Đến dự khánh thành có đồng chí Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; các đồng chí: Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành cấp tỉnh; Lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Hội Khoa học Lịch sử, Hội Cựu Chiến binh, Hội Người tù yêu nước tỉnh; đại diện lãnh đạo thị xã Hương Trà, phường Hương Vân, Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ, Nhà máy thủy điện Hương Điền và các nhân chứng lịch sử.
Tháng 3 năm1966, Trung ương Đảng quyết định thành lập Khu ủy Trị Thiên Huế và Quân khu trực thuộc Trung ương, tách khỏi Liên khu V. Lúc này phong trào kháng chiến phát triển chậm, mặc dù phong trào đấu tranh đô thị lên cao bởi vì một trong những lý do quan trọng là căn cứ cách mạng, đặc biệt là bộ chỉ huy kháng chiến cách xa trung tâm thành phố, chưa chỉ đạo kịp thời và sát sao các phong trào đấu tranh của quần chúng. Vì vậy, để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào thành phố Huế, tháng 8/1967, Trung ương Đảng chỉ thị cho Khu ủy và Quân khu Trị - Thiên Huế chuẩn bị mọi mặt để tổ chức tấn công và nổi dậy ở Huế.
Sau khi khảo sát địa hình, Thường vụ Khu ủy quyết định chọn vị trí đồi 160 thuộc địa bàn xã Hương Vân, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) để đào địa đạo, làm bản doanh cho Thường vụ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Tư lệnh Mặt trận Huế hoạt động. Việc đào địa đạo được tiến hành tuyệt đối bí mật, trong điều kiện hết sức khó khăn và nguy hiểm, được tiến hành khẩn trương, dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, thuổng, rìu rựa... đất đá được bí mật vận chuyển đổ xuống suối để tránh địch phát hiện. Kết cấu địa đạo có hình chữ Y, gồm có 3 cửa ra vào, nằm trên triền dốc 2/3 của đồi 160, có tổng chiều dài hơn 100m; trong lòng địa đạo có phòng ngủ, phòng họp, trụ mắc võng; bên ngoài địa đạo có bếp Hoàng Cầm, hầm cảnh vệ, trận địa pháo, giao thông hào...
Tại Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Đặc biệt, là cuộc họp vào tháng 8 và tháng 10 năm 1967, Thường vụ Khu ủy và Thành ủy họp để thảo luận, quyết định các phương án tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Cuối tháng 2 đầu tháng 3 năm 1968, tại Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế, Thường vụ Khu ủy họp để đánh giá, sơ kết chiến dịch Huế và Xuân Mậu Thân 1968. Trên cơ sở phân tích những mặt thuận lợi và khó khăn, tháng 5 năm 1968, Bộ Chỉ huy Khu ủy Trị Thiên Huế đã quyết định chuyển lên miền núi A Lưới, tại Địa đạo chỉ còn lại lực lượng vũ trang của huyện Hương Trà. Đến đầu năm 1969, quân Mỹ và tay sai ồ ạt mở các cuộc tấn công lên miền núi Hương Trà, chúng đã phát hiện ra khu Địa đạo, cho máy bay ném bom và dùng thuốc nổ đánh sập các cửa địa đạo.
Trải qua thời gian tồn tại, dưới tác động của thiên nhiên, một số cửa địa đạo đã bị vùi lấp, năm 1997, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh (nay là Bảo tàng Lịch sử) tiến hành khai thông địa đạo; năm 2020, Địa đạo tiếp tục được tu bổ, tôn tạo với các hạng mục theo nguyên trạng như: phục hồi 3 cửa hầm và gia cố lòng địa đạo; đào đất khai thông hầm; phục dựng, tôn tạo bếp nấu ăn Hoàng Cầm; phục dựng lại hai hầm cảnh vệ số 1 và 3, hệ thống giao thông hào... xây dựng mới các hạng mục nhà bia tưởng niệm, biển giới thiệu di tích, nhà nghỉ dừng chân; xây mới cầu tàu ở bến thuyền tại chân đồi 160 dẫn lên địa đạo…sau 02 năm thi công, đến nay công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá cao sự nỗ lực của Sở Văn hóa và Thể thao trong việc chỉ đạo Bảo tàng trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tri ân các anh hùng liệt sỹ, những tấm gương anh dũng, kiên trung, đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tri ân những cán bộ, lão thành cách mạng, những người yêu nước trên mọi miền Tổ quốc đã từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên Huế; đồng thời yêu cầu trong thời gian tới cần nghiên cứu đề xuất các giải phát có tính định hướng đầu tư nhằm khai thác, phát huy giá trị di tích một cách bền vững, hiệu quả.
Đồng chí Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao nhấn mạnh: Việc tu bổ, tôn tạo di tích Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế là nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân từ bao thế hệ, nhất là những cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại đây. Địa đạo Khu ủy Trị Thiên Huế có được diện mạo như ngày hôm nay đó là sự chung sức, chung lòng, sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Sự nỗ lực của các ban ngành hữu quan, đặc biệt là Bảo tàng Lịch sử được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý di tích đã có những giải pháp tích cực, cùng các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát… phối hợp chặt chẽ trong suốt quá trình tu bổ, tôn tạo di tích.
Trong thời gian tới, Ngành Văn hóa tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn quản lý và phát huy giá trị di tích, phối hợp với chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan xây dựng các phương án để phát huy hơn nữa giá trị của di tích, xây dựng nơi đây trở thành điểm tham quan di tích lịch sử kết hợp du lịch sinh thái trên địa bàn, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau…