Sân cỏ nhân tạo truyền lửa đam mê
Lượt đọc: 81067Thời gian: 17:15 - 04/07/2016

(VHH) - Chính nhờ những giải đấu ở các sân cỏ nhân tạo, phong trào bóng đá cộng đồng hiện nay đã phát triển không ngừng.

Đạt tới đỉnh cao

Ngày hè, tìm đến các sân cỏ nhân tạo lúc nào cũng thấy sôi động. Nếu hơn 7 năm về trước, phong trào bóng đá cộng đồng chỉ dừng lại trong khuôn khổ một môn thể thao thì hiện nay, môn thể thao “vua” này “thống lĩnh” người chơi đam mê với một số lượng khủng.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 50 sân cỏ nhân tạo. Không chỉ ở thành phố Huế mà các vùng nông thôn, loại hình kinh doanh dịch vụ này cũng hút khách với lý do đơn giản mở ra là có người thuê sân. Vào những tháng không mưa, ánh đèn các sân cỏ nhân tạo có khi được thắp sáng 9 - 10 giờ đêm; trên sân có đủ lứa tuổi, đông nhất là sinh viên kể cả nam lẫn nữ.

Nguyễn Thị Xuân, sinh viên Trường đại học Y Dược - ĐH Huế chia sẻ, dù là con gái, nhưng em và các bạn vẫn thường xuyên đến thuê các sân cỏ nhân tạo đá bóng. Đam mê khiến nhiều bạn nữ hội tụ thành một đội, rồi liên hệ với nhiều đội khác giao lưu. “Bây giờ, không chỉ nam giới mà con gái cũng mê đá bóng lắm. Tụi em trang bị cả quần đùi áo số như một cầu thủ” - Xuân nói.

Trò chuyện với những người chủ sân cỏ nhân tạo, họ nhận định phong trào bóng đá ngoài cộng đồng hiện tại đã đạt đến đỉnh cao. Môn thể thao “vua” lên ngôi như chính cái tên người ta đặt cho nó. Minh chứng cụ thể là người làm ở nhiều ngành nghề khác nhau đều xem đây là môn thể thao chung. “Ở nông thôn, không chỉ thanh niên trong thôn mà người từ các vùng lân cận cũng đến thuê sân. Họ là người làm nhiều nghề khác nhau, nơi ở cũng khác nhau nhờ đam mê mà gắn kết lại. Ở vùng quê, bóng đá là môn thể thao được ưa chuộng nhất”, anh Văn Mỹ, chủ sân cỏ nhân tạo ở xã Vinh An (Phú Vang) chia sẻ.

Nhờ những giải đấu

Đến sân cỏ nhân tạo Xuân Phú (phường Xuân Phú, TP.Huế), chúng tôi cảm nhận được bầu không khí cuồng nhiệt của ngày hội bóng đá... không chuyên. Giải bóng đá Xuân Phú League lần thứ I - năm 2016 được tổ chức từ đầu tháng 6 và kéo dài như một mùa giải lớn giúp tinh thần của người chơi bóng đá luôn “máu lửa”. Điều này giải thích được câu trả lời mà nhiều người am hiểu môn thể thao “vua” nói về sự phát triển của phong trào bóng đá ngoài cộng đồng: “Nhờ những giải đấu trên các sân cỏ nhân tạo”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để thu hút khách, nhiều chủ sân đã tổ chức các giải đấu hằng năm với quy mô lớn. Cách làm này vừa mang tính chất quảng bá cho hình ảnh của sân bóng mình, giữ chân những đội bóng là “mối ruột” nhưng qua đó cũng kích thích phong trào bóng đá sôi động hơn. Ông Trương Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Bản Nguyên - sân cỏ nhân tạo Xuân Phú chia sẻ: “Chúng tôi tổ chức các giải đấu mang tính chất giao lưu nhưng gây dựng phong trào khá hiệu quả. Khi có giải đấu, các đội hưởng ứng rất nhiệt tình, thậm chí chưa tổ chức họ đã hỏi. Thực tế, đá bóng mà không có các giải sẽ rất chán, vì thế mà hằng năm chúng tôi đều tổ chức. Năm 2011, trong giải đấu Xuân Phú cup, có đến 57 đội bóng tham gia”.

Anh Trần Dương Sơn, chủ sân cỏ nhân tạo Trường ĐH Luật chia sẻ, trước nhu cầu của người đá bóng, các chủ sân không chỉ tổ chức các giải bóng đá cup mà còn tổ chức các giải league (tương tự giải Vleague, đá trong thời gian dài). Cũng nhờ các giải đấu, tình cảm giữa những người yêu bóng đá trở nên gần gũi, kích thích họ đam mê môn thể thao này hơn. “Mỗi lần tổ chức tốn kém lắm nhưng chúng tôi vẫn tổ chức để hâm nóng phong trào. Nếu nghiên cứu sẽ thấy, những giải đấu ấy truyền lửa đam mê bóng đá rất lớn” - anh Sơn nhìn nhận.

Ở Huế, 4 địa chỉ thường xuyên tổ chức các giải bóng đá sân cỏ nhân tạo nhất là: Sân Xuân Phú, Trường ĐH Luật, sân An Cựu City và sân Uyên Phương (Nguyễn Trãi, TP. Huế). Mỗi giải đấu, chủ sân bỏ ra hàng chục triệu đồng để thu hút các đội về tham dự. Và tất nhiên, chưa có một giải đấu nào thiếu sôi động, thậm chí phong trào tập luyện xung quanh giải và cả ngày thường cũng ngày càng nhộn nhịp.

Theo Lê Hữu Phúc (Báo TTH)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày