Điểm sáng Hồng Vân
Lượt đọc: 68290Thời gian: 10:52 - 06/10/2015

(VHH) - Những ngày cuối năm 2008, trong cơn mưa biên giới lạnh tái tê kéo dài cả tháng trời, chúng tôi tìm đến xã miền núi Hồng Vân, huyện A Lưới để tìm hiểu và xây dựng mô hình phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).

Xã Hồng Vân những ngày ấy là một trong những điểm nóng về bạo lực gia đình của tỉnh Thừa Thiên Huế Đây là xã miền núi giáp biên giới nước bạn Lào, có cửa khẩu Hồng Vân - Cu Tai, diện tích khoảng 43 nghìn km2 với dân số hơn 2.600 người. Tình hình kinh tế đặc biệt khó khăn, tình trạng dân trí thấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn, hơn 50% hộ gia đình thuộc diện nghèo. Khảo sát cho thấy có khoảng 10% số hộ trên địa bàn có xảy ra bạo lực gia đình, chủ yếu bạo lực thân thể và bạo lực tinh thần đối với phụ nữ và trẻ em. Hầu hết các hộ gia đình này đều có trình độ văn hóa thấp, có người nghiện rượu, cờ bạc, không có việc làm,...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chọn Hồng Vân làm mô hình thí điểm can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình nhằm ổn định và nâng cao đời sống của bà con. Khoảng cách về vị trí địa lý và những khó khăn trong giao tiếp với đồng bào Pacô không làm nản lòng những trái tim nhiệt huyết luôn hướng về đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, của cán bộ miền xuôi.

Để triển khai Mô hình can thiệp phòng, chống bao lực gia đình theo hướng dẫn chung của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế đã triển khai tổ chức tập huấn, hướng dẫn thành lập Ban chỉ đạo Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình huyện A Lưới; Ban chỉ đạo Mô hình Phòng, chống bạo lực gia đình xã Hồng Vân; thành lập nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình, các Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững ở 5 thôn: thôn Kêr, A Năm, A Hố, Ta Lo, Ka Cú 1 và Ka Cú 2. Nhóm Phòng, chống bạo lực gia đình có phù hiệu hoạt động riêng, được huy động từ nhiều tổ chức (công an xã, Hội Phụ nữ, Hội người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên...), do Bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn làm nhóm trưởng, có nhiệm vụ phát hiện, can thiệp, hòa giải kịp thời các vụ việc bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn. Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững các thôn sinh hoạt định kỳ 01 tháng/lần.

Chị Hồ Thị Phê - Bí thư chi bộ thôn A Năm, chủ nhiệm CLB Gia đình phát triển bền vững thôn cho biết: “Theo hướng dẫn của cán bộ xã, mình tổ chức sinh hoạt cộng đồng phổ biến kiến thức cho dân làng 1 tháng 1 lần. Những lúc có việc đột xuất thì họp 1 tháng 2 lần. Các buổi sinh hoạt sẽ phổ biến cho bà con nghe về bạo lực gia đình, những điều vi phạm và biện pháp xử phạt để bà con biết. Ngoài ra còn tuyên truyền về xây dựng gia đình văn hóa và các chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước.”

Lấy công tác tuyên truyền làm nhiệm vụ chính, tác động đến nhận thức của bà con nhằm thay đổi hành vi, Ban chỉ đạo công tác gia đình xã Hồng Vân đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn đến từng thôn và lấy đó làm nền tảng cung cấp kiến thức về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình cho người dân. Các hình thức tuyên truyền chủ yếu được áp dụng là xây dựng tủ sách pháp luật, cổ động trực quan bằng băng rôn, pa nô, tờ rơi, loa truyền thanh... Bên cạnh đó còn kết hợp nhiều buổi truyền thông lưu động của Đội thông tin lưu động huyện A Lưới.

