Đầu năm 1636, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1636-1687) thấy đất Kim Long là nơi “có địa hình tốt đẹp” nên đã cho dời phủ chính từ Phước Yên về trung tâm đất Hà Khê, gọi là phủ Kim Long (Rồng vàng - ám chỉ một cuộc đất tốt, một thế đất đẹp). Kim Long trở thành thủ phủ đầu tiên đóng bên bờ tả ngạn sông Hương, giữ vị trí trung tâm chính trị, quân sự và hành chính của xứ Đàng Trong. Dần dà, sinh hoạt vùng này trở nên sầm uất, phồn vinh, nên giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong cuốn hồi ký của mình, luôn gọi Kim Long là “thành phố lớn” ,“kẻ Huế”. Ông cho rằng phủ Chúa lúc ấy rất khang trang, xinh xắn, phần lớn làm bằng gỗ với cột kèo chạm trổ tinh vi, nhà nào cũng có vườn, ban đêm thì đèn sáng trưng. Dưới bến sông có thuyền rồng và nhiều thuyền chiến. Qua những dòng ghi chép của các giáo sĩ phương Tây, chúng ta có thể đoán định ngay từ hồi đó, mô hình nhà vườn gắn liền với dinh thự quan lại đã xuất hiện. Nếu tính từ năm 1636, nhà vườn Kim Long đã có hơn 200 năm lịch sử để hình thành và phát triển về kỹ thuật, mỹ thuật và đặc biệt về chiều sâu văn hóa - lịch sử. Ngay từ đầu triều Nguyễn, Kim Long đã được xem là vùng đất hứa cho việc an cư sinh lập phủ đệ, tư thất của các hoàng tử, công chúa, công thần, khanh tướng. Kim Long từ đó trở thành vùng đất quyền quý, nổi danh với những vườn phủ đệ và sinh thành nhiều giai nhân với câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều; Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”.
Hiện nay, vùng Kim Long là nơi tọa lạc nhiều nhà vườn truyền thống tiêu biểu như: Nhà vườn An Hiên (58 Nguyễn Phúc Nguyên), Phủ thờ Đức Quốc Công (2 Kim Long), Xuân Viên Tiểu Cung (3/22 Phú Mộng), nhà vườn ông Nguyễn Văn Trọng (28 Phú Mộng), nhà vườn bà Nguyễn Thị Ngộ (3 Phạm Thị Liên), nhà vườn ông Đoàn Kim Khánh (145 Vạn Xuân), nhà vườn ông Mai Khắc Lưu (180 Lý Nam Đế), nhà vườn ông Lê Lương (38 Nguyễn Hoàng), nhà vườn ông Đoàn Văn Khuyến (137 Vạn Xuân)...
|
Toàn cảnh phủ thờ Ngọc Sơn công chúa. |
Ngoài ra còn phải kể đến vùng Thủy Biều có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như: Nhà vườn ông Hồ Xuân Doanh (51 Thanh Nghị), nhà vườn ông Đặng Phi Hùng (43 Lương Quán), phủ thờ Huấn Vũ Hầu (27 Lương Quán), nhà vườn ông Hoàng Trọng Dũng (1/12 Ngô Hà), nhà vườn ông Hồ Xuân Đài (501/24/10 Bùi Thị Xuân), nhà vườn ông Hồ Xuân Bổng (32 Thanh Nghị), nhà vườn ông Tôn Thất Tòa (13A Lương Quán)... Vùng Chi Lăng - Gia Hội có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như: Phủ thờ Công chúa Ngọc Sơn (31 Nguyễn Chí Thanh), phủ thờ Tuy An Quận Vương (148 Nguyễn Chí Thanh), nhà vườn ông Mai Hữu Bảo (45 Nguyễn Chí Thanh), nhà vườn ông Thái Nguyên Hạnh (180 Bạch Đằng), nhà vườn ông Phan Hồng Sâm (4/24/228 Bạch Đằng), nhà vườn ông Trần Quốc Việt (38 Lê Đình Chinh), nhà vườn ông Phạm Quang Đức (15/228 Bạch Đằng)... Vùng Vỹ Dạ có các nhà vườn truyền thống tiêu biểu như: Phủ thờ Tuy Lý Vương (98 Nguyễn Sinh Cung), phủ thờ Diên Khánh Vương (228 Nguyễn Sinh Cung), phủ thờ Phong Quốc Công (306 Nguyễn Sinh Cung), nhà vườn bà Cao Thị Đạm (40 Tuy Lý Vương), nhà vườn ông Vĩnh Tháp (310 Nguyễn Sinh Cung),...
