Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương hoạt động theo quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức hoạt động của bảo tàng và theo các quy định khác của pháp luật có liên quan. Chịu sự quản lý nhà nước của Sở Văn hóa và Thể thao và chính quyền địa phương nơi hoạt động.
Đây là bảo tàng ngoài công lập thứ 3 ở tỉnh Thừa Thiên Huế sau Bảo tàng đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (thành lập năm 2012) và Bảo tàng Thêu XQ (thành lập năm 2016).
Bảo tàng Gốm cổ sông Hương có tiền thân là không gian trưng bày gốm cổ sông Hương do GS.TS Thái Kim Lan và anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá dày công sưu tầm hơn mấy chục năm qua và có cả những cổ vật của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan. Hiện nay bảo tàng có gần 5.000 hiện vật, trong đó phần lớn là gốm cổ được vớt từ dưới lòng sông Hương có nhiều niên đại, từ gốm Chàm, gốm Sa Huỳnh, Tiền sử, Sơ sử, Lê sơ... và cả những hiện vật gốm từng được sản xuất tại làng cổ Phước Tích.
Hiện vật tại Bảo tàng Gốm cổ sông Hương
Bảo tàng gốm cổ sông Hương sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách và cộng đồng người dân địa phương, là một thiết chế văn hóa để người dân tìm hiểu, trải nghiệm và tự hào về vùng đất của mình. Đó chính là nơi sông Hương kể câu chuyện về mình, về người Huế và lối sống Huế.
Không gian tại Bảo tàng Gốm cổ sông Hương
Thời gian qua, thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, Sở Văn hóa và Thể thao đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các cá nhân, tổ chức đang lưu giữ nhiều bộ sưu tập cổ vật độc đáo để hoàn thiện các thủ tục thành lập bảo tàng ngoài công lập. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện để hình thành hệ thống bảo tàng ngoài công lập ở Thừa Thiên Huế chính là việc làm thiết thực, cụ thể để làm phong phú hóa các thiết chế văn hóa của Cố đô Huế và huy động được tối đa các nguồn lực xã hội, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.
(Quyết định tại file đính kèm)