Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế: Xứng đáng là Di sản ký ức thế giới
Lượt đọc: 77758Thời gian: 14:22 - 20/05/2016

(VHH) - Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những tác phẩm tinh tuyển từ vô số các trước tác của các vị hoàng đế tài hoa triều Nguyễn. Chúng không chỉ phản ánh trí tuệ, tài năng của các vị hoàng đế triều Nguyễn, mà hệ thống thơ văn này còn phản ánh truyền thống văn hóa và đặc trưng của xứ Huế, vùng đất của thi ca và các thi nhân nổi tiếng.

Đó thực sự là một kho tàng văn hóa vô giá của xứ Huế, của Việt Nam mà cho đến nay chưa phải ai cũng biết đến dù chúng có hàng ngàn đơn vị, hiển hiện khắp nơi trên nhiều, rất nhiều công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn tại cố đô Huế. Khi lấp lánh rạng ngời trong vàng son rực rỡ, khi ẩn hiện thấp thoáng thật trang nhã cao siêu, những vầng thơ ngự chế, những câu đối, những đại tự chữ Hán... đều là sản phẩm trí tuệ tuyệt vời của các vị hoàng đế triều Nguyễn, được chạm, khắc, khảm, đúc, nung, ghép... bằng nhiều chất liệu khác nhau: Gỗ, đồng, pháp lam, ngà voi, xương, sành sứ... tạo nên một bộ sưu tập thơ văn vô cùng phong phú và có giá trị đặc biệt về mỹ thuật, văn hóa và lịch sử. Đây là điều chưa từng có trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, và có lẽ cũng chưa từng thấy ở nơi nào khác trên phạm vi toàn thế giới.

Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những tác phẩm tinh tuyển từ vô số các trước tác của các vị hoàng đế tài hoa của triều Nguyễn, bắt đầu được sử dụng để trang trí trên cung điện, đền miếu, lăng tẩm hoàng gia từ thời Minh Mạng (1820-1841) đến thời Khải Định (1916-1925). Công việc này được thực hiện bởi những đôi tay vàng của các thế hệ nghệ nhân giỏi nhất quốc gia. Trải qua bao dâu bể, sự khắc nghiệt của thời gian, thiên tai, sự tàn phá của chiến tranh, đến nay Huế vẫn còn bảo tồn được được hơn 3000 đơn vị với đầy đủ các loại hình: Thơ, văn, câu đối, đại tự... Đây thực sự là một bảo tàng thơ văn cổ phong phú và hết sức độc đáo.

Thơ văn trên kiến trúc cung đình thường được trang trí theo lối “nhất thi nhất họa” hoặc “nhất tự nhất họa”, mỗi bài thơ hay mỗi đại tự được trang trí kèm một bức tranh. Vị trí thể hiện chủ yếu là trên các liên ba, đố bản hay cổ diềm các công trình, cả trong nội thất và ngoại thất, để ở vị trí nào người ta cũng có thể chiêm ngưỡng, thưởng thức được. Thơ thì phổ biến là thể ngũ ngôn, thất ngôn; câu đối thì khá đa dạng, không cố định số chữ; đại tự thì chủ yếu là các mỹ tự với ý nghĩa tốt đẹp.

Thư pháp và cách thức thể hiện thì vô cùng phong phú, đủ cả 4 loại hình chân, thảo, triện, lệ; xếp ngang, đặt dọc, thậm chí có hai bài thơ trên điện Long An còn được bố trí theo hình bát quái rất kỳ ảo, để mỗi bài thơ tuy chỉ có 56 chữ nhưng lại có thể đọc thành 64 bài thơ hoàn chỉnh khác nhau! Tranh đi kèm thơ thì đa dạng, ngoài chủ đề phổ biến là bát bảo (tám vật quý), tứ thời hay tứ quý (4 mùa) thì còn có tranh phong cảnh, cổ đồ... Tùy vào chất liệu (trên gỗ, trên đồng, trên đá, trên bê tông, vôi vữa...), những nghệ nhân xưa đã khéo léo lựa chọn những màu sắc phù hợp cùng cách thể hiện (sơn, thếp, chạm, khảm, tráng men, đắp gắn...) để những áng thơ văn và các bức tranh đi kèm trở nên nổi bật, hoặc lung linh, hoặc mờ ảo, hoặc trang nhã, phù hợp với bối cảnh cụ thể.

Về mặt nội dung, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế tuy là thơ ngự chế của các vị hoàng đế, nhưng nội dung, chủ đề khá phong phú. Ở khu vực từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa, khu vực trung tâm và quan trọng nhất của hoàng cung, nơi tổ chức các nghi lễ triều hội, thơ văn đều theo mạch chủ đề ca ngợi đất nước văn hiến, hùng cường, ca ngợi non sông gấm vóc, ca ngợi triều Nguyễn với công lao to lớn thống nhất giang sơn, mở rộng bờ cõi, ca ngợi triều đại thịnh trị... Gần 300 bài thơ trên 2 công trình Ngọ Môn, và điện Thái Hòa đều nhất quán với chủ đề này, tTiêu biểu nhất là bài thơ khắc ở gian chính giữa điện Thái Hòa:

Nước ngàn năm văn hiến,

Thống nhất muôn dặm xa.

Từ Hồng Bàng mở cõi,

Trời nam một sơn hà

(Văn hiến thiên niên quốc, Xa thư vạn lý đồ. Hồng Bàng khai tịch hậu, Nam phục nhất Đường Ngu).

Thơ văn ở các miếu thờ trong Hoàng cung như Triệu Tổ Miếu, Thái Tổ Miếu, Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu thì chủ yếu ca ngợi công lao to lớn của các bậc hoàng đế đầu triều, ghi nhớ công ơn của tổ tiên đã đặt nền móng, gây dựng cơ nghiệp.

Còn thơ ở các lăng tẩm hoàng gia, tiêu biểu là lăng vua Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Khải Định thì chủ yếu là nổi niềm tâm sự riêng của các vị hoàng đế về thế thái nhân tình, sự quan tâm đến cuộc sống người dân, quan tâm đến nền nông nghiệp nước nhà, hoặc ca ngợi cảnh đẹp độc đáo vô song của khu lăng - ngôi nhà vĩnh cửu mà họ đã dày công chọn lựa. Ở mặt trước điện Khải Thành, lăng vua Khải Định có câu đối gắn bằng sành sứ rất hay:

Bốn phía đều là kỳ quan, cảnh sắc tựa chốn riêng trong vũ trụ

Ngàn năm hun đúc vượng khí, núi sông ôm ấp bảo hộ muôn đời

(Tứ diện hiến kỳ quan phong cảnh biệt khai vũ trụ, Ức niên chung vượng khí giang sơn trường hộ trừ tư).

Điều đáng nói là cho đến nay, hệ thống thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế vẫn được bảo tồn rất tốt, trừ các tác phẩm đã bị mất mát do công trình bị tiêu hủy, số còn lại được giữ gìn hầu như nguyên vẹn. Đánh giá về kho tàng thơ văn này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một di sản vô cùng đặc biệt, nó không chỉ phản ánh trí tuệ, tài năng của các vị hoàng đế triều Nguyễn, mà còn phản ánh truyền thống văn hóa và đặc trưng của xứ Huế, vùng đất của thi ca và các thi nhân nổi tiếng. Di sản này rất xứng đáng là Di sản tư liệu thế giới, để được vinh danh và bảo tồn bền vững cho các thế hệ mai sau.

* "Ký ức của Thế giới" là ký ức của toàn thể những di sản tư liệu của toàn nhân loại về các lĩnh vực: chính trị, lịch sử, văn hóa... thể hiện sự phát triển của tư tưởng cũng như thành tựu của xã hội loài người. Đây là di sản của quá khứ đối với cộng đồng thế giới hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, năm 1992, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã khởi xướng Chương trình Ký ức thế giới (tiếng Anh là: Memory of the World - viết tắt là MOW).

Mục đích của Chương trình MOW là thông qua danh mục Di sản tư liệu thế giới nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong việc gìn giữ các sưu tập tài liệu quý, hiếm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và tiếp cận chúng, cụ thể là: Ghi nhận những di sản tài liệu có giá trị quốc tế, khu vực và quốc gia; Bảo quản các bộ sưu tập tài liệu có nguy cơ bị hủy hoại do thời gian, do chiến tranh và những biến động xã hội khác; Tổ chức lại các bộ sưu tập đang bị phân tán và tổ chức phục vụ nghiên cứu các tư liệu này; Nâng cao nhận thức của xã hội về tầm quan trọng của công tác bảo tồn những di sản tư liệu quý, hiếm...

* Tính đến nay, Việt Nam đã sở hữu 6 Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO, trong đó có hai Di sản tư liệu thế giới và bốn Di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Gồm: “Tài liệu Mộc bản triều Nguyễn” năm 2009; “Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám” năm 2010; “Mộc bản Kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm” năm 2012’; “Châu bản Triều Nguyễn” năm 2014; “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế” và “Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) năm 2016.

 

BM (Theo VOV)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày