Xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở Phong Điền
Lượt đọc: 997Thời gian: 09:02 - 12/09/2022
Hát múa Sắc bùa là một hình thức lễ hội dân gian đặc sắc của huyện Phong Điền

Trong những năm qua, công tác triển khai thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư trên địa bàn huyện Phong Điền đã có bước chuyển biến tích cực góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng Nông thôn mới ở địa phương.

Bám sát với tình hình thực tế

     Hiện nay, 100% các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện Phong Điền đã được UBND các huyện công nhận hương ước, quy ước; tình hình thực hiện hương ước, quy ước cơ bản được thực hiện nghiêm túc, có tính tự giác cao, các quy ước, hương ước được phổ biến công khai trong các cuộc họp, sinh hoạt thôn. Nội dung của quy ước, hương ước bám sát với tình hình thực tế, tập trung xoay quanh các vấn đề như: An ninh trật tự, vệ sinh môi trường, việc cưới, việc tang, các phong tục tập quán của địa phương… Qua đó, góp phần phòng chống các tệ nạn xã hội, giúp đoàn kết trong cộng đồng dân cư giải quyết các tranh chấp, mâu thuẩn nảy sinh trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

     Ông Hoàng Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, đánh giá: “Việc xây dựng hương ước, quy ước của các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn huyện đảm bảo phát huy dân chủ, công khai, bảo đảm tinh thần tự nguyện, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất của cộng đồng dân cư. Phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng. Các hương ước, quy ước đã bám sát tình hình thực tế của từng địa phương, nội dung hương ước là những vấn đề, phương pháp điều chỉnh các mối quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng, xây dựng nếp sống văn hóa mới, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đưa ra các biện pháp phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường...”.

     Hương ước, quy ước có nội dung quy định cụ thể như: thực hiện các tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới, các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hoá, nếp sống văn minh… Trên cơ sở đó, ý thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực và đồng lòng chung tay thực hiện. Ông Lê Phước Hà, người dân thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, cho biết: “Người dân chúng tôi đều được trực tiếp tham gia đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước. Ngoài các quy định chung, chúng tôi đã bổ sung một số quy định sát với thực tế như: nghiêm cấm dựng rạp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, không gây ô nhiễm môi trường… Từ đó, mỗi người dân đều nâng cao ý thức hơn”.

     Khơi dậy tính chủ động, tự nguyện

     Ngoài ra, các xã, thị trấn còn lồng ghép xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước gắn liền việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm xóa bỏ những phong tục lạc hậu, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; vận động người dân đóng góp vào các Quỹ: Đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, vì người nghèo; gắn với phong trào toàn dân xây dựng xã hội học tập, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa...

     Ông Trần Công Phước, Chủ tịch UBND xã Phong An, cho biết: “UBND xã đã chỉ đạo các thôn xây dựng hương ước, quy ước gắn với nội dung cam kết “5 có, 5 không”. Nhiều hủ tục lạc hậu đã được đẩy lùi, người dân thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức việc cưới, việc tang đảm bảo văn minh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Những tín ngưỡng văn hóa mang bản sắc dân tộc tiếp tục được duy trì và phát triển”.

      Vai trò của hương ước, quy ước đã phát huy hiệu quả trong việc khơi dậy tính chủ động, tự nguyện của bà con đối với những công việc chung của địa phương. Năm qua, tỷ lệ gia đình văn hóa của huyện Phong Điền đạt trên 95%. Có thể nói, hương ước, quy ước đã góp phần vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đóng góp nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, chung tay xây dựng Nông thôn mới. Đời sống kinh tế của nhân dân từng bước được ổn định và phát triển bền vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua hàng năm. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện ngày càng được đầu tư hoàn thiện, diện mạo khu vực nông thôn có nhiều đổi mới.

Ông Thái Văn Luyến, Trưởng thôn Xuân Điền Lộc, xã Phong Xuân chia sẻ: “Trên cơ sở kế thừa và phát huy những thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa; đồng thời bổ sung những nội dung mới tiến bộ phù hợp với tình hình thực tế địa phương, hằng năm Ban quản lý thôn rà soát toàn diện công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước để kịp thời sửa đổi, bổ sung thay thế những quy ước không còn phù hợp với pháp luật hiện hành. Ngoài quy định chung, hương ước còn coi trọng việc phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng gia đình văn hóa lành mạnh… qua đó, phát huy hiệu quả trong việc khơi dậy tính chủ động, tự nguyện của bà con đối với những công việc chung của thôn”.

     “Việc thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần tích cực vào kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và xây dựng Nông thôn mới; phát huy tốt vai trò tự quản, ý thức chủ động, tích cực của cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh, thúc đẩy KT-XH phát triển. Hương ước, quy ước đã đi vào thực tế đời sống của người dân. Nhất là, khi Phong Điền đang tập trung phấn đấu huyện trở thành Thị xã theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Hoàng Văn Thái, khẳng định.

Nguyễn Tiến Dũng (PĐ)
Các tin khác
Xem tin theo ngày