|
Phối hợp bảo tồn và phát huy giá trị đình phường Phú Vĩnh Lượt đọc: 41747Thời gian: 11:31 - 23/08/2017
(VHH) – Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa Huế cùng các cơ quan quản lý, các đơn vị liên quan về việc xem xét bảo tồn và gìn giữ giá trị đình Phú Vĩnh (phường Phường Đúc, thành phố Huế).
Phương án bảo tồn và giữ nguyên hiện trạng của ngôi đình và điều chỉnh quy hoạch theo các lô đất xung quanh đình làng, sử dụng trồng cây xanh tạo cảnh quan và giữ gìn các giá trị cho đình làng đã được sự đồng thuận cao của các cơ quan quản lý, các đơn vị liên quan. Tại cuộc họp các cơ quan, đơn vị đã cùng nhau ký vào biên bản về việc xem xét điều chỉnh quy hoạch để bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi đình cổ này.
Đồng chí TS.Phan Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì buổi họp
Cuộc họp làm cơ sở để kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị giữ nguyên các giá trị thiết chế văn hóa cơ sở, không phá vỡ kiến trúc vốn có của ngôi Đình; đồng thời đề nghị UBND thành phố Huế chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Bảo tàng Lịch sử nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng đình Phú Vĩnh là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đình Phú Vĩnh (còn được gọi là đình Lịch đợi) nằm ở phường Phường Đúc, thành phố Huế. Đình được xây dựng dưới thời vua Thành Thái thứ 15 (1903), lúc đầu có tên là đình Đệ Cửu, thuộc tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà. Sở dĩ đình có tên là đình Đệ Cửu bởi lúc này đình nằm tại địa bàn phường Đệ Cửu, một trong 9 phường của thị xã Huế được thiết lập vào những năm đầu tiên trong lần mở rộng thị xã Huế, theo dụ của vua Thành Thái vào 22/6/1903 và được Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuẩn y vào ngày 03/7/1903. Năm Bảo Đại thứ 12 (1937), do đình Đệ Cửu xuống cấp nghiêm trọng, nên người dân trong phường đã xây dựng lại đình và đổi tên thành đình Phú Vĩnh.
Đình Phú Vĩnh là một công trình có giá trị văn hóa lịch sử, là kiến trúc cộng đồng, tâm linh của người dân, ngôi đình gắn liền với quá trình mở rộng đô thị Huế lần thứ nhất và lần thứ hai. Đình với kiến trúc thời Nguyễn, kiến trúc cảnh quan còn có nhà bia, trụ biểu còn khá nguyên vẹn.
Theo: Bản dịch Văn bia khởi dựng đình phường Đệ cửu của Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (NXB Thuận hóa - 2006)
|
svhtt.thuathienhue.gov.vn Các tin khác
|
|