Độc đáo ngôi làng 500 tuổi mang hình 'bầu rượu, túi thơ', có 30 tiến sĩ
Lượt đọc: 90383Thời gian: 16:40 - 29/01/2017

(VHH) - Làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế được Nhà nước công nhận "Di tích quốc gia" vào năm 2009. Đây là làng cổ thứ 2 của cả nước nhận được vinh dự này. Cái độc đáo và rất lạ lùng của làng cổ Phước Tích là không hề bị ảnh hưởng của bom đạn trong hai cuộc chiến tranh nên đến nay còn gần như nguyên vẹn... 

Bầu rượu, túi thơ...

Cây thị di sản hơn năm trăm tuổi mọc ở giữa làng

Nằm về bờ Nam của con sông Ô Lâu, Phước Tích tồn tại và phát triển trên một địa hình mang đậm triết lý phong thủy phương Đông. Ngày xưa đất làng được gọi xứ Cồn Dương, rộng 21ha, do phù sa của dòng Ô Lâu lắng đọng, bồi tụ nên.

Dòng sông Ô Lâu chảy từ phía Đông vòng ngang phía Nam rồi chảy sang phía Tây, ôm trọn làng. Trên cao nhìn xuống, làng như "bầu rượu, túi thơ". Làng được xây dựng trên một phương vị hướng về chính Nam, lấy sông Ô Lâu làm yếu tố minh đường.

Theo thuật phong thủy, khí là cha, nước là mẹ, khí là bản thể của nước, nước là cái khí hữu hình, nơi có nước chứng tỏ nơi ấy có khí, dòng nước sâu, nguồn dài xa là khí vượng, phúc lộc càng lớn.

Dòng sông Ô Lâu dài trên 30km, đoạn uốn lượn mềm mại và đẹp nhất của nó dài 7km ôm gần trọn làng Phước Tích vào lòng. Chính yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" này đã làm cho làng Phước Tích độc đáo hơn các ngôi làng khác. Đó là nơi trời đất, cỏ cây và con người hòa quyện với nhau...

Một trong 12 bến nước trên sông Ô Lâu chảy qua làng

Chính giữa làng có cây thị cổ thụ, thuộc hàng quý hiếm ở nước ta vừa được công nhận Cây Di sản Việt Nam. Cây thị gắn liền với ngôi miếu cổ nằm ngay tại gốc cây nên được gọi là miếu Cây Thị, có vai trò rất đặc biệt trong đời sống tâm linh của người dân làng cổ Phước Tích. Sử làng ghi nhận cây thị có mặt trước khi tổ tiên làng Phước Tích đến khai phá đất đai để lập làng vào năm 1470, có nghĩa cây thị đã hơn 545 tuổi. Hiện nay cây vẫn xanh tốt, cao 25m, chu vi thân hơn 6,5m, cành lá sum suê, gốc rễ xù xì.

Trong câu chuyện năm thế kỷ soi bóng của làng cổ Phước Tích, cụ Lê Trọng Cờ, 90 tuổi người làng Phước Tích, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Phong Hòa đưa chúng tôi ngược dòng thời gian trở về với lịch sử của ngôi làng độc đáo này.

Vào năm 1470, làng Phước Tích được thành lập. Gia phả họ Hoàng ghi rõ ngài Thủy tổ họ Hoàng bấy giờ là Hoàng Minh Hùng, gốc người làng Cảm Quyết, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Làm quan võ dưới thời vua Lê Thánh Tông. Sau khi thực địa, biết được chỗ đất vượng khí, ngài quyết định chiêu mộ dân lập làng bên bờ Nam sông Ô Lâu. Tên gọi Phước Tích của làng như là mong muốn tích lũy phúc đức cho con cháu muôn đời sau.

Trải qua bao biến cố thăng trầm, làng Phước Tích vẫn còn mang đầy đủ phong cách của ngôi làng cổ Việt Nam. Có nhiều cây đa, 12 bến nước, sân đình, mái chùa, nhà rường mái ngói rêu phong cổ kính. Tất cả những công trình kiến trúc ở làng không bị bao bọc bởi những tường gạch hun hút, mà hòa mình vào cảnh vật thiên nhiên thơ mộng. Dòng sông hiền hòa như giải lụa đào uốn lượn quanh làng, cây cối xanh tươi với những hàng chè tàu, rặng tre, cây cổ thụ có tuổi đời gắn với tuổi làng

Kiến trúc gỗ trong mỗi ngôi nhà cổ ở Phước Tích

Từ ngày xưa làng Phước Tích đã có nhiều người thọ trên 100 tuổi. Mỗi lần có người tròn trăm tuổi, làng tổ chức lễ đại thượng thọ để tôn vinh những người ăn ở phúc đức, sống lâu với con cháu.  

Trường thọ

Cụ Lê Trọng Cờ bảo rằng người dân ở làng Phước Tích ngày nay cũng sống rất thọ. Trong làng có hơn 80 cụ từ 70 đến 100 tuổi. Bản thân cụ Cờ dù đã 90 tuổi nhưng vẫn làm được các công việc của hội, vườn tược, chăm sóc cây cối. Cụ Cờ cho rằng, chính môi trường sống, chế độ dinh dưỡng và tinh thần lạc quan giúp cho nhiều bậc cao niên ở làng cổ Phước Tích sống lâu trăm tuổi.

Phong cách kiến trúc nhà và vườn trong làng cổ Phước Tích

Cụ Hồ Thanh Yên năm nay 90 vẫn đọc sách mỗi ngày, dáng vẻ vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Cụ Yên tâm sự sáng dậy tập thể dục, ăn cháo dinh dưỡng, uống trà. Trưa ăn cơm với canh, cá, rau, thịt. Đến 5h chiều thì ăn tối. Rau củ có sẵn trong vườn, thi thoảng mới mua thêm ở chợ Mỹ Chánh, bên sông Ô Lâu, nên luôn tươi ngon.

Cụ Yên trải nghiệm chúng tôi sống lâu được là nhờ ở làng có khung cảnh yên bình, môi trường sạch sẽ, không khí trong lành, mật độ dân số không đông, vườn tược cây cối nhiều, sông suối chan hòa, tinh thần luôn lạc quan, thích làm thơ ca, và nhất là thường xuyên lao động chân tay. Đời sống kinh tế phần lớn dựa vào vườn, ăn uống đạm bạc, sống vui tươi hồn nhiên.

Không chỉ dân làng sống thọ, Phước Tích còn nổi tiểng khắp gần xa với nghề làm gốm được phát triển hơn 500 năm qua. Nhà trưng bày gốm của ông Lê Trọng Diễn trở thành điểm tham quan nổi bật của làng cổ. Tất cả các đoàn khách đến Phước Tích đều ghé thăm bộ sưu tập gốm của ông và có thể trải nghiệm với công việc làm gốm. Ngôi nhà của ông như một bảo tàng gốm của nghề gốm Phước Tích.

Ngoài những sản phẩm gia dụng như chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống… gốm Phước Tích còn nhiều cổ vật tinh xảo được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn một thời. Vì thế trong dân gian có câu ca: “Om Phước Tích ngon cơm hoàng đế/Sen Hà Trì quý thế Phú Xuân”. Hiện làng Phước Tích đã phục chế lại lò nung gốm để giữ nghề truyền thống của cha ông.

Bảo tàng gốm cổ Phước Tích

Hồ sơ di tích của làng cổ cho thấy Phước Tích còn 37 ngôi nhà rường cổ từ 100 đến 300 năm tuổi được chạm trổ tinh vi với kiến trúc độc đáo, tọa lạc giữa những khu vườn rộng hàng nghìn mét vuông rợp bóng cây trái. Có 24 ngôi nhà rường trong số này là nhà ở của người dân, 13 ngôi nhà còn lại là nhà thờ họ tộc.

Có trên 30 tiến sĩ

Sống trong một môi trường lấy văn hóa làm đầu với tinh thần tôn sư trọng đạo nên hiếm có một làng quê nào lại có miếu Văn Thánh như làng cổ Phước Tích. Miếu được đặt ngay đầu làng như lời nhắc nhở con cháu luôn phải chăm lo học hành, rèn đức luyện tài. Mỗi dịp lễ tết, dân làng lại ra làm lễ tại miếu với các nghi thức, lễ nghi của làng. Ông Hoàng Tấn Minh, Trưởng làng Phước Tích, tự hào hiếu học là truyền thống của làng bao đời nay. Dân làng ai cũng đề cao việc học. Không chỉ xưa mà nay vẫn thế. Cả làng có 115 hộ với 327 người. Đa số con em họ đều học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định. Hiện nay làng có trên 30 tiến sĩ ở các lĩnh vực, còn cử nhân, thạc sĩ nhiều không kể hết.

Theo Lâm Quang Huy (Báo NNoVN)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày