Điểm đến tháng 4: Trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc tại Festival Huế 2018
Lượt đọc: 33284Thời gian: 22:30 - 10/04/2018

(VHH)- Trong tháng 4/2018, du khách trong nước và quốc tế sẽ có cơ hội được đắm chìm trong không gian văn hóa đặc sắc tại Festival Huế lần thứ X, năm 2018 với chuỗi hoạt động văn hóa và du lịch vô cùng hấp dẫn.

Một điểm đến năm di sản.

Hiện nay, Cố đô Huế có 5 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận (Quần thể Di tích Cố đô Huế - 1993, Nhã nhạc Cung đình Huế - 2003, Mộc bản triều Nguyễn  - 2010, Châu bản triều Nguyễn - 2014, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế - 2016). Mới đây, Thừa Thiên Huế cùng 11 tỉnh thành khác là chủ sở hữu một di sản vừa mới được UNESCO công nhận là nghệ thuật Bài Chòi. Hai di sản phi vật thể cấp quốc gia, Ca Huế và Dệt Zèng (A-Lưới). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, đặc trưng để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế. Festival Huế 2018 với nhiều nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn đang chờ đón du khách gần xa khám phá và trải nghiệm.

Không gian văn hóa đặc sắc tại Festival Huế 2016 (Nguồn: vietnamtourism.com)

Năm nay, với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển – 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế lần thứ 10 sẽ là sự kiện văn hóa gắn kết với nhiều dấu mốc lịch sử văn hóa có ý nghĩa của Thừa Thiên Huế và của đất nước: kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018); 50 năm tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu thân (1968-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993-2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003-2018).

Diễn ra từ ngày 27/4 đến 2/5/2018, Festival sẽ có rất nhiều hoạt động đặc sắc như: Chương trình biểu diễn hàng đêm của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế; Chương trình “Văn hiến Kinh kỳ”; Chương trình lễ hội Áo dài; Chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn; Chương trình nghệ thuật đường phố “Sắc màu văn hoá”; Chương trình “Những tình khúc Huế”; Liên hoan “Hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc”, …

Ngoài ra, một chuỗi các lễ hội cung đình và các lễ hội khác cũng được tổ chức trước và sau Festival. Cùng với đó là việc mở các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất, từ Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai…

Không chỉ được đầu tư công phu về mặt hình thức và nội dung, Festival còn quy tụ sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong nước và quốc tế, hứa hẹn sẽ mang đến những chương trình chất lượng, thu hút du khách với ấn tượng sâu lắng, đậm đà.

Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc và thế giới

Festival Huế là sự kiện văn hóa lớn không chỉ của riêng tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn mang tầm qui mô quốc gia và quốc tế.

Mỗi kỳ Festival đều thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đến Huế. Không những vậy, độ lan tỏa của sự kiện còn không ngừng được nâng cao. Festival Huế đã trở thành điểm hẹn di sản văn hoá và nghệ thuật đương đại Huế, Việt Nam và nhiều nền văn hoá khác trên thế giới. Thương hiệu Festival Huế đã góp phần rất lớn trong việc quảng bá tiềm năng du lịch cố đô Huế, làm tăng sức hấp dẫn và sự ngưỡng mộ đối với bạn bè các nước.

Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để người dân Huế và người dân cả nước được giao lưu, tiếp xúc với bạn bè thế giới, các tổ chức, chuyên gia kinh tế du lịch, …. Việc khôi phục, tái hiện các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo là cơ hội để người dân cảm nhận rõ hơn những giá trị văn hoá vô giá mà quê hương còn gìn giữ được.

Festival Huế có sự hội tụ văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới (Nguồn: Dân trí)

Kế thừa sự thành công của các kỳ Festival trước đây, Festival Huế lần thứ X - 2018 đã không ngừng đổi mới và sáng tạo. Theo thông tin từ ban tổ chức, ngoài các đơn vị nghệ thuật trong nước và 20 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ khắp các châu lục được BTC chính thức mời tham gia, nhiều cơ quan ngoại giao, đoàn nghệ thuật đã chủ động đăng ký tham dự với nhiều loại hình phong phú, đa dạng … hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa như: Đoàn vũ công dân gian “Họa tiết Sibiri” – Nga; Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc Urpin - Slovakia, Đoàn nghệ thuật tổng hợp Triết Giang – Trung Quốc, Đoàn cà kheo vùng Flamans - Bỉ, Đoàn Nghệ thuật múa Lân Yaese, Okinawa và đoàn Fukushima – Nhật Bản…

Điều này không chỉ minh chứng cho sức hút của Festival Huế mà còn cho thấy sự lan tỏa rộng rãi và vươn tầm quốc tế của sự kiện này. Trong một không gian văn hóa có sự hội tụ giữa nền văn hóa của các quốc gia, du khách không chỉ được thưởng thức những chương trình nghệ thuật đặc sắc mà còn khơi dậy niềm tự hào trong mỗi người dân Việt Nam thông qua việc vinh danh và tái hiện các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể độc đáo. Đây cũng là cơ hội để người dân cảm nhận rõ hơn những giá trị văn hoá vô giá mà quê hương còn gìn giữ được.

Với chuỗi hoạt động phong phú, đa dạng, Festival Huế chính là “cơ hội vàng” để văn hóa Việt Nam nói chung và tinh hoa của vùng đất cố đô nói riêng được quảng bá rộng rãi đến bạn bè khu vực và quốc tế.

TP (Trích: Mạng thông tin Bộ VHTTDL)
Các tin khác
Xem tin theo ngày