"Chuyển đổi số" ngành thể thao mang đến "vaccine tinh thần" trong mùa dịch
Lượt đọc: 22414Thời gian: 01:13 - 19/09/2021

(VTH) - "Chuyển đổi số" đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho ngành thể thao trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động không thể thực hiện.

Trong thời gian vừa qua, ngành thể thao Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19 khi hàng loạt giải đấu thành tích cao đến thể thao quần chúng đều không thể thực hiện theo kế hoạch. Rất nhiều giải đấu trong nước và quốc tế bị hoãn, hủy.

Các giải đấu trong nước từ tháng 4 đến nay đều bị hủy, rất ảnh hưởng đến việc tập luyện, cọ xát thi đấu của VĐV nói chung và phong trào thể thao nói riêng.

Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến các đoàn thể thao Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi không có đường bay đi nước ngoài dẫn đến nhiều VĐV buộc phải bỏ một số giải như vòng loại Olympic hoặc Paralympic dẫn đến mất suất tham dự.

"Chúng ta có 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, các VĐV vẫn ở trong vùng xanh (vùng an toàn) nên vẫn có thể tập luyện nâng cao sức khỏe, rèn chiến thuật và vẫn duy trì được. Còn đối với người dân thì cũng rất khó khăn khi tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời, họ sẽ chọn những cách tập luyện trong nhà hoặc những cách tập luyện khác để nâng cao sức khỏe, có thể lực tốt để phòng chống dịch bệnh" – bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT cho biết.

Tuy nhiên, nhu cầu tập luyện, theo dõi thể thao trong thời điểm này của người dân lại tăng cao. Việc hạn chế đi lại đã khiến nhu cầu nâng cao sức khỏe, sức đề kháng để chống lại bệnh tật của người dân trở thành mục tiêu quan trọng. Chính vì vậy, nhiều phương pháp tập luyện thể dục thể thao tại nhà, hoặc tập luyện theo phương án "chuyển đổi số", thi đấu trên các thiết bị giả lập, mô phỏng hay mạng xã hội đã thực sự phát huy hiệu quả.

Bà Lê Thị Hoàng Yến cho biết, trong thời gian qua, để rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể trạng thể lực cho mọi người để phòng chống dịch bệnh, Tổng cục Thể dục Thể thao cũng phối hợp với các đơn vị để tổ chức các bài tập tại nhà trong mùa dịch cho nhiều lứa tuổi khác nhau và cho mọi người, kể cả ở khu cách ly hoặc công sở thì vẫn phải tập luyện được. Gần đây nhất là chương trình tập luyện với chủ đề "Cả nhà tập ngay - đánh bay Covid".

Theo đó, bộ tài liệu gồm 7 nhóm bài hướng dẫn thể dục phù hợp cho từng lứa tuổi và 5 nhóm bài tập phù hợp khi làm việc tại nhà, khu cách ly và tại công sở, khu công nghiệp. 7 nhóm bài hướng dẫn thể dục phù hợp cho từng lứa tuổi gồm: những bài tập phù hợp tại nhà; những bài tập dành riêng cho người cao tuổi; bài tập dành cho đàn ông trung niên; bài tập dành cho phụ nữ; bài tập dành cho thanh, thiếu niên; bài tập dành cho trẻ em; bài tập dành cho người khuyết tật. 5 nhóm bài tập phù hợp khi làm việc tại nhà, khu cách ly và tại công sở, khu công nghiệp gồm bài thể dục phòng, chống mệt mỏi toàn thân; thể dục phòng, chữa đau mỏi lưng, cổ, vai, gáy; thể dục phòng, chống mệt mỏi hai tay và mắt; thể dục phòng, chống mệt mỏi chân và đau xương khớp; thể dục hồi phục sức khỏe do ốm dậy hoặc lao động trong môi trường độc hại…

"Thực ra đây là việc lâu dài, chúng tôi đã nhiều năm triển khai, sản xuất các bài tập nhưng hiện nay trở thành chiến dịch truyền thông để cho mọi người biết đến những bài tập này và bổ sung các bài tập mới để cho mọi người tham khảo. Từ trung ương đến địa phương, các đối tượng học sinh, sinh viên đều có thể áp dụng. Cũng chỉ mong muốn mọi người hãy vận động rèn luyện bằng nhiều hình thức khác nhau: Nhảy dây tại chỗ hay yoga, các động tác thể dục dưỡng sinh, thể dục tại chỗ… phù hợp với hoàn cảnh gia đình cũng như điều kiện sức khỏe để có thể tập luyện trong môi trường an toàn mà vẫn giữ được thể lực. Ở bất cứ thời điểm nào thì thể lực, sức khỏe vẫn rất quan trọng. Đặc biệt khi tập thể dục thể thao sẽ sinh ra năng lượng tích cực, chúng ta còn lan tỏa năng lượng ấy đến mọi người, đó chính là "vaccine tinh thần" hiệu quả." – bà Yến nói.

Được biết, Tổng cục TDTT đã triển khai chương trình này và số hóa trên các phương tiện truyền thông như website hoặc trên MXH Facebook, Youtube của đơn vị để truyền tải và nhận được sự hỗ trợ, hưởng ứng nhiệt tình từ các đơn vị truyền hình quốc gia cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Trong thời gian tới đây, Tổng cục TDTT đang tiến tới xây dựng những thông điệp ngắn gọn giống như thông điệp 5K của Bộ Y tế, có những bài nhạc ngắn gọn, vui tươi để cổ động tập luyện thể thao.

Thực tế, chỉ sau một thời gian ngắn thực hiện, phương án này đa thu về nhiều kết quả tích cực khi nhận được rất nhiều video của khán giả gửi về với nhiều bài tập sinh động, phong phú, đa dạng khác nhau được gửi về.

"Họ quay video hoặc chụp ảnh gửi về cho chúng tôi, đó là những hình thức tập luyện rất sáng tạo qua những bài tập chúng tôi đã hướng dẫn. Ở rất nhiều độ tuổi khác nhau mọi người đều tập và gửi đến. Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ trên những trang thông tin của Tổng cục, các trang MXH để mọi người biết đến để tham gia tập luyện. Nhiều VĐV nổi tiếng như VĐV Phạm Phước Hưng cũng giúp chúng tôi quay các video anh vừa hướng dẫn vừa tập luyện tai gia đình, vừa bế con mà vẫn tập luyện được. Rất vui và có ích. Đó là những hình mẫu, những điển hình rất tốt để chúng ta có thể học" – Bà Lê Thị Hoàng Yến nói.

Cũng theo bà Yến, "chuyển đổi số" là phương án bắt buộc phải diễn ra trong tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng như hiện tại. Đây có thể là phương án lâu dài cho kế hoạch nâng cao tầm vóc và thể lực người Việt Nam nói chung để phục vụ hoạt động bình thường, hoạt động nâng cao thể lực cho các VĐV nói riêng.

Trong thời gian tới, Tổng cục TDTT xác định công tác tuyên truyền trên các nền tảng "chuyển đổi số" là một trong những công tác quan trọng nhất vừa có thể tham gia phòng chống dịch, thực hiện 5K của bộ Y tế, vừa giúp mọi người dân tham gia tập luyện.

Theo https://bvhttdl.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày