Tham dự Hội thảo có TS. Phạm Hùng Tiến, Phó giám đốc viện FNF Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Tuyết nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bà Lê Thị Thủy, nguyên Ủy viên Đoàn chủ tịch, Giám đốc TTPNPT; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các nhà sản xuất, kinh doanh nón lá trên địa bàn; cùng đông đảo các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu Phát triển du lịch cộng đồng và Thiết kế thời trang. Hội thảo đã đi sâu thảo luận tập trung vào các vấn đề chính sau:
1. Nón lá Huế gắn với chỉ dẫn địa lý: điều này hết sức cần thiết nhằm nâng tầm Nón lá Huế với thương hiệu được công nhận. Vì vậy cần vận động tuyên truyền hộ gia đình, các tiểu thương gắn tem, dán nhãn để thương hiệu Nón lá Huế đứng vững trên thị trường trong và ngoài nước. Hơn nữa, đây chính là khởi đầu và làm cơ sở cho việc phát triển thương hiệu của các ngành nghề truyền thống của tỉnh.
2. Sự cần thiết phải có những giải pháp như: khuyến khích tiểu thủ công, xúc tiến thương mại, quảng bá du lịch, truyền thông từ nhiều góc độ; Từng bước phải có ưu tiên cụ thể như: quan tâm đào tạo nghề, quan tâm tiếp thị và tìm kiếm đầu ra.
Hiện nay sản xuất và kinh doanh Nón lá chỉ là những hộ nhỏ lẻ, để tăng sức mạnh về thị trường và tìm đầu ra, nên chăng cần tập hợp các hộ kinh doanh sản xuất nhỏ thành các tổ hợp hoặc hợp tác xã.
3. Mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà cả ngoài nước. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan truyền thông trong quảng bá, nắm bắt thị hiếu, đề xuất chính sách hỗ trợ; kết hợp mở rộng thị trường thông qua các gian hàng giới thiệu Nón lá Huế trong và ngoài nước giúp cho làng nghề nón lá phát triển bền vững.
4. Nên chăng cần có sự quan tâm về phân bổ ngân sách để hỗ trợ cho các hộ gia đình làm nghề nón nhưng gặp khó khăn theo tỷ lệ nhất định nhằm khuyến khích họ giữ nghề và đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
5. Cần thiết phải tiến hành khảo sát đánh giá đúng thực trạng, từ đó từ đó triển khai từng bước đề án xây dựng mô hình làng nghề mang tính sáng tạo, những vẫn bảo tồn được nghề làm Nón thủ công, giữ gìn bản sắc văn hóa xứ Huế và gắn kết với nhiều hoạt động đa dạng theo thị hiếu tiêu dùng và dịch vụ thương mại, nhằm thu hút khách du lịch của các đơn vị du lịch lữ hành, nhà cung cấp Tour, tuyến cũng như khách du lịch cá nhân.