Nét đẹp của gia đình truyền thống
Nét đẹp lớn nhất mà ai cũng có thể nhận thấy, bắt nguồn từ thuở cha ông, đó là mối quan hệ nghĩa tình trong gia đình. Gia đình - một tổ chức dựa trên quan hệ nghĩa tình. Đây là nét đặc trưng, một nét đẹp văn hoá mà có lẽ chỉ có ở một dân tộc hình thành từ nền nông nghiệp lúa nước, lại phải trường kỳ chịu cảnh thiếu thốn khó khăn, phải chống chọi với ngoại xâm, thiên tai và thú dữ.
Có thể nói, mỗi gia đình Việt Nam đều có nếp sống riêng, tạo nên gia phong, nề nếp của từng nhà, nơi mà tất cả các thành viên sống hòa thuận, thương yêu đùm bọc lẫn nhau với tinh thần “Chị ngã em nâng”, “Anh em như thể tay chân”, “Môi hở răng lạnh”... Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách. Mỗi người khi sinh ra và lớn lên luôn được nuôi dưỡng và bao bọc bởi cha mẹ, rộng hơn nữa là ông bà, cô bác, anh chị em ruột thịt.
Nhà nghiên cứu Phan Trọng Luận đã viết: “Những bài học đạo lí bao đời nay được cha ông ta ghi truyền vào ca dao, vào lời hát ru của bà mẹ ngay từ tuổi ấu thơ của những con người Việt Nam. Và dần dần, nó đã trở thành những bài học luân lí, những tình cảm, những tín niệm chi phối sự ứng xử hàng ngày của mỗi con người. Những lời răn dạy của ông bà, cha mẹ, những mẩu chuyện gia đình, những hành vi thị phạm của người lớn dần dần thấm vào đời sống tinh thần của những đứa trẻ, những thanh thiếu niên của những gia đình được tiếng thơm là có gia phong. Và trên đường đời, con đẻ của những gia đình ấy thường có sức tự đề kháng mạnh hơn hẳn những đứa trẻ khác. Truyền thống gia đình không chỉ là một giải pháp ngăn chặn làn sóng sa đọa về đạo đức nhân sinh ở những nước phát triển, mà còn là một kho báu góp vào tiềm lực cho mỗi dân tộc trên hành trình đi vào tương lai”.
Trong quan niệm về gia đình của người Việt Nam còn coi trọng mối quan hệ giữa các gia đình với nhau và cũng trên nguyên tắc tình nghĩa, sống có nghĩa, có tình, tình làng nghĩa xóm. Cùng hợp tác với nhau trong sản xuất, trong việc chống chọi thiên tai, thú dữ, nên người Việt Nam sớm sinh sống theo lối quần cư. Làng từ đó mà hình thành rồi sau này, làng trở thành các đơn vị hành chính. Từ mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình với nhau mà Đảng ta đã đề ra chủ trương rất phù hợp là “Xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, xây dựng “làng văn hoá”, “khu văn hoá”.
Nâng cao vai trò của gia đình trong xã hội hiện đại
Thực tế lịch sử cho thấy, không một xã hội có thể được coi là văn minh và phát triển nào lại được xây dựng trên những quan hệ gia đình lỏng lẻo, trên sự khủng hoảng gia đình.
Ngày nay, chúng ta thường nói nhiều đến sự phá hủy môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái nhưng lại ít cảnh giác với những sự hủy hoại chính bản chất sự sống của con người, hủy hoại các giá trị sống, các giá trị nhân đạo vốn liên kết con người với nhau thành xã hội, trong đó có giá trị gia đình.
Những năm gần đây, sự tôn trọng gia đình ở nhiều tầng lớp xã hội đang bị giảm sút mạnh mẽ. Tình trạng con cái bất hiếu với cha mẹ, cha mẹ mải làm ăn kiếm tiền, không quan tâm giáo dục con cái, vợ chồng không chung thủy, cha mẹ ly thân, ly hôn làm con cái chán nản, cảm thấy mình bị bỏ rơi, mặc cảm về gia đình gia tăng...
Điều này có những nguyên nhân từ cơ sở xã hội, từ sự nhận thức và cũng từ chính bản thân sự kém bền chặt của gia đình.
Vậy giải pháp nào để nâng cao hệ giá trị gia đình? Theo GS. Lê Thị Quý: “Về điểm này, để nâng cao giá trị gia đình trong xã hội hiện đại chúng ta phải giáo dục cho các thế hệ mai sau những nguyên tắc “tình nghĩa” trong việc xử lý những mối quan hệ gia đình. Cần phải có các hình thức biểu dương những tấm gương gia đình tình nghĩa, xây dựng những chuẩn mực văn hóa gia đình mới, đưa những chuẩn mực này lên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Cũng theo GS. Lê Thị Quý, việc củng cố và nâng cao vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội còn tùy thuộc vào sự củng cố tính bền vững của gia đình, năng lực tự bảo vệ và phát triển của gia đình trước những biến động phức tạp của xã hội. Về phương diện này, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các gia đình văn hóa phù hợp với những đòi hỏi với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Đức hy sinh, tính bản thiện, sự quan tâm tới mọi người và nhân cách cao thượng của ông bà, mẹ cha có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ.
Sẽ không có những đứa con vô cảm, không quan tâm đến gia đình, cộng đồng và đất nước nếu như mẹ cha luôn là những người biết chăm lo cho người khác. Nếu cha mẹ biết chăm lo gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, yêu nguồn cội tổ tiên, có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, sôi nổi thì chắc chắn con cái họ cũng sẽ biết tôn trọng và gìn giữ truyền thống ông cha. Giá trị truyền thống của gia đình Việt sẽ luôn luôn tỏa sáng bởi sự gắn kết, sẻ chia và tình yêu thương của ông bà, mẹ cha, con cái.
Bên cạnh đó, việc đưa những nội dung giáo dục các giá trị gia đình truyền thống vào cuộc sống học tập, sinh hoạt thường ngày của trẻ trong gia đình và cộng đồng là hết sức cần thiết.
Để giữ gìn và truyền dạy các giá trị tốt đẹp của gia đình cho thế hệ trẻ, chúng ta cũng không thể không đẩy mạnh công tác truyền thông. Gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đã phát hiện và tuyên truyền về những tấm gương về lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ, lối sống tình nghĩa trong các mối quan hệ thầy trò, bè bạn, xóm giềng... sự tương trợ, giúp đỡ của cá nhân và cộng đồng đối với những người yếu thế và gặp khó khăn trong xã hội.
Đã đến lúc cần sự vào cuộc, chung tay của cả cộng đồng vì một xã hội ổn định và phát triển, vì hạnh phúc thiêng liêng của hai tiếng Gia Đình.