Chuyển đổi số ngành Thư viện: Đột phá để phục vụ độc giả
Lượt đọc: 12052Thời gian: 10:48 - 18/08/2021
Ảnh minh họa

(VTH) - “Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11/2/2021, là bước tiến quan trọng để hình thành mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá trong công tác phục vụ độc giả thời kỳ mới. Hiện hệ thống thư viện công cộng, thư viện bộ, ngành đang tích cực chuyển đổi số, song để đạt mục tiêu và hiệu quả cần sự đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa.

Theo điều tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại thư viện 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hầu hết các thư viện đã xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và phần mềm quản lý tại các thư viện chưa đồng bộ và phù hợp với nhu cầu bạn đọc hiện nay.

Vụ Thư viện sẽ chủ trì triển khai phục vụ chuyển đổi số và quản lý ngành Thư viện về chuyển đổi số; xây dựng cơ sở dữ liệu về thư viện Việt Nam; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực; vận động và tìm nguồn tài trợ, xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho việc chuyển đổi số... Mục tiêu là hướng tới xây dựng mạng lưới thư viện hiện đại, tạo đột phá trong việc phục vụ bạn đọc.

Theo Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới, trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thông tin, tri thức trong hệ thống thư viện phải được chuyển tải nhanh chóng tới bạn đọc qua mạng internet. Vì vậy, việc chuyển đổi số ngành Thư viện là xu thế tất yếu nhằm thỏa mãn nhu cầu tra cứu tài liệu từ xa, đọc sách trên mạng của độc giả. Việc chuyển đổi số còn giúp lưu giữ tài liệu cổ, giá trị, đồng thời tăng hiệu quả công việc của người làm thư viện.

Còn theo Giám đốc Thư viện quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga, việc triển khai chương trình chuyển đổi số là cơ hội để ngành Thư viện tăng tốc hiện đại hóa; liên kết, chia sẻ nguồn lực, tạo lập cộng đồng thư viện lớn mạnh. Thư viện quốc gia Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực số, xây dựng nền tảng công nghệ có thể tích hợp, xử lý lượng dữ liệu lớn, hình thành trung tâm dữ liệu dùng chung để phân phối, chia sẻ, liên thông với các thư viện trong và ngoài nước.

TP (trích nguồn: https://bvhttdl.gov.vn)
Các tin khác
Xem tin theo ngày