Các gia tộc sinh sống tại các nhà vườn truyền thống đó từ bao đời đã hun đúc, tạo nên những vùng đất danh hương văn vật, nơi ươm mầm cho những nét văn hóa gia đình hoàng tộc, là nơi trung chuyển lối sống và văn hóa cung đình đến với dân gian, góp phần hình thành nên tính cách Huế. Truyền thống đặc sắc đó đã ăn sâu vào trong tâm thức các thế hệ con cháu hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc, tạo nên một nền nếp gia phong.
|
Nội thất phủ thờ Ngọc Sơn công chúa. |
Dưới triều Nguyễn, ban đầu nhà vườn Huế có quy mô khá lớn, kiến trúc nhà chính làm theo kiểu nhà kép “trùng thiềm điệp ốc” và có thể lên đến 7 gian, nghĩa là không hề thua kém cung điện của nhà vua trong Đại nội. Từ thời vua Minh Mạng trở đi, triều đình mới ban hành luật lệ khống chế quy mô kiến trúc nhà vườn của hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc xuống còn 3 gian 2 chái, không được làm nhà kép. Do vậy, nhà vườn Huế vào thời điểm này có cấu trúc 1 gian 2 chái hoặc 3 gian 2 chái là phổ biến. Về sau, do những quy định trên không còn nghiêm khắc như trước nữa nên việc xây dựng nhà vườn 5 gian 2 chái vẫn còn xuất hiện.
Nhà vườn Huế được làm theo nhiều kiểu cách khác nhau tùy theo hoàn cảnh và sở thích của từng gia chủ, với cấu trúc phổ biến chung là nhà chính có kết cấu rường cột bằng gỗ, tường gạch, mái ngói và sân vườn. Tuy nhiên, ít ai ngày nay còn biết rằng tường gạch và mái ngói của nhà vườn Huế chỉ dành cho tầng lớp hoàng thân quốc thích, quan lại quý tộc còn lại đa số nhà vườn Huế xưa đều được cấu trúc nhà chính với rường cột bằng gỗ, vách trát đất và mái lợp bằng cỏ tranh. Theo dòng lịch sử của vùng đất này, vào buổi đầu mở cõi, trong điều kiện giao thông vận tải còn cực kỳ khó khăn, thêm vào đó, đất đai của Thuận Hóa vốn lại không thích hợp để có thể chế tác nên các loại ngói lợp nhà chịu được mưa nắng của vùng đất vẫn được ví là “Ô Châu ác địa” này, việc tận dụng các vật liệu thô tại chỗ vào các công trình xây dựng là ưu tiên hàng đầu của cư dân bản địa. Về sau khi giao thông đã trở lên thuận lợi hơn, các loại gạch ngói cũng được vận chuyển dễ dàng từ các xứ xa đến, nhất là khi các loại vật liệu xây dựng như xi măng,… ngày càng phổ biến, kiểu nhà vườn gồm nhà rường với tường xây và mái ngói liệt trở nên thịnh hành hơn trong dân chúng. Dần dần, kiểu nhà vườn có kiến trúc nhà rường với vách trát đất và mái lợp cỏ tranh của tầng lớp bình dân đã dường như không còn nhìn thấy, tức là kiểu nhà vườn vốn có từ thuở sơ khai của xứ Thuận Hóa hầu như vắng bóng.
Những ngôi nhà vườn truyền thống Huế thường được quy hoạch trong một không gian thoáng rộng, thể hiện sự kết hợp giữa kiến trúc (ngôi nhà) và cảnh quan (khu vườn) một cách dụng ý tạo thành một không gian sống theo tính cách Huế với những yếu tố tuân theo quy luật “phong thủy”, bao gồm: Cổng ngõ, hàng rào, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà chính, nhà phụ và vườn. Có thể nói, kiến trúc nhà vườn Huế giống như một Kinh thành Huế thu nhỏ, với bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng sông Hương, hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa và cây ăn quả… mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Nhà vườn truyền thống thể hiện vị trí xã hội, uy quyền và tính cách riêng có của từng vị chủ nhân và đã thực sự trở thành nét văn hoá đặc trưng riêng trong kiến trúc đô thị hiện nay. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người rất am hiểu văn hoá Huế đã từng viết:“...Người Huế lập vườn, trước hết như là nơi cư ngụ của tâm hồn mình giữa thế gian, ước mong chỉ là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau...”
Nhà vườn Huế được tạo dựng bởi tài năng, trí tuệ và công sức của những người thợ tài hoa và sử dụng những vật liệu địa phương quý hiếm, nó không chỉ là thành tựu của sự chọn lọc những giải pháp tối ưu trong xử lý kỹ thuật mà còn là một tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc đã được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ. Lối vào nhà vườn được mở từ phía trước ngôi nhà bởi một con đường uốn lượn giữa hai hàng chè tàu và hai hàng cau ở đầu hồi phía phải của ngôi nhà; tiếp đến là bình phong đủ để che chắn cho ngôi nhà khỏi mọi tai ương đến từ bên ngoài, nhưng lại không quá cao để che chắn tầm nhìn khiến chủ nhân không thể thưởng ngoạn hương sắc của các loài thảo mộc trong vườn. Phía trong, sau bức bình phong, trước ngôi nhà là một bể cạn trồng hoa súng và hòn non bộ; đây là yếu tố “minh đường” trong phong thủy. Kiến trúc chính là một ngôi nhà rường có dạng 1 gian 2 chái, 3 gian 2 chái hoặc 5 gian nằm gần như ở trung tâm khu vườn. Nội thất gian chính nhà vườn là bộ mặt của gia chủ, lại là nơi thờ phụng tổ tiên ông bà nên được chủ nhân thiết trí, trang hoàng hết sức công phu so với các gian còn lại; xung quanh trang hoàng bằng các bức hoành phi, câu đối có nội dung ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, đạo hiếu làm người và truyền thống gia tộc... Hầu hết, các thành phần cấu thành kiến trúc nhà chính như cột, kèo, liên ba, đố bản được làm bằng gỗ mít hoặc kiền kiền, chạm trổ các mô típ hoa văn rất tinh xảo, đó là mảng chạm khắc được thu nhận từ thiên nhiên vào trong nhà vườn.
|
Xuân viên tiểu cung. |
Vườn hợp thể với kiến trúc, che bớt những đường nét khô cứng, hạn chế của công trình, tạo nên sự hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên. Nét đặc trưng của nhà vườn Huế là tính pha tạp, đa chủng loại một cách có tính toán với các hệ cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu xứ Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng: “Chất vườn rừng trong không gian cây xanh quanh những ngôi nhà Huế phải được xem là ấn tượng đầu tiên khi tiếp cận với nó”. Tuy nhiên, việc chọn lựa và xếp đặt vị trí của cây xanh trong vườn cũng mang những nguyên tắc nhất định với tính ước lệ cao: hệ cây dại có ích được giữ lại như rau má, mã đề, rau trai, ngò tây,... có thể sử dụng chế biến các món canh giàu chất dinh dưỡng trong các bữa cơm gia đình; những cây hoa phục vụ cho các buỗi lễ cúng kỵ diễn ra thường kỳ tại nhà vườn như phượng cúng, hoàng anh, hoa chuối, vạn thọ...; hoa cảnh có hoàng mai, phong lan, địa lan, sen, súng...; hoa lấy hương như dạ lý, hoàng lan, ngọc lan, quỳnh hương...; cây dược liệu để trị bệnh hay làm gia vị như ngải cứu, hành, riềng, sả, ớt, long tu, lá lốt, rau thơm...; cây dùng làm lá gói hoặc nguyên liệu làm bánh trái trong các ngày lễ tết như lá dong, lá gai, lá chuối...; cây cảnh tạo thế như mai, trúc, sanh, si, mân...; cây ăn trái có cả đào, thanh trà, măng cụt, nhãn lồng, vú sữa, cóc, mít, dừa...; và không kém phần quan trọng là các loại rau xanh, cây leo, cây lấy củ như xà lách, cải, bí, bầu, mướp... do phụ nữ đảm trách. Ngoài ra, gia chủ cũng kết hợp trồng các loại cây lấy gỗ nguyên liệu xung quanh vườn như sầu đông, mít, bàng... vừa để tạo bóng mát quanh nhà.
Từ những giá trị độc đáo về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa của hệ thống nhà vườn Huế, chính quyền địa phương đã và đang cố gắng triển khai những mô hình khai thác sản phẩm du lịch nhà vườn một cách có hiệu quả, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, hứa hẹn sẽ là những điểm đến lý tưởng với du khách. Ngoài việc chuẩn bị chỗ ăn, ngủ chu đáo, du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua những hoạt động cộng đồng đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa làng cổ. Và chủ nhân nhà vườn chính là những hướng dẫn viên sống động giới thiệu đến du khách những nét giá trị lịch sử đặc sắc trong ngôi nhà của mình. Đây cũng chính là nhu cầu cơ bản của khách du lịch đến với du lịch sinh thái nhà vườn, đặc biệt là du khách quốc tế.
Ngày nay, cho dù diện mạo nhà vườn Huế đã có những thay đổi trong quá trình đô thị hóa, thì vẫn còn đó những ngôi nhà vườn danh tiếng hàm chứa biết bao điều kỳ bí cần phải khám phá, để du khách được cảm nhận một cách trọn vẹn thần thái, lối sống của người Huế, đặc biệt là tính cách “mệ” của mảnh đất “Thần kinh”. Nếu có một lần đến tham quan Cố đô Huế, xin mời bạn ghé thăm nhà vườn truyền thống Huế - Kiệt tác thơ về kiến trúc đô thị...