Ngày 07/4/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Kết quả triển khai thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng năm 2021-2022. Trong 2 năm tiếp tục thực hiện triển khai Đề án, Bộ VHTTDL đã tích cực hoàn thiện cơ chế, thể chế, chính sách nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nhiều chương trình phối hợp công tác với các bộ, ngành, đơn vị; các cuộc thi tuyên truyền giới thiệu sách trực tuyến, cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc thu hút được hàng triệu người tham gia ở các lĩnh vực, ngành nghề… đa dạng các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam từ trung ương đến địa phương.
Trong 2 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19 nhưng các hoạt động nhằm đảm bảo nhu cầu đọc và học tập suốt đời của nhân dân được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Mạng lưới thư viện công cộng cấp xã và cơ sở đã có bước phát triển vượt bậc sau nhiều năm có dấu hiệu bị tụt giảm. Theo số liệu thống kê năm 2022, hệ thống thư viện công cộng Việt Nam có tổng số 24.102 thư viện; trong đó: hệ thống thư viện công cộng cả nước được duy trì, củng cố với 63 thư viện cấp tỉnh, 654 thư viện cấp huyện và 2.897 thư viện cấp xã. Cả nước hiện có 27.824.986 bản sách (tăng 10% so với năm 2021). Số thẻ bạn đọc đạt 490.871 thẻ (tăng 49%); số bạn đọc được thư viện phục vụ đạt 63.775.069 lượt (tăng 70%); số tài nguyên thông tin được phục vụ thông qua các hình thức đạt 76.735.880 lượt (tăng 52% so với năm 2021). Định hướng phục vụ bạn đọc ngoài thư viện tiếp tục được triển khai hiệu quả với 7,6 triệu lượt người và 13,8 triệu lượt tài nguyên thông tin thông qua hình thức phục vụ lưu động, luân chuyển, 36 triệu lượt tài nguyên điện tử được phục vụ thông qua không gian mạng.
Bên cạnh đó, một số Bộ, ngành còn chủ động lồng ghép việc triển khai Đề án trong quá trình xây dựng kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gắn việc triển khai Đề án với những hoạt động cụ thể như tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Giải thưởng Sách Quốc gia, Triển lãm Sách, Hội chợ Sách, Phố Sách… và nhiều hoạt động khác góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển; đẩy mạnh hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ và quảng bá những cuốn sách hay, có giá trị về nội dung và hình thức đến người đọc trong và ngoài nước. Trước những kết quả từ việc thực hiện Đề án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có ý kiến chỉ đạo việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động, tích cực tổ chức triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Đề án, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan; thông tin tuyên truyền và gắn với đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng kết Đề án vào năm 2025. Các bộ, ngành, địa phương chủ động tăng cường triển khai Đề án trong phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực, trên địa bàn, trong đó bố trí ngân sách và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các thư viện, nhất là hệ thống thư viện công cộng theo quy định pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quá trình triển khai, chú trọng việc thông tin, báo cáo kịp thời, đầy đủ.