TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao, Chủ nhiệm đề tài này cho rằng, trong gần 400 năm (1558-1945), Huế đã từng là Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong, là Kinh đô của triều đại Tây Sơn, rồi đến Kinh đô của quốc gia thống nhất dưới 13 triều vua Nguyễn. Ngày nay, Cố đô Huế vẫn còn lưu giữ trong lòng những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo, đặc biệt là hệ thống lễ hội. Việc tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế” để số hóa, lưu trữ dữ liệu phục vụ công tác quản lý và tổ chức lễ hội; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu tư liệu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội. Cùng với đó, nhiệm vụ đề tài nêu trên phù hợp với mục tiêu “Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng…” theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Hội thảo khoa học, các nhà nghiên cứu đã phát biểu nhiều ý kiến thảo luận về tiêu chí lựa chọn đưa lễ hội vào danh mục lễ hội tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế để bảo tồn và phát huy các giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững. Từ đó, xác định được cách phân loại phù hợp nhất đối với hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hiện nay.