Một buổi sinh hoạt CLB Gia đình phát triển bền vững tại Hồng Vân

Trở lại Hồng Vân sau 3 năm triển khai mô hình, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng với những đổi thay rõ rệt trong đời sống xã hội của địa bàn miền núi này. Mô hình thí điểm can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình đã đạt được kết quả trên mong đợi. Từ 95 hộ gia đình có tình trạng bạo lực gia đình vào cuối năm 2008, đến cuối năm 2010 đã giảm mạnh còn 26 hộ. Nhận định về nguyên nhân và những giải pháp đã làm nên thành công của mô hình, ông Hồ Văn Rao, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân phát biểu: "Hồng Vân là xã biên giới, dân trí thấp, điều kiện kinh tế có rất nhiều khó khăn nên trước đây tình trạng bạo lực trong gia đình khá nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là do tư tưởng lạc hậu, trọng nam khinh nữ, do bia rượu và cái nghèo gây ra. Để khắc phục tình trạng đó, chúng tôi đã thành lập các CLB tuyên truyền, nhờ những người có uy tín trong làng dạy dỗ  cũng như đưa ra những chế tài xử phạt để đưa vào hương ước của làng. Nhờ vậy nên tình trạng bạo lực gia đình đã giảm rõ rệt". Ông Hồ Thương Vân, một người già trong làng nói: "Bạo lực gia đình trước đây nhiều lắm nhưng giờ hết rồi. Giờ đây mình đã biết bạo lực gia đình có mấy loại là bạo lực tinh thần, bạo lực thể xác và bạo lực kinh tế. Đây là những điều không hay, không đẹp nên phải vứt bỏ. Trong gia đình mình cũng khuyên dạy con cháu nên sống theo đời sống văn hóa, không có bạo lực gia đình".

Những thành công bước đầu ở một địa bàn vô cùng khó khăn và phức tạp như Hồng Vân đã tạo nền tảng cho việc nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo hướng dẫn triển khai mô hình ra 9 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh, kết hợp lồng ghép với các hoạt động của phong trào xây dựng Gia đình văn hóa tại địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 113 nhóm PCBLGĐ đã đi vào hoạt động và 288 CLB Gia đình phát triển bền vững sinh hoạt định kỳ 1 - 2 tháng/lần  gắn với các tổ hòa giải, CLB gia đình văn hóa ở cơ sở. Không chỉ kịp thời phát hiện, can thiệp, tư vấn, hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp khi xảy ra bạo lực trên địa bàn, các nhóm, CLB này còn tổ chức xây dựng các phong trào, hoạt động văn hóa phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân địa phương góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách về Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới và công tác chăm sóc trẻ em, người cao tuổi... Bên cạnh đó, còn có khoảng 400 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, góp phần tiếp nhận, giúp đỡ hỗ trợ, tư vấn, bố trí nơi tạm lánh cho các nạn nhân bị bạo lực và thông báo cho chính quyền địa phương biết để kịp thời giải quyết. Ngoài ra, các biện pháp như giáo dục, xử phạt hành chính, góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư đối với người gây ra bạo lực cũng là những biện pháp xử lý có hiệu quả.

Thông qua các hoạt động đó, số hộ có bạo lực gia đình trên toàn tỉnh giảm dần qua hằng năm, từ 425 vụ năm 2010, đến nay còn 346 vụ được phát hiện và thống kê từ các thôn, tổ dân phố. Tỷ lệ gia đình văn hóa của tỉnh luôn đạt trên 90%.

Nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống bạo lực gia đình trong giai đoạn tiếp theo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tiến Dũng cho biết: "Sở đã xây dựng các nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động nâng cao nhận thức cho người dân qua các kênh tuyên truyền. Lấy phòng ngừa là chính, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân bạo lực gia đình. Phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người là nạn nhân bạo lực gia đình và người có nguy cơ cao gây bạo lực gia đình nhưng chưa có việc làm. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về PCBLGĐ còn chưa cao. Sự thành công của mô hình ở Hồng Vân không thể thiếu quyết tâm mạnh mẽ của các cấp chính quyền ở cơ sở và sự đồng thuận của người dân. Do đó, công tác PCBLGĐ cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành và sự vào cuộc của toàn xã hội, nhằm thực hiện mục tiêu chung là xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững".

Thu Mỹ
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày