Họp BCĐ phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế
Lượt đọc: 73200Thời gian: 17:35 - 16/06/2016

(VHH) - Sáng ngày 16/6/2016, tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã diễn ra cuộc họp Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Dung - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh đã nghe Sở Du lịch báo cáo về thực trạng và đề đạt ý kiến cho Kế hoạch triển khai thực hiện các vấn đề cấp bách về phát triển du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là xử lý tình trạng xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu đầm phá, vùng biển; ngăn chặn trình trạng chèn ép, lợi dụng, lừa đảo khách du lịch và đề xuất xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố Huế phục vụ khách du lịch; đồng thời đóng góp ý kiến về kiện toàn lại Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh trong thời gian đến.

Đánh giá về hiện trạng tình hình du lịch, Sở Du lịch tỉnh cho biết, thời gian qua, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, kết hợp tuyên truyền quảng bá và thường xuyên cập nhật, cung cấp các thông tin về các điểm du lịch mới trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Thừa Thiên Huế đã thu hút một lượng lớn khách du lịch, với 1.69 triệu lượt, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khách quốc tế đạt 610 ngàn lượt, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; Khách lưu trú đón được 978 ngàn lượt, tăng 3%, trong đó khách quốc tế đật 410 ngàn lượt, tăng 2% so với cùng kỳ. Khách du lịch tàu biển ước đạt 21.000 lượt. Doanh thu du lịch đạt 1.490 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng thời điểm năm trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề đạt được, du lịch của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn như:  tình hình kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng đến lượng khách đến tham quan; công tác đầu tư du lịch còn ít được quan tâm phát triển; các dự án đầu tư còn dàn trãi, chưa tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm; chính sách thu hút đầu tư du lịch còn chung chung, chưa mang tính đột phá, tạo sự khác biệt so với các địa phương khác; phát triển hoạt động kinh doanh lưu trú và lữ hành chưa thật sự đáp ứng nhu cầu, tình hình đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách vẫn còn hạn chế, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường ở các địa điểm du lịch chưa cao, sự phối hợp liên kết hợp tác xúc tiến phát triển du lịch giữa các đơn vị kinh doanh du lịch và cơ quan quản lý du lịch chưa cao, phát triển du lịch còn thiếu sự bền vững, nhiều vấn đề về môi trường du lịch chưa được giải quyết; phát triển sản phẩm du lịch chưa đạt như kỳ vọng, còn thiếu sản phẩm đặc thù, mang bản sắc riêng; công tác xúc tiến quảng bá chưa có sự chuyển biến đột phá tương xứng với yêu cầu phát triển; hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế...hiệu quả từ hoạt động du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Đ/c Phan Tiến Dũng - TUV, Giám đốc Sở VHTT phát biểu ý kiến tại buổi họp

Để khắc phục tình trạng này, tại cuộc họp, nhiều đại biểu đã góp ý thiết thực cho kế hoạch triển khai thực hiện các vấn đề cấp bách về môi trường du lịch trong thời gian qua, đặc biệt là tập trung vào những vấn đề chính là:

Phát triển sản phẩm du lịch nhằm tăng cường chất lượng, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch và tạo sức cạnh tranh cao cho du lịch của tỉnh, ưu tiên xây dựng và làm mới sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng loại hình du lịch di sản, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch; xây dựng và phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, ưu tiên đầu tư các sản phẩm du lịch biển, hàng không để phát triển nguồn du lịch quốc tế, có hướng xây dựng và phát triển các điểm du lịch mới lạ khác mà du khách quan tâm.

Đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch gắn với sản phẩm đặc trưng, thương hiệu ẩm thực Huế, xây dựng các phố ẩm thực đêm hấp dẫn thu hút du khách. Ưu tiên thu hút đầu tư về cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch có thương hiệu mạnh, đẳng cấp. Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm, phát triển và duy trì các loại hình dịch vụ du lịch nói trên tại các địa phương như làng cổ Phước Tích, Cầu ngói Thanh Toàn...

Xây dựng chương trình tổng thể triển khai xúc tiến quảng bá theo hướng hiệu quả, thiết thực; tăng cường xã hội hóa kinh phí, huy động các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan cùng tham gia quảng bá xúc tiến du lịch đối với thị trường trong nước và quốc tế.

Xây dựng các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, các chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, trong đó có việc phát triển các thiết chế phục vụ cho du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo quan điểm phát triển về chiều sâu chất lượng, hiệu quả, bền vững và cạnh tranh.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Dung - Trưởng ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh yêu cầu các cơ quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được phân công một cách quyết liệt để giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách còn tồn tại đối với du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, tiếp tục phối hợp để nâng cao các hoạt động tại các điểm di tích, phát triển trên tinh thần cầu thị, phát huy hình ảnh, thương hiệu du lịch Huế...quyết tâm xây dựng Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc của cả nước. Đồng chí cũng yêu cầu Sở Du lịch tỉnh cần tiếp thu các ý kiến góp ý của các Thành viên tại cuộc họp, và xây dựng ổn định bộ máy quản lý, cũng như tham mưu quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh một cách cụ thể, chi tiết, hiệu quả và thiết thực; trong đó nêu rõ trách nhiệm từng thành viên Ban Chỉ đạo, các biện pháp xử lý, tổ chức thực hiện, thời gian thực hiện... Đồng thời phối hợp giải quyết các vấn đề cấp bách về môi trường phát triển du lịch, phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất những chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch trong tình hình mới nhằm đưa du lịch Thừa Thiên Huế phát triển lên tầm cao mới, khẳng định vị thế và hình ảnh của một trung tâm văn hóa - du lịch quan trọng của cả nước.

TP
Các tin khác
Xem tin theo ngày