, mang bản sắc văn hóa riêng của cộng đồng dân cư. Bài Chòi mang hơi thở của cuộc sống, thể hiện tính đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của những cộng đồng dân cư và được kế tục qua nhiều thế hệ. Nghệ thuật Bài Chòi Huế có nét khác biệt so với các tỉnh Nam Trung Bộ là tính chất hội hè dân gian. Bởi lẽ, nghệ thuật Bài Chòi ở đây vẫn đậm chất dân gian của một hình thức thuần túy trò chơi giải trí cộng đồng vào dịp lễ tết, nó chưa được sân khấu hóa chuyên nghiệp, chưa có các câu lạc bộ hoạt động chuyên nghiệp mà thể hiện qua việc đưa nhiều làn điệu, tích truyện dài vào trong trò chơi cũng như sự xuất hiện vai trò anh hiệu là diễn viên chuyên nghiệp, hay sự xuất hiện các gánh Bài Chòi như: Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Tính cộng đồng trong nghệ thuật Bài Chòi thể hiện ở cách chơi, người chơi, không gian chơi, thời gian chơi có quan hệ gắn bó giữa người chơi và anh hiệu, người chơi và ban tổ chức, là sự tham gia của đông đảo quần chúng, của mọi tầng lớp nhân dân vào trò chơi một cách trực tiếp, chứ không chỉ có thưởng thức hay tán thưởng. Điểm đặc sắc của Bài Chòi là sự kết hợp giữa hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian, là nơi trổ tài, biểu diễn, là nơi gặp gỡ của cộng đồng và trở thành sợi dây vô hình gắn kết tính cộng đồng, mang nét văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt. Trong nhiều thế kỷ qua, nghệ thuật Bài Chòi đã dần trở thành nếp sinh hoạt văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung.

Ở Huế, ngày xưa chơi Bài Chòi cũng là một trò chơi dân gian được nhân dân thường tổ chức chơi vào các dịp đầu xuân tuy nhiên trải qua thời gian, chiến tranh loạn lạc, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn và với nhiều nguyên nhân khác nữa nên trò chơi này hiện nay còn rất ít làng khôi phục và duy trì. Một số làng quê vẫn còn bảo lưu được trò chơi dân gian tiêu biểu này như làng Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy). Theo các nhà nghiên cứu, Bài Chòi xuất hiện ở Thủy Thanh vào khoảng giữa thế kỷ XIX, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất của cộng đồng dân cư. Đây không chỉ là trò chơi dân gian thuần túy mà đã trở thành một hoạt động văn hóa đặc trưng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân địa phương trong các dịp lễ, Tết, các dịp Festival Huế. Khác với Bài Chòi ở các địa phương khác (Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định), Bài Chòi ở Thủy Thanh không đặt nặng tính sân khấu hóa, nhưng vẫn giữ được yếu tố nghệ thuật đặc sắc, riêng biệt. Bài Chòi ở Thủy Thanh là một sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo, vừa mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng cư dân bản địa, vừa in đậm bản sắc văn hóa của vùng miền. Từ một thú chơi dân dã, một món ăn tinh thần của người dân cầu Ngói Thanh Toàn, chơi Bài Chòi đã từng bước trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, một điểm nhấn cho du lịch Huế.

Để bảo vệ và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật đặc biệt này, bên cạnh đẩy mạnh các hoạt động trình diễn, thành lập các câu lạc bộ Bài Chòi, thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với UBND thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền tổ chức các lớp tập huấn thực hành trình diễn Bài Chòi với sự tham dự của các nghệ nhân cao niên, cán bộ văn hóa xã, phường và giáo viên trên địa bàn. Tại buổi tập huấn, ngoài việc được cung cấp các thông tin về lịch sử hình thành và quá trình phát triển nghệ thuật Bài Chòi, các học viên đã được các nghệ nhân cao niên hướng dẫn, truyền đạt các kỹ năng, như: trình diễn, hô, rao, diễn xướng các làn điệu, nhất là những câu hò lưu truyền trong dân gian hay những câu rao do các nghệ nhân phóng tác, ứng tác, phương pháp làm quân bài…

Hiện nay, di sản Bài Chòi ở Huế vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ, phát huy, trao truyền cho các thế hệ sau. Do vậy cần có những biện pháp bảo vệ, phát huy các giá trị di sản Bài Chòi được bền vững như: Tổ chức khảo sát, kiểm kê, đánh giá toàn diện thực trạng về các giá trị văn hóa truyền thống của di sản nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh. Kết hợp việc tổ chức lễ hội truyền thống tại các di tích với hội Bài Chòi và các hoạt động vui chơi giải trí khác để thu hút du khách. Rà soát, tôn vinh và đề nghị Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý (Nghệ nhân Nhân Dân, Nghệ nhân Ưu tú) cho những người có tài năng, có công bảo vệ, truyền dạy, phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi. Đặc biệt cần phục dựng những giá trị chân xác của Bài Chòi đưa vào trình diễn trong các kỳ Festival Huế,  Festival làng nghề truyền thống Huế nhằm giới thiệu, quảng bá về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Đồng thời khuyến khích người dân tham gia các hoạt động bảo tồn nghệ thuật Bài Chòi dân gian tại địa phương, thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản nghệ thuật Bài Chòi truyền thống.

Bài Chòi là hoạt động văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật, thể hiện tình yêu quê hương đất nước và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân. Công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cần được đặt trong một kế hoạch bảo vệ mang tính khoa học nhằm đạt được nhiều thành tựu mới, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Trần Văn Dũng (Phòng DSVH)
Các tin khác
Xem tin theo ngày