Tác động khó lường của biến đổi khí hậu tới di sản
Lượt đọc: 81110Thời gian: 13:56 - 29/06/2016

(VHH) - Sự thay đổi khí hậu toàn cầu đang là mối đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của trái đất trên mọi lĩnh vực, trong đó có tác động tiêu cực đến các di sản văn hóa.

Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét hơn và ảnh hưởng trực tiếp lên mọi lĩnh vực, trong đó có những hiểm họa đang đe dọa đến di sản văn hóa và thiên nhiên. Hàng loạt di tích phải "gồng mình" chống chọi với thời tiết cực đoan.

Di sản văn hóa và di sản thiên nhiên vốn có mối quan hệ mật thiết với tự nhiên, xã hội nhưng cũng rất nhạy cảm trước tác động của hai yếu tố này. Thiên tai, động đất, chiến tranh, bom đạn... diễn ra dù chớp nhoáng hay kéo dài cũng gây những ảnh hưởng xấu tới sự tồn tại của di sản. Nước ta tuy ít phải chịu những thảm họa lớn về động đất, sóng thần, núi lửa như các quốc gia khác nhưng hàng năm lại phải lo đối phó với hàng chục cơn bão có diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại về con người, tài sản và một lẽ tất yếu, di sản cũng không tránh khỏi hệ lụy. Trong số hơn 800 di sản thế giới, Việt Nam có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên nhưng gần như cả 8 di sản này đều đã chịu những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Chưa kể đến là hàng nghìn di tích, danh lam thắng cảnh, khu dự trữ sinh quyển... cũng ảnh hưởng nặng nề.

Di tích Mỹ Sơn chịu nhiều tác động của thời tiết

Biến đổi khí hậu đã gây ra ngập lụt ở Hội An, quần thể di tích cố đô Huế. Ở hai địa phương này hầu như năm nào cũng có bão ghé qua. Phố cổ Hội An bên bờ sông thơ mộng là thế nhưng mỗi mùa lũ dâng lên lại nhấn chìm các ngôi nhà trong biển nước, thậm chí có những nhà bị nghiêng tới 20 độ. Nước lũ ngâm lâu khiến gỗ, ngói bị mục nát, xuống cấp nghiêm trọng. Những bức tường cổ kính của kinh thành Huế bị lốc cuốn nghiêng, chân thành sụt lún. Nhà vườn mong manh trước bão lụt, các lăng ven sông Hương ngập bùn đất... Hang động trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng bị giảm độ bền do nước xoáy, va đập gây xói lở và đục khoét lòng sông dẫn vào hang, núi đá vôi ở Vịnh Hạ Long do tác động địa chấn cũng sạt lở. Thánh địa Mỹ Sơn chịu tác động thường xuyên của khí hậu nóng ẩm gió biển, mưa lũ và hơi nước cũng bị mủn, rạn nứt và sụt lún... Bên cạnh đó, các di sản chưa xuất lộ, hiện đang còn nằm vùi trong lòng đất có thể phải chịu những tác động do độ ẩm, nhiệt độ, ngập nước... gây thay đổi, biến dạng.

Các di tích lịch sử phần nhiều gắn kết chặt chẽ với môi trường đất. Do hứng chịu nhiều nước ngấm vào đất sẽ trở nên mềm và xốp hơn dẫn đến phá hoại cấu trúc của tường và sàn. Độ ẩm trong đất tăng cũng tỷ lệ thuận với quá trình muối hóa và phá hủy các cấu trúc tinh thể. Các loại côn trùng trong điều kiện ẩm ướt cũng làm vật liệu gỗ và vật liệu hữu cơ bị đe dọa.

Di sản ở Huế và Hội An hằng năm phải chịu ảnh hưởng của thiên tai bão lũ

Nhìn một cách tổng thể, biến đổi khí hậu đang có ảnh hưởng nghiêm trọng tới di sản, kể cả di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là những di sản ở các vùng có độ cao đáng kể, các vùng ven biển, vùng đất ngập nước, khu vực gần hành lang di trú của các loài... Theo một cuộc điều tra của Trung tâm Di sản thế giới trên 83 quốc gia thành viên thì có tới 72% khẳng định biến đổi khí hậu tác động tới di sản văn hóa và thiên nhiên nước mình, 46 quốc gia đang có những hoạt động giám sát chặt chẽ biến đổi khí hậu... Các chuyên gia cho rằng để bảo tồn bền vững di sản trước tác động của biến đổi khí hậu cần phải giảm bớt những áp lực về môi trường, loại bỏ sự xâm nhập của các sinh vật ngoại lai, tạo và mở rộng các vùng bảo vệ hiện có đồng thời tăng cường công tác điều tra, giám sát, phân tích mức độ nhạy cảm...

Trước những tác động khó lường và diễn biến ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu, các di sản đang có nguy cơ bị mai một thậm chí bị phá hủy hoàn toàn nếu không có những biện pháp ngăn chặn và khắc phục kịp thời.

CINET (Tổng hợp: dch,vacne.org,monre.gov)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày